Thứ Bảy, 13/07/2013 09:23

Cổ phần hóa đối mặt thách thức lớn

Quá trình cổ phần hóa (CPH) đang diễn ra rất chậm, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái cơ cấu DNNN. Việc tìm một giải pháp mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình này trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn là không hề dễ dàng.

Tiến trình cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm so với mục tiêu

Thiếu nhất quán

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, từ năm 2012 đến tháng 6/2013, cả nước mới sắp xếp được 38 DN, trong đó CPH 23 DN, sáp nhập, hợp nhất 10 DN, chuyển thành công ty TNHH MTV 3 DN và thành lập mới 2 DN. Đáng buồn hơn, rất nhiều DN xin lùi thời điểm CPH sau năm 2015. Cụ thể: Vietnam Airlines đã chọn thời điểm gút sổ sách nhằm định giá DN vào cuối quý I/2013. Tuy nhiên, việc xác định giá trị DN để có thể ra mức định giá, nếu sớm nhất cũng phải cuối năm 2013 mới xong. Như vậy, việc IPO chắc chắn sẽ phải lùi sang năm 2014. Ngoài ra, năm nay, theo kế hoạch, 11 tổng công ty lớn thuộc Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải CPH công ty mẹ. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, chưa có đơn vị nào triển khai được việc này. Hay tại Tổng công ty Viglacera, mọi việc dường như không có tiến triển do nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này của DN là tập trung đưa DN thoát lỗ. Trong Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, tổng công ty này cũng không hề nhắc đến kế hoạch CPH.

Một trong những lý do khiến quá trình CPH diễn ra chậm là do không ít DN sau khi xử lý tài chính và xác định lại giá trị DN theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP thì giá trị thực tế của DN thấp hơn các khoản nợ phải trả, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể cho xử lý những trường hợp này.

Bên cạnh đó, ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital cho rằng, mặc dù chương trình CPH các DNNN của Chính phủ Việt Nam đã gặt hái được một số thành công nhưng gần đây đã bị chậm lại một phần do sự trì trệ của thị trường chứng khoán.

Còn tại văn bản kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bán tiếp phần vốn nhà nước ở 2 DN đã CPH thuộc Bộ Công Thương vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng, CPH là chủ trương và giải pháp cơ bản, quan trọng nhất trong sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Với những gì đang diễn ra trên thực tế, xem ra, khối DNNN, đặc biệt các tổng công ty, tập đoàn còn thiếu nhất quán trong nhận thức và hành động để thực hiện chủ trương này.

Ban hành cơ chế tháo gỡ khó khăn

Tại phiên họp Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN diễn ra gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các cấp quản lý cần ưu tiên xây dựng, ban hành cơ chế nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện phương án tái cơ cấu DNNN. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn tái cơ cấu DN 100% vốn nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần nhằm gỡ vướng cho những DN rơi vào các trường hợp này.

Theo dự thảo, phương án tái cơ cấu DNNN được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu, DN tái cơ cấu với Công ty Mua bán nợ (DATC) hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu. DATC được quyền chủ động đàm phán mua nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu DN. Việc mua nợ để tái cơ cấu DN phải đảm bảo có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn...

Về dự thảo này, theo ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển DN, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), với những trường hợp DN sau khi xử lý tài chính và xác định lại giá trị DN theo quy định tại Nghị định 59/2011, mà giá trị thực tế của DN thấp hơn các khoản nợ phải trả của DN, đã được ban chỉ đạo CPH, cũng như các đơn vị liên quan xử lý. Tuy nhiên, cách giải quyết ở mỗi bộ, tập đoàn, tổng công ty không giống nhau, nên Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo thông tư, nhằm thống nhất quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện.

Để đảm bảo hiệu quả của CPH trong thời gian còn lại của năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường vai trò giám sát, chỉ đạo của các cấp ủy; đổi mới và nâng cao vao trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong DNNN. Mặt khác, cần giữ vững lập trường kiên quyết điều chỉnh để DNNN có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong đổi mới, ứng dụng khoa học-công nghệ, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế.

Còn ông Dominic Scriven cho rằng, CPH là “xương sống” của các chính sách kinh tế phù hợp và hai ngành chủ lực cần CPH trước mắt là viễn thông và ngân hàng. Chìa khóa để CPH thành công là định giá, và cách duy nhất để làm được điều này là thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng đứng ra định giá và chào bán cổ phần theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Nguyễn Hải

Báo công thương

Các tin tức khác

>   Nóng hổi bài học WTO (13/07/2013)

>   Quy định 5 hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (12/07/2013)

>   “Cơ hội cuối cùng” của công nghiệp ôtô Việt Nam (12/07/2013)

>   Đến năm 2020: Kinh tế hàng hải sẽ đóng góp 55% tổng GDP (12/07/2013)

>   LG có thể đầu tư “hàng tỷ USD” vào Hải Phòng (12/07/2013)

>   DNNN sẽ phải công khai thông tin tài chính (12/07/2013)

>   Những 'tay chơi' mới trên thị trường bán lẻ (12/07/2013)

>   Quyền lợi người tiêu dùng còn bị bỏ quên (12/07/2013)

>   Được, mất khi tham gia TPP (12/07/2013)

>   Đảm bảo nguồn dầu thô cung cho lọc dầu Dung Quất (11/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật