Thứ Hai, 03/06/2013 11:51

Nhiều doanh nghiệp “ngắc ngoải” vì nợ đọng xây dựng cơ bản

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nhiều DN hiện nay, nợ xấu xây dựng cơ bản (XDCB) vào khoảng 200 nghìn tỷ đồng, trong đó, nợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp (DN) là 100 nghìn tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng nhiều DN đang “chết oan” vì khoản nợ này.

Ngân sách nợ đọng, “chủ nợ” doanh nghiệp phá sản

Thực ra, tình trạng nợ đọng trong XDCB đã kéo dài từ nhiều năm nay và liên tục tăng theo các năm. Đặc biệt, trong thời kỳ khủng hoảng, kinh tế khó khăn, khi Chính phủ thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, siết chặt tín dụng, lãi suất ngân hàng bị đẩy lên cao thì nợ đọng trong XDCB càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều DN, thường được đặt ở vị trí “con nợ” trong dòng chảy vốn của ngân hàng, lại biến thành “chủ nợ” đối với vốn ngân sách. Điều này khiến không ít DN, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tiềm lực tài chính còn hạn chế, phải lao đao, chật vật, thậm chí phá sản, giải thể.

Một DN trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông cho biết, đơn vị này đang bị chủ đầu tư các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nợ 15 tỷ đồng, dù nhiều công trình đã thi công xong, đưa vào khai thác. Đã bỏ nhiều công sức, thời gian đi đòi nợ, nhưng từ năm 2012 đến nay, DN này vẫn chưa thu được một đồng nào. Trong khi đó, DN này đang phải vay ngân hàng khoảng 7 tỷ đồng với lãi suất 12% đến 14%/năm, và dù vẫn đang thiếu vốn lưu động để thi công các công trình mới, nhưng để vay thêm tiền ở ngân hàng là điều rất khó khi nợ cũ chưa trả được.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tình hình nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (XDCB) tại các địa phương đang ở mức khá nghiêm trọng, diễn ra phổ biến và chưa có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Trong bản kiến nghị mới đây được gửi đến đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Hội Công thương tỉnh đưa ra con số khiến nhiều người phải giật mình, có đến 90% DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng phải phá sản và trên thực tế chỉ có 3 - 4 DN còn hoạt động (so với 60 DN trước đây). Một trong những nguyên nhân chính được Hội Công thương tỉnh này chỉ rõ là do chủ đầu tư các công trình thanh toán chậm. Có những công trình đã đi vào hoạt động hơn 3 năm, nhưng đơn vị thi công vẫn không đòi được vốn. Cùng chung tình trạng, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Kạn cho biết đến thời điểm hiện tại, khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản trên toàn tỉnh khoảng 650 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là các công trình chuyển tiếp khoảng 350 tỷ đồng…

Giải quyết nợ xấu trong xây dựng cơ bản sẽ giúp DN lưu thông dòng vốn.

Khẩn cấp bơm tiền trả nợ doanh nghiệp

Tại Hội thảo “Ngân hàng, doanh nghiệp và giải pháp dòng tiền” do VCCI vừa tổ chức tại Hà Nội, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng, vấn đề đặt ra cho nền kinh tế vĩ mô lúc này là giải quyết các nút thắt cố hữu như nợ xấu, tồn kho bất động sản, tái cơ cấu và ổn định kinh tế vĩ mô. Và để tháo các nút thắt này cho nền kinh tế, trước hết cần xác định mục tiêu cụ thể trước mắt và lâu dài. Theo đó, không nên đặt vấn đề tăng trưởng trong năm 2013 mà thay vào đó là mục tiêu phải giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, trước khi giải quyết nợ xấu thì cần phải tìm ra “thủ phạm” để xứ lý tận gốc vấn đề. Theo TS Trần Đình Thiên, đầu tư công của Chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản như điện, đường, trường, công trình thủy lợi tại nhiều địa phương trong vài năm gần đây, hiện vẫn chưa được tất toán khiến cho không ít DN rơi vào tình thế khó. Việc chậm giải ngân quyết toán trả DN trên thực tế đã khiến khoản nợ của nhiều DN tại NH trở thành nợ xấu.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nợ đọng trong XDCB là khoản nợ xấu nhất, nếu không giải quyết được khoản nợ này thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực: DN phá sản, người lao động thất nghiệp, ngân hàng bị nợ xấu, NSNN thất thu thuế, DN chiếm dụng vốn lẫn nhau, công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí, thất thoát vốn NSNN..., chưa kể những ảnh hưởng xấu tới an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định: “Hiện nay, nhiều DN khi nhận được dự án từ Trung ương hoặc địa phương đã phải vay vốn để tiến hành dự án, sau đó đợi ngân sách Trung ương và địa phương trả nợ. Tuy nhiên, việc ngân sách chậm trả nợ khiến DN khó khăn do vướng vào nợ xấu. Nếu nợ đọng xây dựng cơ bản được giải quyết, DN có tiền trả nợ NH, dòng vốn sẽ lưu thông”. Còn theo tính toán của TS Cao Sĩ Kiêm, nợ xấu xây dựng cơ bản hiện nay khoảng 200.000 tỷ đồng. Biện pháp tốt nhất để xử lý nợ xấu, gỡ tắc tín dụng hiện nay là Nhà nước phải khẩn cấp bơm ra 200.000 tỷ đồng để trả nợ cho DN. Việc này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn rất lớn cho DN cũng như tạo dựng niềm tin cho DN.

Trước tình trạng nợ đọng trong xây dựng kéo dài, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để xử lý, khắc phục tình trạng này. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu từng địa phương phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB trong thời gian qua. Đồng thời, phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB. Hết năm 2015, phải hoàn thành xử lý nợ đọng XDCB.

Huyền Thanh - Lệ Thúy

công an nhân dân

Các tin tức khác

>   “Không nên có luật chơi riêng cho SCIC” (03/06/2013)

>   Vốn FDI vào Việt Nam có thể tiếp tục giảm (03/06/2013)

>   Ôtô, xe máy lo chính sách… khó hiểu (03/06/2013)

>   Thị trường Việt luôn hấp dẫn nhà đầu tư Singapore (02/06/2013)

>   Gần 40% kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép (02/06/2013)

>   Phản đối Mỹ áp thuế phi lý với tôm Việt Nam (02/06/2013)

>   Hậu quả của chính sách... trên giấy! (02/06/2013)

>   Thành phố Hồ Chí Minh gỡ khó cho các doanh nghiệp (02/06/2013)

>   2 tỷ USD cho dự án nhiệt điện tại Dung Quất (02/06/2013)

>   Ưu đãi thuế KCN có nên phân biệt địa bàn? (02/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật