Thứ Hai, 15/07/2013 10:11

Hạ lãi suất tiền gửi về 5%: Khôn ngoan ném đá dò đường?

Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục hạ khi nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng còn 5%. Các chuyên gia đánh giá, có sự điều chỉnh này vì ngân hàng đang dư thừa vốn, không còn quá xa để nghĩ tới việc tự do hóa lãi suất.

Ngân hàng cắt lỗ

Vietcombank (VCB) vừa hạ lãi suất huy động kỳ hạn một tháng về 5%/năm. Trước đó từ tháng 5-2013, Agribank cũng đã sử dụng mức lãi 5% cho kỳ hạn 1 tháng. Còn tại BIDV (BID), lãi suất cho kỳ hạn 1 tháng ở 6%/năm, tại VietinBank (CTG) là 6,5%/năm.

Như vậy, so với khoảng 1 tháng trước, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm đáng kể lên tới hơn 1%. Trong khi đó, các kỳ hạn từ 2-9 tháng, lãi suất dao động ở mức 6,5% - 7%/năm. Hiện nay trần lãi suất tiền gửi mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng cho các tổ chức tín dụng là 7%/năm.

Nếu chia ra với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước, biểu bảng lãi suất còn được phân hóa rõ hơn. Đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước loại tiền gửi không kỳ hạn phổ biến lãi suất 1 - 1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 5 - 6,8%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5 - 8%/năm. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, tiền gửi không kỳ hạn lãi suất 1,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 6,5 - 7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7 - 8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 8,5 - 9%/năm.

Đây là mức lãi suất không hề được mong đợi đối với số đông người gửi tiền, bởi lợi nhuận của khách hàng đang ngày càng giảm.

Nguyên nhân của việc giảm mạnh lãi suất là ngân hàng đang dư thanh khoản, thừa tiền nhưng không cho vay ra được. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội, đến 30-6-2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng Hà Nội đạt hơn 948.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5,74% so với 31-12-2013, tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh (tăng 11,2%). Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng Hà Nội chỉ tăng khoảng 1,68% so với đầu năm.

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh đánh giá, kéo lãi suất kỳ hạn 1 tháng nhưng ngân hàng vẫn giữ lãi suất cao ở kỳ hạn 3 tháng trở lên cho thấy ngân hàng đang muốn kéo tiền gửi của khách hàng sang các kỳ hạn dài. Tạo kho quỹ vốn để cho doanh nghiệp vay trung dài hạn. Theo nhận xét của ông Dương, nhu cầu vay vốn kỳ hạn dài (5-10 năm) của DN vẫn có, trong khi đó cơ cấu vốn của ngân hàng lại dành nhiều cho kỳ hạn hắn, trung và dài hạn ít. Bắt đầu từ việc giảm lãi suất tiền gửi, ngân hàng phải tính đến việc giảm lãi suất đầu ra, giải phóng được vốn ứ. Đó là mũi tên trúng hai đích

Tuy nhiên, đứng ở góc cạnh khác cũng nhận thấy, ngân hàng đang hành động khôn ngoan để "cắt lỗ”. Vốn cho vay không ra được, trong khi ngân hàng vẫn phải trả lãi cho nền kinh tế, chi trả chi phí hoạt động. Ngân hàng tự nhận về mình 2 đặc quyền đặc lợi: vừa là nơi giữ tiền "an toàn” của người dân, nhưng cũng độc quyền cung cấp vốn cho DN do vậy khai thác tối đa việc lãi suất thỏa thuận lãi suất. Các ngân hàng lớn khuyến khích người gửi tiền nhưng ép buộc bằng việc hạ phần lời tiền gửi.

Hơn nữa vì không phải tất cả các ngân hàng đều đang thừa vốn. Việc thừa thanh khoản chỉ có ở các ngân hàng thương mại lớn mà hầu hết đều thuộc nhóm được gọi là G12. Theo tính toán của một chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập, một ngân hàng thương mại lớn có thể thừa từ 50.000-70.000 tỉ đồng. Cả hệ thống có thể thừa 170.000- 200.000 tỉ đồng”. Do vậy, xu hướng hạ tiền gửi đang diễn ra mạnh ở các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tự do hóa để quản lý dòng vốn

Xung quanh câu chuyện một số ngân hàng hạ lãi suất huy động, nhiều cảnh báo đưa ra: không nên quá đà. Trên thế giới, lãi suất có thể âm nhưng tại Việt Nam khi lãi suất thực âm, có thể dẫn đến việc người dân tìm cách dịch chuyển vốn sang các kênh đầu tư khác như vàng hay ngoại tệ. Bản chất của kênh đầu tư vàng sẽ khiến cho vốn chết nhiều hơn, vấn đề đặt ra trong hoàn cảnh hiện nay là quản lý dòng vốn, tìm đầu ra để sinh lợi.

Bà Phan Thị Chinh - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho rằng, việc NHNN vẫn áp trần lãi suất các kỳ hạn ngắn ở mức 7% và tự do hóa lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng là một bước đi thích hợp để tiến tới bỏ trần lãi suất. Bỏ trần các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đang áp dụng hiện nay vừa có tác dụng giúp các ngân hàng nhỏ có thêm lợi thế cạnh tranh, vừa là một phép thử nhằm đo lường phản ứng của thị trường, để tìm hiểu xem có hiện tượng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh trên thị trường hay không để có những biện pháp xử lý rốt ráo.

Thị trường hiện đã hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để tiến tới bỏ trần lãi suất trong thời gian tới vì lạm phát được khống chế, thanh khoản ổn định.

Khi tự do hóa tiền gửi, giá vốn sản xuất được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu trên thị trường. DN lúc đó cũng được ví như người đi chợ. Tìm một loại hàng, có nhiều chủ hàng cùng cung cấp, mỗi chủ hàng đưa ra một mức giá khác nhau. Doanh nghiệp thấy chủ hàng nào phù hợp với như cầu, đáng tin cậy, cung ứng chất lượng hàng tốt thì DN chủ động tiếp cận.

Giới chuyên gia trong ngành cũng đánh giá, ngân hàng đang "ném đá dò đường”. Chắc chắn trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có những quyết sách tiền tệ táo bạo hơn.

Hồ Hương

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Gói 30.000 tỉ đồng cho vay mua nhà: Chưa giải ngân được trường hợp nào ở TP.HCM (15/07/2013)

>   Không khó bình ổn tỉ giá (15/07/2013)

>   Nỗi bực mình của dân đầu cơ tỷ giá (15/07/2013)

>   Ông Ngô Trí Long: Thị trường tài chính Tiền tệ - Guồng quay đang nhanh dần (14/07/2013)

>   Dự trữ ngoại hối khoảng 2,8 tháng nhập khẩu (14/07/2013)

>   Quản lý thị trường vàng: Tư duy mơ hồ (14/07/2013)

>   VietinBank sẽ tăng vốn điều lệ lên 37.234 tỷ đồng (14/07/2013)

>   Gom tiền cho làn sóng mua bán ngân hàng mới (13/07/2013)

>   Ngoại tệ căng thẳng, có động cơ kiếm lời! (13/07/2013)

>   Dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tăng 7,6% (12/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật