Lãi suất ngân hàng giảm đến đâu?
Hưởng ứng động thái đưa trần lãi suất huy động xuống còn 7% (ngày 28.6) của NHNN, các ngân hàng TMCP lần lượt công bố các mức lãi suất huy động thậm chí còn thấp hơn mức trần. Mới đây nhất là ngày 11.7 vừa qua, Vietcombank (VCB) đã đưa lãi suất huy động xuống còn 5%/năm đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng.
Ngoài Vietcombank, Agribank cũng áp dụng lãi suất 5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất cho kỳ hạn này ở mức 6%/năm và VietinBank (CTG) là 6,5%/năm. Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân áp mức lãi suất cao hơn, nhưng cũng dao động ở dưới mức 7%. Hiện tại, trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vẫn là 7% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Động thái hạ lãi suất chứng tỏ các ngân hàng lớn đang dồn ứ một lượng vốn rất lớn và có vẻ như đang đau đầu để tìm kênh đầu tư sinh lợi. Thực vậy, Vietcombank cho biết tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của ngân hàng này bị âm và chủ trương trong năm nay là chấp nhận tăng trưởng tín dụng thấp, lợi nhuận giảm để đảm bảo chất lượng tín dụng.
Như vậy, giá vốn hiện tại đã về mức gần ngang bằng với giai đoạn 2004-2005, thời kỳ trước khi bùng nổ kinh tế. Khi đó, lãi suất cơ bản ở mức 7,5% và dần tăng lên theo lạm phát ngay sau đó.
Có thể nói các ngân hàng đang dần tái lập đường cong lãi suất về đúng với hình dạng chuẩn của nó, thể hiện mức lãi suất đúng với kỳ vọng rủi ro của người gửi tiền và vay tiền. Nhưng sẽ còn quá sớm để khẳng định việc giảm lãi suất này sẽ kích thích hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Vì lãi suất càng giảm mạnh, càng chứng tỏ rằng nhu cầu sử dụng vốn cũng như sức cầu của nền kinh tế đang kiệt quệ.
Xu hướng giảm lãi suất sẽ còn tiếp tục vì hầu hết các ngân hàng thương mại đều đang huy động nhiều hơn là cho vay ra. Lượng huy động vốn 6 tháng đầu năm tăng 8,18% trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục ở mức 3,31%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đó là cơ sở để lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm xuống.
Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là lãi suất sẽ còn giảm đến đâu. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Lãi suất có thể về mức 4%, nhưng còn dựa trên nhiều yếu tố như lạm phát và phản ứng của Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm”.
Mức lãi suất thấp hiện tại sẽ duy trì trong thời gian dài, thay vì giảm sâu hơn nữa vì các ngân hàng đa phần chỉ điều chỉnh lãi suất kỳ hạn ngắn, dưới 3 tháng. Còn ở các kỳ hạn khác, lãi suất vẫn sát mức trần. Lãi suất chỉ giảm thêm nếu Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ mức trần. Điều này còn phụ thuộc nhiều vào lạm phát và lượng vốn bơm vào hỗ trợ cho các ngân hàng.
Mặt khác, “lãi suất vẫn là chìa khóa cạnh tranh của các ngân hàng”, ông Hiếu nói. Khác với những ngân hàng có thế mạnh về vốn, quy mô và danh tiếng, các ngân hàng quy mô nhỏ thường phải duy trì mức lãi suất cao hơn. Và các ngân hàng lớn phải duy trì chênh lệch lãi suất với các ngân hàng khác ở mức thấp, nếu không muốn bị hút vốn.
Hiện tại, chênh lệch lãi suất kỳ hạn 1 tháng đã được kéo giãn ra tới 2 điểm phần trăm (mức lãi suất tối đa 7% hiện có nhiều ngân hàng áp dụng, như Ngân hàng Nam Á đã công bố trên website). Ở kỳ hạn 12 tháng, chênh lệch thấp hơn, ở mức 1,32 điểm phần trăm nếu so giữa Vietcombank với Ngân hàng Nam Á (NamABank).
Nhưng liệu việc giảm mạnh lãi suất có khiến kênh gửi tiền vào ngân hàng kém hấp dẫn trong mắt người dân? Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam, cho rằng: “Việc giảm lãi suất này chỉ giảm ở kỳ hạn 1 tháng. Điều đó nằm trong mục tiêu khuyến khích khách hàng gửi kỳ hạn dài của các ngân hàng. Đối với những người thích an toàn, họ vẫn lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng”.
Ông nói thêm: “Ngoài ra, còn có một vấn đề khác là tiền đồng đang tăng giá so với các ngoại tệ khác, ngoại trừ USD, khiến sức hút của tiền đồng về cơ bản vẫn được duy trì”.
Thanh Phong
nhịp cầu đầu tư
|