Xuất khẩu nhiều để làm gì?
Hiện nay cung lúa gạo trên thị trường thế giới đã dồi dào, đang dẫn đến cạnh tranh giảm giá. Một số nước thu hẹp diện tích trồng lúa để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn, chỉ giữ lại diện tích trồng lúa đủ tiêu thụ trong nước, nếu thiếu thì nhập khẩu lúa gạo còn “kinh tế” hơn là cứ trồng lúa mà để cho nông dân lỗ, bên cạnh việc áp dụng bù giá cho nông dân qua nhiều phương thức.
Việt Nam thì ngược lại, cố phấn đấu để trở thành nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới, nên cố gắng tăng vụ 3 để tăng sản lượng lúa, đi kèm đó là phải đầu tư đê bao để tránh lũ. Điều này dẫn đến đất bị cạn kiệt do phải đầu tư nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khiến chi phí trồng lúa tăng cao; do đê bao nên đất không còn tiếp nhận nguồn phù sa của lũ bồi đắp như trước đây, nên độ phì nhiêu của đất không được tái tạo; người nông dân không còn thu nguồn lợi phụ hàng năm do mùa lũ mang lại.
Trong khi đó, người nông dân trồng lúa Việt Nam càng tăng vụ, tăng sản lượng thì càng lỗ. Vậy thì sản xuất lúa dư thừa để làm gì? Chính phủ nên nghiên cứu lại các phương án để hỗ trợ người nông dân trồng lúa đồng thời cũng hạn chế sự hao mòn tài nguyên đất để người nông dân trồng lúa có nguồn lợi bền vững, làm giàu trên mảnh đất của mình, cụ thể:
- Không khuyến khích tăng vụ, mà chỉ sản xuất hai vụ như trước đây nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Là nước xuất khẩu gạo lớn, Việt Nam giảm cung thì giá lúa gạo thế giới có thể tăng lên.
- Hạn chế đầu tư đê bao ở những vùng trồng lúa, nhằm nuôi dưỡng sự màu mỡ của đất do nguồn phù sa lũ mang lại, đồng thời giúp nông dân tiết kiệm chi phí canh tác, có nguồn thu nhập phụ khi mùa lũ về. Tiền vốn dự định đầu tư cho đê bao có thể tiết kiệm và bổ sung vào nguồn vốn cho nông dân vay.Trần Quốc đấu
• Về chủ trương “bảo đảm cho nông dân có lãi ít nhất 30%” của Chính phủ, theo tôi, vẫn còn bất cập. Tuy nói rằng lãi ít nhất 30% (so với vốn bỏ ra), nhưng thực tế Hiệp hội Lương thực và các thương lái lại coi đó là “giá chuẩn”, hầu như chưa bao giờ trả cao hơn, mà chỉ có bớt đi! Cụ thể, trong vụ hè thu năm 2012, Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xấp xỉ 4.000 đồng/ký, nhưng nông dân bán được với giá cao nhất chỉ khoảng 4.950 đồng/ký, lời chưa tới 25%. Mặt khác, nếu bị mất mùa, sản lượng thu hoạch giảm, nông dân chỉ có từ thua lỗ đến “hòa vốn” là may!
Vì vậy, theo tôi, cần tham khảo cách làm của Chính phủ Thái Lan đối với nông dân của họ, đồng thời nên sửa quy định “đảm bảo nông dân có lãi ít nhất 60%” (thay vì 30% như hiện nay). Có như vậy, nông dân mới sống được và may ra có chút tích lũy để phát triển.
Phan Trọng Hiền
tbktsg
|