Thứ Hai, 08/07/2013 13:02

Khi khách hàng tốt... không chịu vay

Không phải bây giờ mà từ ngay đầu năm 2013, hồi chuông “bế tắc tín dụng” đã reo. Phải làm gì để đẩy vốn ra nền kinh tế, khi mà khách hàng tốt không chịu vay và vẫn còn bất cập trong xử lý tài sản đảm bảo?

Nổi lên trong số 8 giải pháp tại Thông báo số 207/TB-NHNN ngày 2/7 về các chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đối với điều hành chính sách tiền tệ chính là “triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, nhất là đối với 5 lĩnh vực ưu tiên”.

Đó là: đưa lãi suất tiền vay giảm thêm sau khi ban hành Thông tư 15/2013/TT-NHNN về áp dụng lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 2% còn 1,2%, lãi suất tiền gửi trên 1 tháng và dưới 6 tháng từ 7,5% còn 7%/năm...; xử lý nợ xấu từ nay đến hết năm khoảng 50 - 70 nghìn tỷ đồng qua công ty VAMC; đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ thị trường bất động sản 30 nghìn tỷ đồng; tạo ra thanh khoản dồi dào trên thị trường liên ngân hàng và duy trì khoảng cách lợi ích giữa nắm giữ ngoại tệ, nội tệ...

Thế nhưng, với những người trong cuộc, hàng ngày đối mặt với từng đồng vốn vào ra ở các ngân hàng thương mại, chịu trách nhiệm với đồng vốn của cổ đông, họ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành cần giải quyết những bất cập hiện nay để khơi thông bế tắc của tín dụng.

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Vietinbank nói: “Để giải quyết nợ xấu, khơi thông tín dụng thì phải tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu, đồng thời tăng giới hạn nắm giữ cổ phần các ngân hàng thương mại trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài”.

Theo ông Hùng, tỷ lệ sở hữu của nhà nước ở các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ cần dưới 65%, thậm chí dưới 55%. Với tỷ lệ này, cũng không hề ảnh hưởng tới quyền biểu quyết những vấn đề lớn, trong khi đó, nếu gia tăng sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài thì tiềm lực tài chính trong các ngân hàng sẽ tăng thêm rất nhiều.

Vấn đề tiếp theo là xử lý tài sản bảo đảm.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Agribank cho rằng, sự ách tắc tín dụng hiện nay còn ở lý do xử lý tài sản bảo đảm. Sự chậm trễ trong việc thanh lý tài sản bù đắp tổn thất khoản vay đã thành nợ xấu, quá chậm trễ, khiến cho thanh khoản tín dụng không xử lý được. Đồng thời, kéo theo đó là những thiệt hại về thời gian, sự nhiêu khê do hầu kiện ở tòa các cấp mà không biết là tài sản thế chấp có bán được hay không.

“Chính phủ cần xem xét và quyết liệt đề cập tới quy định pháp luật xử lý tài sản phù hợp với thông lệ thị trường. Tài sản lớn, trong đó bất động sản nhiều, nhưng quyền lực của người cho vay, về mặt thể chế loay hoay mãi trong nhiều năm qua, rất khó cho ngân hàng”, ông Bảo nói.

Cùng trăn trở với câu chuyện xử lý tài sản bảo đảm, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với bộ ngành sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 163 về xử lý tài sản bảo đảm.

“Ngân hàng chẳng có quyền gì hết với số tài sản đảm bảo. Hành xử của các cơ quan quản lý phải xử lý sao cho tốt. Khách hàng vay đã thế chấp thì ngân hàng có thể bán để thu hồi vốn. Đây là cái tắc nhất trong vấn đề xử lý. Nếu không làm được ngành ngân hàng còn khó khăn”, ông Thanh nói. Ngoài ra, cũng theo ông Thanh, thời gian qua, tín dụng không tăng được không phải do ngân hàng nữa. Ngân hàng đã đưa ra những ưu đãi về sản phẩm, về phí nhưng tín dụng không tăng nổi và đó là do cung cầu và chất lượng doanh nghiệp.

“Đã là người bệnh rồi thì đổ thức ăn tốt cũng không thể cứu được”, ông Thanh nói.

Theo ông, những doanh nghiệp đã yếu thì không thể hấp thụ vốn. Gần đây, Vietcombank (VCB) cũng tập trung ưu tiên vốn cho doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên nhưng ở đó cũng bắt đầu phát sinh nợ xấu tương đối mạnh. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản cũng dính hiện tượng tồn kho tăng nhanh trong khi phần lớn họ đều trong tình trạng “giá thành cao hơn giá bán”. Và nếu không cẩn thận, năm nay sẽ xảy ra tình trạng khủng hoảng nông nghiệp, lương thực và thủy sản.

Một vấn đề nữa liên quan đến kích thích tín dụng là đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói vốn hỗ trợ thị trường bất động sản 30 nghìn tỷ đồng. Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV (BID) cho biết, BIDV được Ngân hàng Nhà nước giao giải ngân khoảng 10 nghìn tỷ đồng và đang triển khai, nhưng thực tế thì rất khó.

“Nói thì dễ, nhưng quả thực khi đưa vào thực tế cuộc sống lại rất khó. Đây là gói tín dụng hỗ trợ cho nhà ở, nhưng các ngân hàng chịu hoàn toàn rủi ro. Vướng mắc hiện nay là cơ chế xác định thế nào là người thu nhập thấp, văn bản của Chính phủ cũng không đồng nhất. Thu nhập thấp là dưới 5% so với mức thu nhập trung bình của tỉnh thành phố, nhưng các tỉnh thành phố lại chưa có thống kê về thu nhập trung bình. Bộ Xây dựng cho rằng, thu nhập thấp là 9 triệu đồng một năm, nhưng lao động tự do thì mấy triệu ai biết được đây?”, ông Tú băn khoăn.

Cũng theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước đẩy vốn về ngân hàng thương mại với giá đầu vào là 4,5%/năm, BIDV cho vay 6%/năm, cứ tưởng là lãi to nhưng chỉ cần một ít khoản vay bị rủi ro thì mức lãi biên 1,5% coi như đi tong.

Bởi vậy, ông cũng mong muốn là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cần quy định rõ, chi tiết tiêu chuẩn đối tượng thụ hưởng, để tránh nay mai thanh tra nhà nước vào kiểm tra, sai phạm thì đổ lên ngân hàng.

Nguyễn Hoài

vneconomy

Các tin tức khác

>   Tỷ giá trong giá cơ sở xăng dầu thế nào cho đúng? (08/07/2013)

>   Ưu đãi "sét đánh" của công ty ma (08/07/2013)

>   Yếu tố tâm lý đang chi phối tỷ giá (08/07/2013)

>   Thách thức từ cho vay tiêu dùng (07/07/2013)

>   Nhiều quỹ tín dụng nhân dân chia cổ tức cao (07/07/2013)

>   Tăng tỉ giá: Đừng quá lạc quan! (07/07/2013)

>   Áp lực tăng trưởng tín dụng 12% (06/07/2013)

>   Lãi suất hạ, doanh nghiệp vẫn kêu cao (06/07/2013)

>   Cơ hội tháo trần lãi suất? (05/07/2013)

>   Thông báo thay đổi thành viên hệ thống thanh toán liên ngân hàng (05/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật