Thứ Sáu, 31/05/2013 08:21

Toàn bộ chênh lệch giá vàng thuộc về NSNN

“NHNN can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN trong cuộc phỏng vấn với ĐTCK.

Đã qua 23 phiên đấu thầu với khoảng 22 tấn vàng được NHNN cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn còn rất lớn. Ông có nhận định gì?

Trước đây, khi ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới, mỗi khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau từ 400.000 đồng/lượng trở lên là lập tức có hiện tượng nhập lậu vàng với quy mô lớn, ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và tỷ giá. Vì mục tiêu bình ổn tỷ giá, ta đã phải chính thức cho nhập khẩu vàng để kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống dưới 400.000 đồng/lượng và làm cho mức chênh lệch này càng thấp càng tốt. Nhưng trong hoàn cảnh giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ rất mạnh thì tác dụng của biện pháp này cũng rất hạn chế và có tính chất tạm thời, vì những diễn biến giá cả của thị trường trong và ngoài nước sẽ nhanh chóng tái xác lập một mức chênh lệch mới, buộc ta phải tiếp tục can thiệp - một chu kỳ mới lại diễn ra.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN

Như vậy, mục tiêu làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng.

Đến nay, khi một khuôn khổ pháp lý mới đã được thiết lập, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao, nhưng thị trường vàng trong nước ổn định hơn, các tác động tiêu cực của nó được kiểm soát tốt hơn. Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy mà góp phần kiềm chế tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và hoạt động can thiệp thị trường của NHNN, về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp. Trong ngắn hạn, khi giá vàng thế giới có biến động đột biến thì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng lên là tất yếu. Việc giá vàng trong nước ổn định là cần thiết giúp cho thị trường trong nước không bị chao đảo theo biến động của thị trường vàng quốc tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng sẽ làm bình ổn thị trường vàng, giảm được tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô... Quan điểm của ông như thế nào?

Nước ta không phải là nước sản xuất vàng. Do vậy, để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới thì thị trường vàng trong nước phải liên thông tuyệt đối hoặc liên thông tương đối với thị trường vàng quốc tế. Để thị trường vàng trong nước liên thông tuyệt đối với thị trường vàng thế giới thì chúng ta phải cho phép doanh nghiệp và người dân kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời phải cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu. Khi đó, nhà đầu tư (người mua, bán vàng) thông qua tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài có thể mua bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào, hơn nữa, nhà đầu tư lại được xuất, nhập khẩu vàng tự do ra vào Việt Nam. Như vậy, về nguyên tắc, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước sẽ tương trùng với nhau (loại trừ phí và thuế).

Để thị trường vàng trong nước liên thông tương đối với thị trường vàng thế giới thì hoặc (i) cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, không cho phép hoặc hạn chế việc xuất nhập khẩu vàng khi có nhu cầu; hoặc (ii) không cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, cho phép xuất nhập khẩu vàng (một cách tự do hay có điều kiện).

Khi đó, trong trường hợp (i): mặc dù được mua, bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào nhưng nhà đầu tư lại không được tự do xuất, nhập khẩu vàng ra vào Việt Nam nên giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn có chênh lệch tương đối. Trong trường hợp (ii), mặc dù được xuất nhập khẩu vàng ra vào Việt Nam một cách tự do hay có điều kiện, nhưng lại không được mua bán vàng trên tài khoản vàng ở nước ngoài nên hoạt động xuất nhập khẩu phải có thời gian, trong khi giá vàng thế giới lại biến động liên tục làm cho giá vàng trong nước vẫn chênh tương đối so với giá vàng thế giới. Trong các trường hợp này, mức độ tự do xuất nhập khẩu vàng sẽ tác động trực tiếp đến mức độ chênh lệch. Mức độ tự do xuất nhập khẩu càng cao thì chênh lệch giá vàng càng thấp và ngược lại.

Phân tích trên cho thấy, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại.

Nhưng dư luận vẫn băn khoăn về vai trò của NHNN trong việc quản lý thị trường vàng, ông nghĩ sao về điều này?

NHNN can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường. Trước đây, toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, nay thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh. Vàng miếng không phải mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền sở hữu, tích trữ, mua bán vàng miếng của tổ chức và cá nhân, nhưng Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng vì không tạo ra giá trị gia tăng, của cải vật chất cho xã hội, mà ngược lại còn gây lãng phí một nguồn vốn to lớn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, việc NHNN thực hiện quản lý thị trường vàng, như phân tích ở trên, đã giúp cho thị trường vàng trong nước ổn định, hạn chế đầu cơ và ảnh hưởng của thị trường vàng đến kinh tế vĩ mô. Nếu nhìn lại giai đoạn từ 2007 đến 2009 có thể thấy, mặc dù giá vàng trong nước và thế giới không chênh lệch nhiều như hiện nay, song thị trường vàng liên tục nổi sóng bởi các hoạt động đầu cơ và sóng vàng đã lan cả sang thị trường hối đoái, gây biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Thêm nữa, xin nhắc lại là, mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay chỉ là tạm thời, chắc chắn sẽ được thu hẹp dần trong thời gian tới.

Nhuệ Mẫn

Đầu Tư Chứng Khoán

Các tin tức khác

>   Vàng nhảy vọt qua mốc 1,400 USD/oz trước một loạt yếu tố hỗ trợ (31/05/2013)

>   Tổ chức thanh tra hoạt động kinh doanh vàng miếng (30/05/2013)

>   Hai tháng, đã bán hơn 23 tấn vàng đấu thầu (30/05/2013)

>   'Thu hẹp chênh lệch giá vàng chỉ là mục tiêu tình thế' (30/05/2013)

>   Quản lý thị trường vàng: Những dòng in đậm của Thống đốc (30/05/2013)

>   Giá vàng trong nước lạc nhịp thế giới (30/05/2013)

>   Vàng tăng trở lại hơn 12 USD/oz nhờ đồng EUR (30/05/2013)

>   Sau 30/6, khoảng cách giá vàng sẽ hợp lý hơn (30/05/2013)

>   30/05, NHNN báo cáo về thị trường vàng, nợ xấu (29/05/2013)

>   “Các ngân hàng trung ương không thể cứu vàng” (29/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật