Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Thu ngân sách khó đạt kế hoạch
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 30-5, một số thành viên Chính phủ đã được mời báo cáo về một số vấn đề ĐB quan tâm như giải quyết nợ xấu, nợ công, thu ngân sách Nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: 46/63 địa phương thu ngân sách chưa đạt bình quân chung.
|
5 tháng, thu ngân sách đạt thấp
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình thu ngân sách Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, 5 tháng đầu năm thu ngân sách chỉ đạt 36,6% dự toán, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Con số này của cùng kỳ năm 2010 là 43,7% (tăng 18%), 5 tháng đầu năm 2011 là 45,9% (tăng 22,2%) và 5 tháng đầu năm 2012 mặc dù tình hình thu ngân sách đã khá khó khăn nhưng cũng đạt được 38,1% (tăng 1,9%).
Qua thống kê, sau 5 tháng đầu năm, 46/63 địa phương thu chưa đạt mức bình quân chung của các năm, chỉ đạt dưới 42%, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố là địa phương thu trọng điểm. Phó Thủ tướng cũng cho biết, theo dự toán, mỗi tháng thu ngân sách cần đạt 68 nghìn tỷ đồng nhưng bình quân 5 tháng đầu năm con số này là 52,2 nghìn tỷ đồng, chênh lệch giảm 15,8 nghìn tỷ đồng. “Những số liệu này cho thấy tình hình khó khăn trong thu ngân sách năm 2013 và dự báo kế hoạch thu ngân sách năm nay là khó đạt”- Phó Thủ tướng cho biết.
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến thu ngân sách thấp, theo Phó Thủ tướng có ba nguyên nhân. Đó là tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, hàng tồn kho tăng cao. Nguyên nhân thứ hai là tăng trưởng của nền kinh tế thấp. Thứ ba, việc áp dụng một số chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế như giãn, giảm thuế dự kiến thực hiện từ 1-7-2013 cũng sẽ là nguyên nhân khiến giảm thu ngân sách.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24-5-2013 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước năm 2013. Theo Chỉ thị 09, về công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan, địa phương rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn có khả năng tăng thu để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế… Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu cũng như các biện pháp tiết kiệm, giảm chi những khoản không cần thiết…
Báo cáo về nợ công, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nợ công của Việt Nam vẫn ở trong ngưỡng an toàn. Tính đến 31-12-2012, nợ công của Việt Nam tương đương 55,5% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 43,1%, nợ Chính phủ bảo lãnh là 11,5% và nợ chính quyền địa phương là 0,9%. Trao đổi về ý kiến cho rằng, những khoản nợ trong và ngoài nước của doanh nghiệp Nhà nước cũng cần được đưa vào nợ công, Phó Thủ tướng cho biết, phần nợ của Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp Nhà nước đã được tính trong nợ công theo đúng Luật nợ công. Đối với nợ mà doanh nghiệp nợ các tổ chức tín dụng, theo Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp vay tổ chức tín dụng thì phải trả nợ theo luật.
Phó Thủ tướng cũng trao đổi về tính toán đối với tăng nợ công cho số lượng gần 60 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ dự kiến phát hành là khoảng 2%. “Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ rà soát cẩn thận, kỹ lưỡng những công trình trọng điểm, tác động rộng đến đời sống kinh tế, xã hội có kế hoạch hoàn thành đến năm 2015 nhưng hết vốn sẽ trình Quốc hội tiếp tục mở rộng phát hành trái phiếu Chính phủ”- Phó Thủ tướng cho biết.
Nhanh chóng tái cơ cấu nền kinh tế
Trao đổi về vấn đề giải quyết nợ xấu và giải quyết tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã nêu “lộ trình” xử lý nợ xấu từ nay đến cuối năm 2013. Cụ thể, với nhóm giải pháp thứ nhất là những nỗ lực của ngành ngân hàng, sau một năm (từ tháng 4-2012 đến nay) tổng số nợ ngành ngân hàng cơ cấu lại cho nền kinh tế là 284.000 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro năm 2012 là 70.000 tỷ đồng, trong năm 2013 sẽ trích lập được 65.000 tỷ đồng để tiếp tục xử lý nợ xấu trong khi diễn biến vĩ mô của nền kinh tế còn chậm phục hồi. Theo Thống đốc, với đề án xử lý nợ xấu, cụ thể là Nghị định về hoạt động của Công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng đã được thông qua, dự kiến trong năm nay, Công ty này sẽ góp phần giải quyết được 40-70.000 tỷ đồng nợ xấu.
Nhóm giải pháp thứ hai là sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành. Cụ thể, vừa qua Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã ban hành gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ đồng vừa hỗ trợ người mua nhà vừa giải quyết hàng tồn kho, dự kiến trong năm 2013 sẽ giải ngân được 15-20.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện các gói hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp như gói hỗ trợ trồng cây cà phê ở Tây Nguyên. Thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục có sự phối hợp với các bộ ngành để có những gói hỗ trợ như thế này.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng có cuộc trao đổi với ĐB Quốc hội về vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế với ba đề án thành phần là doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công. Theo Bộ trưởng, tính đến tháng 4-2013, Thủ tướng đã phê duyệt 99/101 phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015. Đối với đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đề án này đang được Ngân hàng Nhà nước quyết liệt thực hiện.
Đối với tái cấu trúc đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, đến nay đã có được một số kết quả bước đầu, tránh dàn trải, lãng phí nguồn ngân sách. Cụ thể, 90% số vốn đã được rà soát đúng địa chỉ. Với việc chủ động bố trí ngân sách trung hạn (4 năm), đến nay đã có nhiều công trình hoàn thành. Theo Bộ trưởng, thực hiện Chỉ thị 1792, hiện nay các địa phương, bộ ngành đã biết được kế hoạch phân bổ ngân sách trong trung hạn, từ đó hạn chế cơ chế xin cho cũng như tránh được cách đầu tư dàn trải.
Hồ Huệ
Hải Quan
|