Đời sống nông thôn nhìn từ CPI
Lạm phát sáu tháng đầu năm nhìn chung không có biến động lớn. Riêng chỉ số giá mặt hàng lương thực và thực phẩm (chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tiêu dùng) chỉ tăng vào hai tháng đầu năm do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, các tháng sau đều có chỉ số giá giảm.
Biểu hiện này cho thấy, trong thực tế là lạm phát mặc dù được kiềm chế, nhưng thị trường cầu hiện đang ở mức thấp, phản ánh sức mua trong dân yếu, ngay cả với lương thực, thực phẩm. Nông thôn đang khó khăn nhất khi giá bán lương thực, thực phẩm giảm, mà phải mua hàng công nghiệp, dịch vụ y tế cao hơn thành thị.
Nông dân đang gặp khó khăn vì giá bán lương thực thực phẩm giảm mà phải mua hàng công nghiệp, dịch vụ cao hơn người thành thị
|
Nhẹ thu nhập, thêm phần chi tiêu
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 gần như ổn định so với tháng trước, chỉ tăng 0,05%. Từng nhóm hàng hóa và dịch vụ, giá không biến động lớn so với tháng trước.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,42%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,4%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,33%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; giáo dục tăng 0,03%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,02%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm gồm: bưu chính viễn thông giảm 0,13%; giao thông giảm 0,09%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08% (lương thực giảm 0,62%; thực phẩm giảm 0,03%).
Tuy nhiên, nhìn qua một năm, tháng 6/2013 so với tháng 6/2012 thì CPI tăng 6,69%. Đáng lo ngại khi giá lương thực trong một năm không hề tăng mà lại giảm 3,23%, giá thực phẩm chỉ tăng 1,79% và đang có dấu hiệu sụt giảm, thì hai nhóm mà không ai muốn thấy chỉ số giá tăng lại tăng quá cao, đó là: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng đến 62,03% (trong đó dịch vụ y tế tăng 88,49%), nhóm giáo dục tăng 14,07% (trong đó dịch vụ giáo dục tăng 11,7%).
Khu vực nông thôn chịu đựng nhiều nhất. Theo Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm trước, giá bán sản phẩm của người trồng cây hằng năm giảm 1,46%, trồng cây lâu năm giảm 2,64%, chăn nuôi giảm 9,09%, nuôi thủy sản giảm 0,39%...
Thu nhập của nông dân giảm bởi giá bán sản phẩm của họ giảm, mà giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi đều không giảm giá, thậm chí có loại còn tăng giá.
Đồng tiền dùng cho chi tiêu gia đình ở nông thôn ngày càng eo hẹp, nhưng họ lại phải mua hàng tiêu dùng với giá hầu như đều cao và tăng nhanh hơn so với người thành thị.
Xót xa hơn, chi phí y tế ở nông thôn tăng chóng mặt, trong một năm (6/2012 đến 6/2013), giá thuốc và dịch vụ y tế ở nông thôn tăng đến 72,41% (trong đó dịch vụ y tế tăng 103,44%), lo cho con học hành cũng nhiều tiền hơn khi chi phí giáo dục tăng 12,99% (trong đó dịch vụ giáo dục tăng 14,5%).
Tình hình thời tiết hai, ba tháng qua đã có những bất thường. Quý III thường là thời điểm nhà nông phải đối mặt với thiên tai nhiều hơn. Nỗi lo của nông dân là mức chi tiêu chung của xã hội sẽ khó tăng trong sáu tháng cuối năm. Nếu giá xuất khẩu lúa gạo và các loại nông sản không khả quan hơn thì người nông dân tiếp tục khó khăn.
Nông nghiệp đang đuối sức
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã phân tích năm 2013, Chính phủ tập trung xử lý những hệ quả của năm năm bất ổn kinh tế vĩ mô. Các biện pháp giảm tổng cầu (chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt) đã tác động kiềm hãm sức mua của thị trường.
Mặc dù CPI sáu tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 2,4%, nhưng nguy cơ lạm phát vẫn rình rập khi mà nguyên nhân bên trong của nền kinh tế chưa được giải quyết.
Từ đầu năm đến nay khu vực doanh nghiệp trong nước từ quốc doanh đến tư nhân tiếp tục chao đảo. Khu vực nông nghiệp tưởng như có thể cứu vãn kinh tế chung nhưng cũng trong tình trạng sụt giảm.
Giá lúa gạo, nông sản rẻ thì giúp cho rổ hàng hóa khả quan lên, lạm phát giảm đi. Lạm phát giảm nên Chính phủ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn cho rằng sự hy sinh của nông nghiệp đã bù đắp cho nợ xấu ngân hàng, khó khăn của doanh nghiệp. Đây không phải là lần đầu tiên đỡ gánh nặng cho nền kinh tế sụt giảm lại đặt trên vai nông dân.
Sau mỗi lần như vậy, khu vực nông nghiệp lại loạng choạng và sức của nông dân kiệt dần. Mỗi khi thiên tai, dịch bệnh, nông dân gánh gần 70% chi phí phòng chống thiên tai, vì vậy khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hơn 40% hộ gia đình nông dân không gượng dậy nổi.
Nhìn ngành nào trong lĩnh vực nông nghiệp cũng thấy nông dân đang gắng gượng giữa khó khăn. Thu nhập của hộ nông dân trồng trọt hiện nay thấp vừa do giá lúa, nông sản giảm, vừa do diện tích canh tác của từng hộ gia đình quá nhỏ: 61% nông dân chỉ có dưới 0,5ha đất; 32% từ 0,5 đến 3ha.
Nông dân chăn nuôi bỏ chuồng, bỏ trại dần, theo thống kê so với cùng kỳ năm trước, hiện đàn trâu bò, heo, gia cầm đều giảm do hiệu quả chăn nuôi thấp.
Diện tích nuôi thủy sản tăng không đáng kể trong một năm qua (0,6%), nhưng sản lượng thủy sản nuôi sáu tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sản xuất cá tra gặp khó khăn trong tiêu thụ. Sản lượng cá tra sáu tháng đầu năm chỉ đạt 560 nghìn tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công thương cũng vừa cho biết xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong sáu tháng đầu năm 2013 đạt 9,7 tỉ USD, giảm 7% so với cùng kỳ, do cả giá và lượng xuất khẩu đều giảm.
Tăng thu nhập cho nông dân: Chờ tái cơ cấu
Ở Việt Nam, nông nghiệp cung cấp đủ lương thực cho toàn dân và có thừa để xuất khẩu nên với giá lương thực rẻ, dẫn đến giá lao động rẻ vì những nhà sản xuất công nghiệp hầu như lấy giá lương thực, thực phẩm làm tiêu chuẩn tính thu nhập đủ sống cho công nhân.
Bởi thế, có thể nói nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã hy sinh để hai khu vực kinh tế tư nhân (chiếm 46% GDP, 5% lao động) và đầu tư nước ngoài (chiếm 17% GDP, 22% lao động) phát triển lên.
Thế nhưng, những ngành công nghiệp đáng lý ưu ái lại nông thôn, thì ngược lại. Công nghiệp chế tạo máy, sản xuất phân bón, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước chưa thấy dành tâm huyết phục vụ cho nông dân, hầu như phải nhập khẩu, biến động giá cả nông dân chịu. Hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng thì bán hàng về nông thôn với giá luôn cao hơn ở thành thị.
Có thể thấy rõ điều này trong CPI sáu tháng qua so với sáu tháng đầu năm 2012: ở khu vực thành thị, CPI nhóm hàng may mặc - mũ nón - giày dép tăng 7,84%, nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,44%; trong khi con số tương ứng ở khu vực nông thôn là 9% và 5,03%.
Liên tục hơn 10 năm, mức độ xóa đói giảm nghèo của Việt Nam rất ổn, cứ đều đặn 2%/năm cũng có sự góp phần của giá lương thực, thực phẩm ổn định. Nhờ đó, Việt Nam ổn định chính trị xã hội để thu hút đầu tư.
Trong các chính sách các tỉnh trải thảm đỏ mời gọi đầu tư thời gian qua đã không tính đến giá môi trường, mất cân bằng trong tài nguyên, trong khi chính nông dân gánh thảm trạng môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là bộ đầu tiên trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc cần phân tích kỹ đâu là lợi thế mới của nông nghiệp Việt Nam, nghĩ đúng về cơ cấu nông nghiệp.
Chẳng hạn, sử dụng lúa, gạo thay thế bắp, đậu làm thức ăn chăn nuôi liệu có hiệu quả hơn việc tăng diện tích canh tác bắp, đậu để hạn chế nhập khẩu các loại nông sản này làm thức ăn chăn nuôi.
Hay thay vì trồng ba vụ lúa và kiên quyết giữ diện tích 3,8 triệu ha đất lúa thì thay bằng khái niệm giữ đất nông nghiệp, từ đó luân canh lúa - hoa màu trên đất lúa và phát triển thêm những loại cây dược liệu, cây công nghiệp khác…
Một mình ngành nông nghiệp chưa thể giúp nông dân tăng lợi tức trên mảnh đất của mình. Phân bón, thức ăn chăn nuôi, các loại cây con giống, yếu tố khoa học kỹ thuật… là điều kiện cần để người nông dân tạo ra sản phẩm thiết yếu cho xã hội và đặc biệt là, đã giúp Việt Nam đỡ lún sâu trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay thì vẫn chưa được đầu tư thích đáng.
Khu vực nông nghiệp và người nông dân đang đòi hỏi những ứng xử công bằng hơn cho mình từ cơ chế, chính sách tầm quốc gia cũng như của xã hội. Những kinh nghiệm về trợ giá lúa gạo và nông sản của Thái Lan hay EU đang áp dụng cho các nước thành viên mới ở Đông Âu dù chưa được sự đồng tình hoàn toàn nhưng cũng là những bài học cần nghiên cứu.
Nguyễn Ngọc
doanh nhân sài gòn
|