Quản lý thị trường vàng: Tư duy mơ hồ
NHNN thời gian qua đã khá vất vả với 2 “cuộc chiến” trên thị trường vàng: Chống cái gọi là đầu cơ, xóa bỏ kinh doanh vàng miếng và chống cái gọi là “vàng hóa nền kinh tế”.
Tuy nhiên, cả 2 cuộc chiến này đều không đạt kết quả như mong muốn, chủ yếu vì các chính sách đưa ra chỉ nhằm phục vụ lợi ích của cơ quan quản lý mà không phù hợp lợi ích của cộng đồng và thị trường, lại không nhận được sự đồng thuận của dư luận.
Phải thừa nhận rằng hiện tượng đầu cơ trên thị trường vàng là có. Nguyên nhân từ đâu? Chính là từ sự quản lý yếu kém; giải pháp và chính sách điều hành không phù hợp, quá thiên về hành chính, nặng về cấm đoán, hạn chế nhập khẩu... mà không bảo đảm cân đối quan hệ cung cầu vàng. Trong khi đó, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu chọn vàng làm “nơi trú ẩn” để bảo toàn vốn, cất trữ tài sản khi lạm phát cao, giá trị VNĐ giảm sút, chênh lệch thái quá giữa giá vàng trong nước và giá thế giới. Hai mặt “xung đột” đó gây nên những biến động phức tạp trên thị trường, đã tạo cơ hội cho giới đầu cơ hoạt động.
Thực tế là như vậy nên cơ quan quản lý không thể vì thể diện mà đổ tội cho đầu cơ và nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân cốt để khỏa lấp những yếu kém trong điều hành của mình.
Về cái gọi là “vàng hóa nền kinh tế” cũng là sự ngộ nhận không phù hợp với thực tế. Trong nền kinh tế thị trường của chúng ta hiện nay chưa có cái gọi là “vàng hóa” kiểu như hiện tượng đô la hóa đang diễn ra. Không thể xem việc mua bán vàng miếng nhằm cất trữ, bảo toàn vốn của cộng đồng là “vàng hóa nền kinh tế”, trong khi chức năng làm phương tiện tính toán, thanh toán của vàng không còn phổ biến như trước đây nữa do giá vàng đã bị đẩy lên quá cao trong thời gian qua. Nỗi lo “vàng hóa nền kinh tế” cũng là sự áp đặt phiến diện dưới góc nhìn quản lý chứ không phải vì lợi ích cộng đồng. Nói cách khác, đó là tư duy mơ hồ.
Từ những phân tích trên, ngành NH nên rà soát lại thật nghiêm túc, cầu thị một số chính sách, giải pháp điều hành thị trường vàng vốn mang nặng tính hành chính, chỉ nhằm mang lại sự thuận tiện cho khâu quản lý mà không đếm xỉa đến quyền lợi của cộng đồng.
TS Phạm Minh Trí (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam)
người lao động
|