Xử lý nợ xấu, cần thêm nhà đầu tư ngoại?
TS Cấn Văn Lực cho rằng, cơ chế hiện nay chưa rải thảm đỏ mời nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào việc xử lý nợ xấu nhưng đã đến lúc cần phải xem xét lại.
Thêm nhiệt giải quyết nợ xấu
Công ty Quản lý tài sản quốc gia VAMC đã thành lập, nhưng lộ trình hoạt động được coi là còn khá gian nan. Nhiều ý kiến cho rằng, VAMC có thể giải quyết được nợ xấu trong quá khứ, nhưng nợ xấu trong tương lai mới đáng lo. Chưa kể việc nhiều ngân hàng không hào hứng với VAMC, vì khi đã bán nợ xấu và nhận trái phiếu đặc biệt NH vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho trái phiếu.
Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng đang có những bước đi tích cực trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nhưng theo khẳng định của TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, một hệ thống ngân hàng mạnh sẽ không bị ảnh hưởng bởi nợ xấu, nợ dưới chuẩn. Tức là hệ thống quản trị, bao gồm công nghệ và con người phải hoàn thiện.
Cạnh đó, hoạt động mua bán, góp cổ phần của nhà đầu tư ngoại đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn được xem là khá mới mẻ ở Việt Nam. Thương vụ đình đám nhất được nhắc đến là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) bán 645 triệu cổ phiếu cho đối tác Bank of Tokyo – Mitsubishi UFJ (BTMU) của Nhật Bản, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) phát hành 30% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Maybank… Ngoài ra, trong con mắt của giới đầu tư, việc tham gia liên kết với ngân hàng được nhìn nhận dè dặt với lo ngại "cá lớn nuốt cá bé”.
Tuy nhiên, cần lật lại vấn đề, trong hoạt động kinh doanh, nhiều DN nhỏ sau khi được DN lớn mua lại đã gia tăng đáng kể hiệu quả kinh doanh. Và hoạt động ngân hàng cũng vậy. Với điểm yếu nợ xấu đang tăng mạnh, ngân hàng ngoại có thể giúp ngân hàng nội xử lý được nợ xấu hiệu quả hơn, nhanh hơn.
Các chuyên gia phân tích, muốn xử lý nợ xấu cần rất nhiều nguồn vốn, cần kinh nghiệm. Các ngân hàng ngoại vẫn mong được tham gia sâu vào hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nới room (tỉ lệ sở hữu cổ phần) cho các ngân hàng nước ngoài là biện pháp tốt để xử lý nợ xấu. Ngân hàng ngoại sẽ điều hành ngân hàng nội theo kinh doanh và quản trị rủi ro hoàn toàn mới. Điều này sẽ giúp giảm tính rủi ro của hệ thống ngân hàng. Hiện nay room cho các ngân hàng ngoại tối đa là 30% và đang có nhiều ý kiến đề xuất nới rộng 49%.
Cá lớn dìu cá bé
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc VIB cho rằng, sự tham gia của ngân hàng ngoại không những giải quyết được câu chuyện nợ xấu mà còn tranh thủ được nguồn nhân lực, công nghệ, quản trị... Nhưng, quan trọng hơn cả là cải tạo chất lượng hoạt động hệ thống, giúp cho ngành ngân hàng minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn”, ông Trung nhấn mạnh.
Nợ xấu lớn nhất tại Việt Nam tập trung vào khu vực DNNN, DN bất động sản và công ty sân sau của ngân hàng (các công ty con). Trên thế giới có hai mô hình xử lý nợ xấu, trong đó Hoa Kỳ là điển hình với mô hình xử lý nợ tập trung thông qua việc tái cấp vốn cho các ngân hàng, mua nợ và chứng khoán hóa các khoản nợ. Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia chọn cách xử lý không tập trung tức là để các ngân hàng tự xử. Các ngân hàng có thể thành lập liên doanh với các ngân hàng khác để xử lý nợ xấu, hoặc bán lại nợ xấu cho các ngân hàng đầu tư.
Hiện 84% số nợ xấu có tài sản bảo đảm với giá trị bằng 135%. Mặc dù các ngân hàng đã thẩm định giá trị này nhưng trong khi bất động sản tụt dốc, giảm giá tới 30% thì giá trị tài sản này không còn thực tế. Như vậy, bản thân các ngân hàng không thể tự giải cứu mình trong hoàn cảnh này. Sự tham gia của ngân hàng ngoại là một hướng mở khả thi. Ở các nước có khủng hoảng năm 1997-1998, 60% các khoản nợ xấu được mua lại từ các nhà đầu tư nước ngoài. Và từ đó, tình hình được cải thiện.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thậm chí còn mạnh mẽ nói rằng, "tôi ủng hộ ngân hàng ngoại mua lại trọn gói ngân hàng nội, một khi chúng ta cảm thấy ngân hàng đó không hoạt động không như mong muốn nữa thì bán đi, thu một khoản lợi còn hơn là đổ không tiền vào đó”.
Hồ Hương
đại đoàn kết
|