Thứ Sáu, 19/07/2013 10:14

Giảm lãi suất huy động: Hy vọng mong manh cho nhà đất

Hy vọng còn lại cho giới chủ đầu tư bất động sản chỉ là trong bối cảnh dân tình không mấy can đảm gom vàng, trong khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm ngày càng kém hấp dẫn, một bộ phận người tiêu dùng sẽ chuyển dần tiền mặt sang nhà đất giá rẻ như một cách để giữ tiền.

Mặt bằng thực âm!

Một lần nữa, lãi suất lại trở thành một chủ đề nóng sốt trên thị trường tín dụng. Nhưng khác với những lần giảm lãi suất huy động trước đây, vào lần này mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã “được” các ngân hàng thương mại lớn kéo tuột xuống dưới cả mức lạm phát dự kiến của cả năm 2013.

Nếu lạm phát kỳ vọng của năm 2013 đang được giới quản lý kinh tế và một số chuyên gia dự báo vào khoảng 6%, thì lãi suất huy động kỳ hạn một tháng ở Vietcombank (VCB) và Agribank chỉ còn có 5%. Với mặt bằng lãi suất thực âm như thế, nhiều người gửi tiết kiệm sẽ phải rất đắn đo xem có nên chuyển tiền gửi sang kỳ hạn dài, hay rút ra để dùng vào việc khác.

Cũng như lần khởi phát từ đầu năm 2012, lần này Vietcombank lại là ngân hàng đi tiên phong và mang tính tín hiệu trong việc kéo giảm lãi suất huy động. Vào những lần trước, cứ sau khi Vietcombank giảm lãi suất là các ngân hàng khác lục tục theo sau, tạo nên một làn sóng hạ lãi suất trên diện rộng.

Tất nhiên, người ta không thể hoài nghi về việc nhóm ngân hàng G5 sẽ đóng vai trò then chốt trong trào lưu giảm lãi suất huy động. Bằng chứng là sau Vietcombank và Agribank, đã có BIDV và Vietinbank (CTG) tham gia vào chiến dịch tạo bất lợi cho người gửi tiền. Nhưng đó mới chỉ là những ngân hàng lớn, được xem là là những cỗ xe tăng với trọng pháo. Còn với “bộ binh”, người dân đang quan sát nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ hành động ra sao.

Vốn không hùng mạnh về tiềm lực vốn như nhóm ngân hàng lớn, các ngân hàng nhỏ luôn phải đối mặt với nguy cơ bẫy thanh khoản một khi họ bị cuốn theo làn sóng giảm lãi suất. Kinh nghiệm xương máu mà họ đã thấm thía là vào khoảng cuối năm 2011, với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên tới trên 20%, thậm chí có những ngân hàng cho nhau vay với lãi suất không tưởng là 30%. Chỉ đến đầu năm 2012, cơn khát vốn mới tạm dừng lại và các ngân hàng lớn nhỏ dần được Ngân hàng nhà nước bơm vốn.

Sập bẫy!

Vậy công cuộc giảm lãi suất huy động như vừa qua nói lên điều gì? Cho đến nay, các ngân hàng đã không còn quá e dè khi nói ra điều gan ruột của họ: hiện lượng vốn tồn ứ trong ngân hàng là rất lớn. Huy động nhiều nhưng cho vay ít, đó cũng là một dạng bi kịch của ngân hàng thời nay.

Trong nửa đầu năm 2013, trong khi tỷ lệ tăng huy động là hơn 8%, tốc độ cho vay ra chỉ hơn 3%. Sự chênh lệch khá lớn như vậy, cộng với số vốn tồn đọng trong két sắt ngân hàng từ năm 2012 đã khiến cho ngân hàng rơi vào cái bẫy do họ giăng ra: từ siết vốn đến ứ thừa vốn.

Một con số không chính thức được ước đoán trong năm 2012 là lượng vốn tồn ứ tại các ngân hàng thương mại cổ phần có thể lên đến khoảng 200,000 tỷ đồng, tương đương với số nợ xấu bất động sản theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước. Riêng tại ngân hàng ACB, con số 3 tỷ USD không cho vay được đã được chính thức nêu ra vào tháng 5/2012, bởi người đứng đầu của ngân hàng này.

Không có gì khả quan trong suốt thời gian một năm rưỡi qua, kể từ lần đầu tiên Ngân hàng nhà nước đưa lãi suất huy động từ mức 14% vào xu thế giảm dần. Cũng trong suốt thời gian đó, nợ và nợ xấu gần như vẫn y nguyên trong trên sổ sách kế toán của các ngân hàng. Và nếu không có một văn bản của Ngân hàng nhà nước cho lùi thời hạn chuyển nhóm nợ xấu vào tháng 6/2013 vừa qua, hẳn các ngân hàng sẽ không biết làm sao để siết nợ đối với các doanh nghiệp con nợ của họ, trong đó nổi bật là con nợ doanh nghiệp bất động sản.

Cho tới lúc này, đã rõ là khá nhiều ngân hàng không còn nhu cầu huy động vốn mạnh mẽ. Thay vào đó, họ phải làm mọi cách để đẩy lượng vốn tồn ứ ra ngoài thị trường. Mà muốn hoàn thành được nhiệm vụ này, họ sẽ phải mất một thời gian khá lâu, lồng trong bầu không khí nền kinh tế đang hết sức trì trệ và đáy kinh tế có vẻ vẫn chưa hiện ra.

Trong những ngày tới, khả năng nhiều là các ngân hàng thương mại nhỏ sẽ lục tục giảm lãi suất, cho dù họ vẫn phải cân nhắc vấn đề thiếu hụt vốn có thể xảy ra. Thế nhưng, dường như mặt bằng lãi suất huy động 5% vẫn có thể chưa phải là cuối cùng. Người ta có thể tự hỏi: liệu đến một thời điểm nào đó, khối ngân hàng tuyên bố không huy động tiền mặt nữa? Và như vậy cũng gần giống như đối với tình trạng vàng hiện nay – khi Ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng không giữ hộ vàng.

Nếu giả thiết trên xảy ra, dù với xác suất rất thấp, tiền mặt sẽ trở nên ngơ ngác khi không còn nơi đồn trú. Cũng khi đó, dòng tiền sẽ bắt buộc phải tìm đến những kênh đầu tư bất đắc dĩ, cho dù biết không một kênh nào có thể sinh lời.

Giữ tiền?

Tâm lý trên là có cơ sở, vì hiện nay một số giám đốc ngân hàng thương mại nhỏ đang lo ngại về một làn sóng dùng tiền mặt để mua cổ phiếu, vàng và có thể cả nhà đất giá rẻ. Mà như thế, bài toán đầu tư vào kênh nào lại tiếp tục được nêu ra một cách đầy khắc khoải.

Trước mắt, một phép thử nữa đang đến với thị trường bất đông sản, ứng với đợt lãi suất huy động tự động kéo giảm như hiện nay.

Cần nhắc lại, từ thời điểm đầu năm 2013 đến nay, bất chấp vài lần giảm lãi suất huy động và kể cả cơ chế triển khai gói kích thích 30,000 tỷ đồng, thị trường nhà đất hai miền Nam Bắc vẫn gần như lặng lẽ. Vẫn hầu như chưa có một điểm sáng khả dĩ nào có thể minh họa cho một cơ hội phục hồi của thị trường này.

Hy vọng còn lại cho giới chủ đầu tư bất động sản chỉ là trong bối cảnh giá vàng trong nước luôn được “giữ” chênh lệch đến 4-6 triệu đồng/lượng so với giá vàng quốc tế và khiến dân tình không mấy can đảm gom vào, trong khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm ngày càng kém hấp dẫn, một bộ phận người tiêu dùng sẽ chuyển dần tiền mặt sang nhà đất giá rẻ như một cách để giữ tiền.

Việt Thắng

Infonet

Các tin tức khác

>   TS Bùi Ngọc Sơn: Tỷ giá nếu đúng thì phải tăng 20-25% (19/07/2013)

>   Ngân hàng đang o ép khách vay vàng? (19/07/2013)

>   Lãi suất 5%/năm và quy luật “vốn rẻ” (19/07/2013)

>   Mười giải pháp ổn định tỷ giá (19/07/2013)

>   Các giải pháp điều hành CSTT, tín dụng, hoạt động ngân hàng trong nửa cuối năm 2013 (18/07/2013)

>   NHNN yêu cầu tăng cường công tác quản lý ngoại hối (18/07/2013)

>   Giao dịch USD liên ngân hàng cao gấp đôi (18/07/2013)

>   “Không hề có yêu cầu hạn chế cho vay liên ngân hàng” (18/07/2013)

>   Tỷ giá USD biến động nhẹ (18/07/2013)

>   Nợ xấu sẽ mua bán thế nào? (18/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật