Ông Michael Kokalari - CFA _ Giám đốc điều hành bộ phận phân tích CTCK Maybank Kim Eng (Việt Nam):
VN-Index dao động quanh mốc 550 điểm cho đến hết năm
Ông Michael Kokalari cho rằng sẽ không có nhiều tiến triển trong 3 nhân tố vĩ mô hỗ trợ thị trường là VAMC, nới room khối ngoại và gói cứu trợ 30,000 tỷ đồng cho đến quý 4 năm nay. Do đó, thị trường có thể chỉ dao động quanh mốc 550 điểm trong thời gian còn lại của năm.
Ông Michael Kokalari - CFA_Giám đốc điều hành bộ phận phân tích CTCK Maybank Kim Eng (Việt Nam)
|
Theo ông, yếu tố nào khiến thị trường tăng mạnh thời gian qua?
Nếu bạn hỏi tôi điều gì thúc đẩy thị trường tăng cao trong quý 1 vừa qua thì tôi sẽ không đề cập đến gói hỗ trợ thị trường bất động sản vì nó vốn chưa được thông tin rộng rãi vào khoảng thời gian đó. Thay vào đó, một trong những nhân tố chính hỗ trợ thị trường lúc đó là thảo luận về thời gian chính phủ đưa ra kế hoạch cải tổ lại khối doanh nghiệp nhà nước vào tháng 6.
Còn trong thời gian gần đây, tôi cho rằng ba nguyên nhân chính thúc đẩy thị trường tăng mạnh là: (1) sự kỳ vọng và sau đó sự chấp thuận về các giải pháp xử lý vấn đề nợ xấu (VAMC) của chính phủ, (2) sự kỳ vọng về việc giới hạn sở hữu của nhà đầu nước ngoài (FOL) có thể được mở rộng từ 49% lên 59% và (3) gói hỗ trợ thị trường bất động sản.
Theo tôi, 3 nhân tố này sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm.
Ông có thể nói rõ hơn về tác động của 3 yếu tố này đến thị trường trong những tháng cuối năm? Ông kỳ vọng thị trường sẽ ra sao?
Theo quan điểm của tôi thì thị trường chứng khoán đã hoàn toàn phản ánh phần lớn những tin tốt này vào giá. Trên lý thuyết, 3 yếu tố kể trên đều rất tốt cho thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung ở thời điểm hiện tại nhưng lại có rất ít hành động cụ thể để thực hiện những giải pháp này.
Đơn cử như sự chấp thuận về VAMC vốn được đánh giá rất cao nhưng có thểphải đến quý 4 năm nay thì VAMC mới có thể thật sự bắt đầu mua lại nợ xấu bởi vì tất cả những cơ chế quản lý cần phải được chuẩn bị kỹ trước khi thực hiện.
Kế đến, gói hỗ trợ thị trường bất động sản cũng được đánh giá cao nhưng tôi nghĩ sẽ không có nhiều ảnh hưởng lên nền kinh tế cho đến quý 4 năm nay bởi vì rất nhiều chi tiết quản lý về hoạt động của gói hỗ trợ này vẫn chưa được xác định và làm rõ. Ví dụ như vẫn còn thiếu rõ ràng về việc ai đủ tiêu chuẩn được vay tiền theo gói hỗ trợ này.
Cuối cùng, sự gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng được kỳ vọng lớn nhưng tôi không mong đợi điều này sẽ xảy ra trước quý 4 năm nay.
Nếu những dự báo của tôi là đúng thì sẽ không có nhiều tiến triển trong 3 nhân tố vừa kể trên cho đến quý 4 năm nay và do đó tôi kỳ vọng thị trường có thể dao động quanh mốc 550 điểm trong thời gian còn lại của năm.
Tuy nhiên, nếu việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể diễn ra sớm hơn thì tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ có một đợt tăng khác nữa trong năm nay. Ngược lại, nếu như cả 3 vấn đề vừa nêu trên bị trì hoãn hoặc nhà đầu tư cảm thấy các vấn đề này không được thực hiện nghiêm túc thì thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ bị bán mạnh và khi đó nhiều khả năng thị trường sẽ giảm về dưới mốc 500 điểm.
Như tôi có nhắc đến việc chính phủ thảo luận sẽ đưa ra kế hoạch cải tổ lại khối doanh nghiệp nhà nước vào tháng 6 song đến nay chưa thấy động tĩnh gì. Điều này khiến tôi lo ngại rằng, 3 vấn đề nêu trên sẽ bị trì hoãn.
Ông đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại trên TTCK Việt Nam?
Tôi cho rằng vài nguyên do cơ bản giải thích cho việc dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang ở mức cao nhất trong 5 năm qua như sau:
Đầu tiên, phải kể đến là hiện nay thị trường thế giới đang tràn ngập lượng tiền mặt được in mới do các chương trình in tiền mạnh mẽ diễn ra ở Mỹ và Nhật Bản hay còn được gọi là chương trình Nới lỏng định lượng 3 (QE3) và Học thuyết kinh tế Abe (Abenomics). Những chương trình này nhằm mục đích hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản nhưng đã dẫn đến các dòng tiền rất lớn chảy vào thị trường chứng khoán thế giới và một phần của những dòng tiền này đã thật sự chảy vào Việt Nam.
Việc còn lại của nhà đầu tư trên thế giới là phải quyết định giữa việc đầu tư vào Việt Nam hay vào các thị trường mới nổi khác tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Họ chọn Việt Nam bởi họ phấn khởi với những tín hiệu mà Việt Nam đang thực hiện để giải quyết vấn đề nợ xấu - yếu tố chính cản trở sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện tại.
Một điểm khác nữa là những thị trường mới nổi này đã tăng mạnh hơn Việt Nam khoảng 100% kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, do đó các chỉ số định giá của những thị trường này như PE và PB đang cao hơn Việt Nam rất nhiều.
Chất lượng hàng hóa trên TTCK hiện nay ra sao, thưa ông?
Nền kinh tế Việt Nam đang có nhu cầu nội địa yếu nhưng xuất khẩu vẫn tăng tương đối cao và kỳ vọng tăng khoảng 18% trong năm nay. Nhưng thật không may đối với các nhà đầu tư cổ phiếu, phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là do các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI hoặc là các công ty chưa niêm yết thực hiện trong khi các doanh nghiệp niêm yết lại dựa vào nền kinh tế trong nước nhiều hơn. Vì vậy, tôi kỳ vọng tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết sẽ hơi yếu trong năm 2013 (có lẽ khoảng 6-7%) và lợi nhuận có thể sẽ tăng khoảng 10-12% bởi vì lãi suất đã giảm khoảng 8.5 điểm phần trăm kể từ đầu năm 2012 đến nay.
Để giải thích rõ hơn một chút về điều này, tôi lưu ý là gánh nặng nợ của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang hơi cao khi hệ số nợ/VCSH khoảng 0.6 lần. Mặc dù chu kỳ cắt giảm lãi suất bắt đầu vào đầu năm 2012 nhưng cần phải có độ trễ, bởi các công ty phải cơ cấu lại nguồn vốn lưu động. Thông thường qua trình này phải mất từ 9-12 tháng trước cho đến khi lợi ích của việc cắt giảm lãi suất phản ánh vào lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn cổ phiếu không?
Theo tôi, nhà đầu tư nên mua các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và trung bình với lợi tức cổ tức cao, lợi nhuận trên VCSH (ROE) cao nhưng có chỉ số PE thấp. Ví dụ như: DPM, PHR, SBT, CNG, KHP hay DXP.
Tôi cũng khuyến khích với các công ty bất động sản tập trung vào phân khúc nhà ở phổ thông (affordable housing) như NLG, BIC và NBB.
Mỹ Hà thực hiện
infonet
|