Ưu đãi thuế KCN có nên phân biệt địa bàn?
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp mà không phân biệt địa bàn, để không khuyến khích DN đầu tư vào KCN. Vấn đề là, nếu không phân biệt, doanh nghiệp nào dám đầu tư vào vùng sâu, vùng xa?
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, ông Mai Hữu Tín
|
Theo Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi, thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi) được miễn thuế tối đa 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 4 năm tiếp theo.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, ông Mai Hữu Tín cho rằng, cần phải cân nhắc lại chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư tại KCN, bởi chính sách ưu đãi như trong Dự thảo quá thấp so với trước thời điểm 1/1/2009 (thực hiện Luật thuế TNDN năm 2003).
Trước năm 2009, trong khi thuế suất thuế TNDN phổ thông là 28%, thì DN đầu tư trong KCN được hưởng thuế suất 20% trong 10 năm, được miễn thuế 2 năm, giảm thuế 6 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế. DN thuộc lĩnh vực sản xuất trong KCN còn được hưởng ưu đãi ở mức cao hơn với thuế suất 15% trong 12 năm, miễn thuế 3 năm, giảm thuế trong 7 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng thuế TNDN năm 2008, toàn bộ các ưu đãi trên đã bị bãi bỏ. Hệ quả là, các KCN phân bổ ở vùng kinh tế trọng điểm (chiếm khoảng 80% trong tổng số KCN), tuy có thuận lợi về vị trí, hạ tầng, nhưng chi phí đền bù, xây dựng hạ tầng cao, dẫn đến giá thuê lại đất trong KCN rất cao, nên không khuyến khích DN đầu tư vào KCN.
Theo quan điểm của ông Tín, nếu không ưu đãi cho DN đầu tư trong KCN như Luật thuế TNDN năm 2003, thì nên cân nhắc ưu đãi (miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp 4 năm) đối với tất cả các KCN, mà không phân biệt KCN nằm ở địa bàn thuận lợi, khu vực kinh tế trọng điểm hay ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn. Việc tăng ưu đãi sẽ thu hút DN đầu tư trong KCN, thay vì đầu tư bên ngoài hàng rào KCN dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý về môi trường, lao động, an ninh, trật tự, cũng như phát triển ngành công nghiệp theo định hướng.
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, hiện các tỉnh miền Trung xây dựng rất nhiều KCN, nhưng tỷ lệ lấp đầy rất thấp do DN vẫn hoạt động bên ngoài hàng rào KCN, vì làm bên ngoài chi phí thấp hơn, bởi không phải trả tiền thuê hạ tầng KCN.
Nhưng tác hại của việc DN không thiết tha đầu tư trong KCN là cơ quan quản lý nhà nước không giải quyết được những vấn đề liên quan đến môi trường, xử lý chất thải, quản lý lao động tập trung… Còn về lâu dài, do sự phát triển của các khu đô thị, nhiều DN buộc phải di dời ra khỏi nơi đầu tư cũ, vừa gây thiệt hại cho DN, vừa ảnh hưởng đến người lao động, vừa gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước vì phải hỗ trợ DN, ưu đãi miễn, giảm thuế và các chính sách khác để DN di dời ra khỏi đô thị.
“Chúng ta đã có nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích DN đầu tư vào khu vực kinh tế có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì thế, không đặt vấn đề phân biệt ưu đãi đối với KCN dù KCN được đặt ở địa bàn nào, khu vự nào vì mục đích chính của chúng ta là khuyến khích DN đầu tư vào KCN”, ông Lịch phát biểu.
Tuy nhiên, quan điểm trên không nhận được sự đồng tình của một số ít đại biểu Quốc hội. Theo bà Nguyễn Thị Kim Bé, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, quy định như Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi là phù hợp. Bởi nếu ưu đãi cho tất cả các KCN, mà không phân biệt địa bàn, sẽ không thu hút DN đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không thuận lợi.
Mạnh Bôn
Đầu Tư
|