VDB đề nghị xét xử phúc thẩm 4 nội dung
Cuối tháng 5 vừa qua, toàn bộ hồ sơ vụ kiện giữa Công ty TNHH Tây Đô và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Thanh Hóa đã được chuyển lên Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá để tiến hành xét xử phúc thẩm trong thời gian tới.
Trước đó, sau khi phản ánh phiên tòa vụ kiện tụng giữa Công ty TNHH Tây Đô và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Thanh Hóa, phóng viên Báo Đầu tư đã tiếp tục thu nhận được nhiều tài liệu, thông tin, phản ứng về bản án sơ thẩm.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Quyết định số 02/QĐKN - VKSTPTH của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Thanh Hóa về việc kháng nghị bản án của Tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa theo trình tự phúc thẩm; đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá xét xử phúc thẩm vụ kiện theo hướng sửa bản án về phần nội dung và phần án phí.
Đại diện VDB chi nhánh Thanh Hóa biết, tất cả những quy định, hướng dẫn về thủ tục vay vốn và quy trình giải ngân đã được niêm yết công khai tại |văn phòng giao dịch - Nếu khách hàng có khúc mắc hoặc không hiểu thì cần đề nghị VDB hướng dẫn
|
Bản kháng nghị chỉ rõ, Công ty Tây Đô đã vi phạm điều kiện giải ngân quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 của Hợp đồng tín dụng số 12/2008 và 130/2009.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và một số quy định tại Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ; Quyết định số 41/QĐ-HĐQL ngày 14/9/2007 của Hội đồng Quản lý VDB, Tây Đô muốn ngân hàng giải ngân 21 tỷ đồng (kế hoạch giải ngân quý II/2010), thì phải hoàn thành khối lượng công việc đạt giá trị 30 tỷ đồng.
Song trên thực tế, Tây Đô chưa đáp ứng được điều kiện này.
Các biên bản làm việc giữa VDB và Tây Đô từ tháng 3 đến 9/2010, công văn của VDB gửi Tây Đô trong thời gian từ tháng 4/2009 đến 9/2010 đều đã thể hiện việc VDB yêu cầu Tây Đô đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, hoàn tất hồ sơ, tập hợp chứng từ, hóa đơn…, gửi VDB để có căn cứ giải ngân vốn.
Trong Công văn số 89/TĐ ngày 24/9/2012 gửi VDB Chi nhánh Thanh Hóa, Công ty Tây Đô cũng trình bày, khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, dẫn đến làm chậm kế hoạch giải ngân. Điều này đã chứng tỏ, khối lượng công việc thực tế của Tây Đô không hoàn thành chỉ tiêu, nên việc làm hồ sơ rút vốn vay đã không thực hiện được, dẫn đến VDB Chi nhánh Thanh Hoá không thể giải ngân.
Mặt khác, đơn kiện của VDB và bản tự khai của Tây Đô đều thể hiện rõ việc Tây Đô mới trả tiền lãi đến tháng 2/2010, còn từ tháng 3/2010 trở đi chưa trả. Tiền nợ gốc đến tháng 9/2010 lẽ ra đã phải trả, nhưng Tây Đô cũng chưa trả. Như vậy, rõ ràng Tây Đô đã vi phạm các điều khoản trong hợp đồng.
“Việc bản án nhận định VDB đã vi phạm hợp đồng tín dụng về điều kiện giải ngân là chưa phù hợp với các chứng cứ và tài liệu đã thu thập được trong hồ sơ”, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Thanh Hóa nêu rõ.
Ngoài ra, việc bản án nhận định hai bên đều có đăng ký kinh doanh, nhằm mục đích lợi nhuận là không phù hợp với bản chất hoạt động của VDB. Đơn kháng cáo của VDB Chi nhánh Thanh Hóa nêu rõ, việc phiên tòa sơ thẩm nhận định sai bản chất của mối quan hệ tín dụng dẫn đến việc ra phán quyết sai.
VDB Chi nhánh Thanh Hóa đã đưa ra 4 nội dung đề nghị Toà án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử theo trình tự phúc thẩm. Đó là: khắc phục toàn bộ vi phạm về tố tụng của phiên tòa sơ thẩm; bác toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty Tây Đô; buộc Công ty Tây Đô trả lại toàn bộ nợ gốc, lãi cho VDB theo các hợp đồng tín dụng đã ký, tạm tính đến ngày 10/4/2013 là gần 109,2 tỷ đồng (chưa kể tiền lãi phát sinh từ ngày 11/4/2013 cho đến thời điểm kết thúc việc thi hành án). Cuối cùng, đề nghị kê biên toàn bộ tài sản thế chấp của Công ty Tây Đô theo các hợp đồng đảm bảo tiền vay để đảm bảo thi hành án.n
Sĩ Chức
đầu tư
|