Eurozone đã bắt đầu đổ vỡ?
Vết rạn đầu tiên của khu vực đồng euro (eurozone) dường như đã xuất hiện ở quốc đảo Síp, khi đồng euro nơi đây bị cô lập với phần còn lại của khu vực.
Kế hoạch bất thành và sự đổ vỡ niềm tin của Loucaides
Trong một chuyến du lịch tới Athens năm nay, Maros Loucaides, một doanh nhân người Síp, nhìn thấy một căn hộ yêu thích ở trung tâm của thủ đô Hy Lạp và quyết định mua nó. Loucaides đã nói chuyện với chủ căn hộ và anh sẽ chính thức thực hiện vụ mua bán này bằng việc chuyển 170.000 euro qua đường ngân hàng, ngay khi trở lại Síp.
Tuy nhiên, sau khi về nước, Loucaides phát hiện ra rằng, đồng euro trong tài khoản ngân hàng của anh ở Nicosia, thủ đô Síp, không thể chuyển đến Hy Lạp, mặc dù hai nước sử dụng chung một đồng tiền, mà về lý thuyết, đó ít nhất là một cam kết chuyển vốn tự do.
Kế hoạch mua căn hộ sụp đổ, nhưng nghiêm trọng hơn là niềm tin của Loucaides rằng châu Âu có một đồng tiền chung cũng tan vỡ theo. Kể từ khi những giới hạn được áp dụng trong tháng 3 như một phần của gói cứu trợ các ngân hàng, đồng euro ở Síp đã không còn như đồng loại của nó ở Pháp, Đức hay Hy Lạp.
“Đồng euro Síp giờ chỉ còn là một đồng euro hạng hai”, Loucaides cay đắng nói.
Kiểm soát vốn-“eo biển” ngăn cách Síp và phần còn lại của châu Âu
Chính hoạt động kiểm soát vốn là nguyên nhân khiến đồng euro ở Síp bị cô lập với phần còn lại của khu vực đồng tiền chung. Đó là một công cụ được sử dụng thường xuyên bởi các chính phủ trong những giai đoạn khủng hoảng và giờ nó đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở châu Âu, mặc dù không phải ai cũng biết điều đó. Băng Đảo (Iceland), nước không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và chỉ sử dụng đồng tiền của riêng mình, đã áp dụng những biện pháp này năm 2008, khi 3 ngân hàng lớn của họ sụp đổ.
Trở lại trường hợp của Síp, với GDP chỉ khoảng 23 tỷ USD mỗi năm và đang nhỏ lại, nền kinh tế Síp không đáng kể gì so với GDP 9.500 tỷ USD của cả khu vực đồng tiền chung. Nhưng Síp cũng là quốc gia sử dụng đồng euro đầu tiên hạn chế dòng chảy vốn. Điều này làm dấy lên câu hỏi: phải chăng, sự tan vỡ của khu vực đồng euro - mà các nhà lãnh đạo khu vực đã và đang phải vật lộn để ngăn chặn từ 3 năm nay bằng việc tổ chức điên cuồng các hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, cùng hàng loạt gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ euro - trên thực tế đã bắt đầu?
Tổng thống Nicos Anastasiades của Síp chắc chắn đang nghĩ như vậy. “Trên thực tế, chúng tôi đã rời khỏi eurozone”, ông này nhận xét và viện dẫn những hạn chế trong hoạt động chuyển đồng euro ra khỏi Síp như một minh chứng rằng, đồng tiền của nước ông giờ có vị thế và giá trị không giống như những đồng euro ở Pháp, Đức và 14 quốc gia thành viên EU khác.
“Đó là một tình huống bất thường”, Anastasiades nói trong một cuộc phỏng vấn.
Luật pháp của EU, được thượng tôn trong Hiệp ước Maastricht năm 1992, ngăn cấm các hạn chế chuyển vốn, nhưng biện pháp được thi hành bởi Síp này lại được chấp thuận bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cơ quan hành pháp của EU, tức Ủy ban châu Âu (EC), chủ yếu để ngăn chặn dòng tiền bỏ chạy khỏi Síp. Trong khi ECB từ chối bình luận về trường hợp của Síp, các quan chức ở Brussels nói rằng, họ vẫn quyết tâm duy trì đồng euro như một đồng tiền chung.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia tài chính, trong đó có Guntram B. Wolff, Giám đốc của Bruegel, một tổ chức chuyên nghiên cứu về Brussels, nói rằng, Síp trên thực tế đã “lặng lẽ và bí mật” rời khỏi đồng euro. Ông Wolff cho biết thêm, mặc dù đã nới dần các hạn chế, song “đồng euro ở Síp vẫn không được như đồng euro ở Frankfurt”. Các biện pháp kiểm soát dòng vốn khắt khe được áp dụng từ tháng 3 đã được nới lỏng dần, nhưng giao dịch tiền tệ của các doanh nghiệp và cư dân Síp vẫn bị theo dõi trong một mạng lưới được bôi đỏ.
Trong giới hạn nhất định, các cá nhân và doanh nghiệp giờ có thể chuyển tiền ra nước ngoài và giữa các ngân hàng Síp, hoạt động mà trước đó bị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, họ cần xuất trình hóa đơn và các giấy tờ khác để chứng minh cho mục đích chuyển tiền của mình. Các giao dịch trên 500.000 euro (khoảng 640.000 USD) của mỗi công ty và trên 300.000 euro (khoảng 380.000 USD) của mỗi cá nhân phải được sự chấp thuận của ngân hàng trung ương.
Việc thanh toán bằng séc và mở mới tài khoản vẫn bị ngăn cấm. Các cá nhân chỉ có thể rút không quá 300 euro mỗi ngày, trong khi giới hạn này đối với các công ty hiện là 500 euro. Tại các sân bay, hành khách được cảnh báo không mang theo quá 3.000 euro ra khỏi biên giới.
Tất cả các quy định này cùng những thủ tục liên quan làm tăng thêm chi phí của nhiều giao dịch. Điều này thực tế làm giảm giá trị của đồng euro ở Síp so với các đồng euro được tự do giao dịch khác trong phần còn lại của eurozone.
“Đồng euro của chúng tôi, nhìn và sờ thì thấy chả khác gì một đồng euro thông thường, nhưng nó thực sự không phải là euro”, Alexandros Diogenous, Giám đốc điều hành của Unicars, một công ty ở Nicosia, chuyên nhập khẩu xe hơi của Tập đoàn Volkswagen, Đức, nói.
Một bằng chứng cho điều này, theo Diogenous, là khoảng chênh lệch lãi suất giữa Síp và phần còn lại của eurozone. “Tôi đang phải trả 7,75%/năm cho các khoản vay dài hạn, nhưng đối tác của tôi ở Đức chỉ phải trả 3 đến 4%/năm”, Diogenous nói.
Nhưng vấn đề này đang ngày càng trở thành lý thuyết khi hầu hết các ngân hàng Síp đã ngừng hẳn hoạt động cho vay.
Diogenous cho biết, để nhận được giấy phép chuyển tiền ra nước ngoài nhằm thanh toán tiền mua ô tô, ban đầu ông phải đợi ít nhất 10 ngày, gây trở ngại nghiêm trọng cho hoạt động kinh doanh. Nay thì thời gian chờ chỉ còn 24 giờ, vẫn đau đầu nhưng có thể chịu đựng được.
Bãi bỏ kiểm soát, rủi ro rút tiền hàng loạt và... kế hoạch bí mật(?)
Sự “xuống cấp” hiện nay của đồng euro Síp “đang thách thức nền tảng cốt lõi của khu vực đồng tiền chung”, Harris Georgiades, tân Bộ trưởng Tài chính Síp nhận định. Ông này cho biết đã lên kế hoạch bãi bỏ tất cả các hạn chế chuyển vốn vào cuối năm nay, nhưng việc đầu tiên cần làm là thuyết phục được Ngân hàng Trung ương châu Âu trợ giúp không giới hạn nhằm đảm bảo cho hệ thống ngân hàng Síp có thể trụ vững trước các cú sốc.
Một vấn đề lớn đối với các hoạt động kiểm soát dòng vốn là, khi được áp dụng, chúng có xu hướng nấn ná lâu hơn dự tính của mọi người, do sự lo sợ về những gì có thể xảy ra khi chúng được dỡ bỏ. Hoạt động kiểm soát được thực hiện ở Băng Đảo đã dùng dằng đến 5 năm sau đó. Cơ quan quản lý Síp trước đây có nói rằng, hoạt động kiểm soát của họ sẽ kết thúc sau 1 tuần, sau đó tăng lên 1 tháng và giờ lại chịu áp lực kéo dài lên 4 tháng.
Nhưng trong khi đã phần nào không còn là một thành viên của eurozone, Síp vẫn không tận dụng được thuận lợi lớn nhất của việc có một đồng tiền độc lập: tự do định giá. Trong Liên minh châu Âu, đây là một đặc quyền mà chỉ Anh Quốc, Thụy điển và các nước còn giữ đồng tiền riêng có.
Michael Kammas, Tổng giám đốc của Hiệp hội các ngân hàng Síp, một tổ chức chuyên vận động hành lang, nói rằng, tổ chức của ông đã ngay lập tức hưởng ứng việc bãi bỏ các hạn chế, thứ đã tạo nên sự cảnh giác sâu sắc của nước ngoài trong các giao dịch với ngân hàng Síp và đang cản trở hoạt động thương mại. Kammas nêu ví dụ, một thư tín dụng (LC) được phát hành bởi một ngân hàng Síp hiện rất hiếm khi được chấp nhận bởi các đối tác nước ngoài hay thậm chí chính tại Síp, buộc các nhà giao dịch phải thanh toán hàng hóa bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, không ai muốn các hoạt động kiểm soát được dỡ bỏ quá sớm. Ngay Kammas cũng cảnh báo chỉ nên làm điều đó chừng nào niềm tin đã trở lại với hệ thống ngân hàng. Niềm tin đó vốn đã bị tan vỡ hồi tháng 3 bởi hàng loạt sự kiện: Ngân hàng Laiki, lớn thứ hai Síp, phá sản, đóng cửa; các khách hàng lớn bị tịch thu tiền gửi; và các khoản tiền gửi trên 130.000 USD tại ngân hàng lớn nhất Síp, Bank of Cyprus, bị “đóng băng”.
Nhưng việc dỡ bỏ các hạn chế ở một nước mà không ai, thậm chí cả những người làm ngân hàng tin tưởng vào các ngân hàng sẽ có thể dẫn đến một làn sóng rút tiền ra khỏi nước đó, kèm theo sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống ngân hàng, Theodore Panayotou, một nhà kinh tế, đồng thời là giám đốc Viện quốc tế về quản lý của Síp, đánh giá.
Khi Ủy ban châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu các khách hàng gửi tiền ở ngân hàng Síp và các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng này phải chấp nhận mất mát như là một phần của thỏa thuận cứu trợ, họ đã tạo nên một tiền lệ mà sau đó đã trở thành nhân tố trung tâm của chiến dịch chống khủng hoảng ngân hàng của châu Âu. Tại một cuộc họp ở Brussels tháng trước, các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu đã nhất trí rằng, “tự cứu” phải là một phần thiết yếu của các gói cứu trợ ngân hàng trong tương lai.
Nhà kinh tế Panayotou cho biết, ông tin rằng, với việc tách Síp ra khỏi phần còn lại của khu vực đồng euro, dù theo một cách không chính thức, các chính sách gia của châu Âu đã có được thử nghiệm cho một bước đi xa hơn và giờ đang kiểm nghiệm những gì xảy ra khi đồng tiền chung không còn thực sự… chung nữa. Tuy nhiên, các quan chức ở Brussels vẫn khăng khăng là họ không hề có kế hoạch bí mật đó.
Quang Huy
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|