Thứ Hai, 22/07/2013 08:22

Âm thầm thâu tóm dự án

Suốt vài tháng qua, Công ty Tư vấn Bất động sản VietNam Sotheby ’s International Realty đã lặng lẽ tiếp thị đến các khách hàng tiềm năng dự án biệt thự Eden đang được xây dựng tại phường Phú Hữu (quận 9, TP.HCM). Nhưng ít ai biết Eden chính là khu biệt thự Goldora Villa được Công ty Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) chào bán cách đây 2 năm.

Đằng sau cái tên mới của dự án này là cuộc thâu tóm với sự tham gia của bên mua là Indochina Land, thuộc Indochina Capital. Cho đến nay, hầu như mọi thông tin về thương vụ này vẫn được giữ kín; cả hai bên vẫn chưa tiết lộ giá bán cũng như cơ cấu sở hữu của Indochina Land trong dự án Eden.

Giao dịch chuyển nhượng không được công khai như thế này, theo cách nói của ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, cho thấy các thương vụ chuyển nhượng được công bố trong thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng. Ông cho rằng nhiều nhà đầu tư đang xem khó khăn trên thị trường bất động sản là cơ hội để thâm nhập cũng như mở rộng hoạt động.

Indochina Land là một bằng chứng cho nhận định của ông Townsend. Giữa lúc nhiều nhà đầu tư, kể cả trong và ngoài nước, lao đao do giao dịch và giá cả sụt giảm mạnh, vốn từ ngân hàng bị thắt lại thì Indochina Land lại âm thầm tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Ngoài thương vụ Goldora Villa, ông Peter Ryder, Tổng Giám đốc Indochina Land, cho biết Indochina Land còn mua được 3 dự án tại Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù thông tin không được tiết lộ nhưng theo website của Indochina Capital, Quỹ Đầu tư Indochina Land Holdings 3 đang đầu tư 4 dự án mới là Eden, khu phức hợp Saigon South Residences (huyện Nhà Bè, TP.HCM), Phạm Hùng (huyện Từ Liêm, Hà Nội) và EHome Bình Tân.

Indochina Land là một trong số rất ít trường hợp đi ngược lại xu hướng khi vẫn tiếp tục đầu tư giữa lúc một số quỹ nước ngoài đã và đang thoái vốn. VinaLand do VinaCapital quản lý, chẳng hạn, đã thực hiện 4 thương vụ thoái vốn trong nửa đầu năm 2013, bao gồm dự án tòa nhà văn phòng Nguyễn Du Building tại Hà Nội, khách sạn Legend Hotel Saigon, tổ hợp Signature One (quận 2, TP.HCM) và khách sạn Sheraton Nha Trang.

Chiến lược của VinaLand đã được Đại hội cổ đông thông qua đầu năm nay là không đầu tư dự án mới mà chỉ tập trung phát triển hoặc thoái vốn khỏi các dự án hiện có.

Không riêng gì VinaLand, một số công ty nước ngoài khác như JSM Indochina Properties bán lại dự án Peninsula Place (quận 2) cho Công ty Sao Sáng Sài gòn; GS E&C bán lại tổ hợp sân golf và biệt thự tại huyện Nhà Bè cho C.T Group; Daewoo bán lại tổ hợp Daeha cho Hanel.

Đáng chú ý là bên thâu tóm các dự án trên đều là nhà đầu tư trong nước. Theo ông Townsend, những thương vụ như VIPD Group mua lại Vincom Center A với giá 9.823 tỉ đồng, hay Tập đoàn Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn Victoria Hotels & Resorts cho thấy doanh nghiệp trong nước đã trở thành thế lực lớn trong việc thâu tóm các dự án bất động sản.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sohovietnam, cho biết trong nửa đầu năm nay, Công ty đã môi giới chuyển nhượng thành công 2 dự án, trong đó có một tòa nhà văn phòng và một khu đất xây khách sạn đều ở Hà Nội với tổng giá trị chuyển nhượng 250 tỉ đồng. Cả bên mua lẫn bên bán đều là các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Townsend, một số nhà đầu tư nước ngoài mới cũng đang nhòm ngó thị trường thông qua việc mua lại dự án. Chẳng hạn như Mapletree (Singapore) đã mua lại tòa nhà văn phòng Centre Point và CJ Group (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận mua lại tòa nhà Gemadept tại TP.HCM với giá khoảng 45 triệu USD.

Một quỹ đầu tư Hồng Kông là EXS Capital cũng đã đầu tư vào thị trường địa ốc Việt Nam thông qua việc chi 35 triệu USD mua cổ phần của Sơn Kim Land, thành viên của Sơn Kim Group.Không tiết lộ phần vốn góp là bao nhiêu nhưng EXS Capital để ngỏ khả năng tăng vốn đầu tư tại Sơn Kim Land lên tới 80 triệu USD.

EXS Capital bắt đầu chú ý đến thị trường Việt Nam từ cuối năm 2011 giữa lúc thị trường bất động sản đang tụt dốc mạnh. Tuy nhiên, quỹ này lại nhìn thấy cơ hội vì khó khăn của thị trường vốn Việt Nam trong giai đoạn 2010-2012 cũng giống như những gì diễn ra trong khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc giai đoạn 1994-1995 và 2003-2004. Lúc đó, những khó khăn về tài chính đã làm lu mờ câu chuyện tăng trưởng và dân số đông của Trung Quốc - nền tảng cho phát triển bất động sản.

Theo ông Eric Solberg, một sáng lập viên của EXS Capital, kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy những nhà đầu tư thông minh và nhìn thấy được những khó khăn tạm thời sẽ nắm bắt cơ hội và trở nên thành công

“Doanh nghiệp trong nước đã trở thành thế lực lớn trong việc thâu tóm các dự án bất động sản”, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam nhận xét.

Linh Giang

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Hà Nội: Quy định mới về xác định giá đất ở, nhà tái định cư (21/07/2013)

>   Dự án nhà ở xã hội đầu tiên nhận đơn mua nhà (21/07/2013)

>   Khách hàng đòi tiếp quản siêu dự án Usilk City (20/07/2013)

>   Thâu tóm BĐS: Tranh nhau miếng bánh 4 tỷ USD (20/07/2013)

>   Hà Nội tiếp tục thu hồi đất để xây nhà thu nhập thấp (19/07/2013)

>   Doanh nghiệp địa ốc TP.HCM lại “dở chứng” (19/07/2013)

>   TS. Trần Du Lịch: Lạm phát cả năm 2013 sẽ được kiềm chế ở mức 7% (19/07/2013)

>   Tín dụng và bất động sản: Mỗi thời mỗi khác (19/07/2013)

>   Bất động sản Đà Nẵng: Phía sau ánh đèn hào nhoáng! (19/07/2013)

>   Giảm lãi suất huy động: Hy vọng mong manh cho nhà đất (19/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật