Trung Quốc sẽ tăng đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam
Trong thời gian tới sẽ có làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào ngành dệt may của Việt Nam, theo một đại diện của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Hiện Việt Nam có thế mạnh về may mặc, nhưng lại yếu trong khâu cung cấp nguyên phụ liệu.
|
Trao đổi với TBKTSG Online hôm 12-6, vị đại diện Vinatex cho biết lý do là doanh nghiệp Trung Quốc rất nhanh nhạy trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt khi thuế suất xuất khẩu may mặc của Việt Nam được đưa xuống 0% khi vào Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông này dự đoán, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sẽ tập trung chủ yếu vào ngành may mặc, ngành dệt nhuộm cũng sẽ có nhưng sẽ không nhiều. Vì vậy việc này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam khó khăn hơn trong cạnh tranh khi có hiệp định TPP.
Trong khi đó, hiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp may mặc Việt Nam rất yếu, vì chủ yếu vẫn là gia công và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hiện tại Tập đoàn Dệt may vẫn đang thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh khi tham gia hiệp định TPP.
Vị này cho biết thêm, trên thực tế, hiện có một số doanh nghiệp Trung Quốc trong ngành dệt nhuộm đang muốn hợp tác với Vinatex. Tuy nhiên, nhiều địa phương không muốn nhận dự án dệt nhuộm vì lo ngại gây ô nhiễm môi trường, nên chưa có dự án hợp tác nào giữa Vinatex và các công ty Trung Quốc được triển khai.
Hiện Việt Nam đang mong chờ đầu tư từ nước ngoài vào ngành dệt nhuộm nhiều hơn may mặc, để được chuyển giao công nghệ, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều.
Trước đó, trong một bài báo đăng vào cuối tháng 5-2013, trả lời tờ South China Morning Post, ông Hong Tianzhu, Chủ tịch của Texhong Textile cho biết đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Ông Hong Tianzhu cho biết: “Xuất khẩu sợi từ Việt Nam sang Trung Quốc hiện được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Nếu sợi xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ cũng được hưởng thuế suất 0%, công suất dự kiến tăng thêm của chúng tôi sẽ không đủ”. “Việt Nam có nhiều công ty kéo sợi và may mặc, nhưng không nhiều trong lĩnh vực dệt và nhuộm vải. Tôi thấy có nhiều cơ hội để phát triển trong lĩnh vực này”, ông nói.
Ngoài Texhong, thì theo South China Morning Post, công ty dệt vải Pacific Textiles (Trung Quốc) cũng dự kiến mở một nhà máy liên doanh trị giá 180 triệu đô la Mỹ tại Việt Nam cùng với tập đoàn Crystal (Hong Kong) trong năm nay. Tập đoàn Crystal cũng sẽ đầu tư thêm 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 49 triệu đô la Mỹ) để nâng công suất lên 70.000 cọc sợi.
Vào năm 2012, một số dự án dệt nhuộm của Trung Quốc, Hong Kong đã được triển khai tại Việt Nam. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (Việt Nam) và Công ty TNHH Dệt May Sunrise (Shengzhou, Trung Quốc) ngày 5-11-2012 đã ký kết hợp đồng liên doanh thành lập Công ty cổ phần Dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise. Dự kiến, dự án sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2013, với quy mô sản xuất 1 triệu mét vải dệt thoi/tháng và 300 tấn vải dệt kim/tháng.
Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long (Hong Kong) tháng 7-2012 tổ chức lễ khởi công dự án nhà máy sản xuất sợi tại khu công nghiệp Hải Yên (Móng Cái, Quảng Ninh).
Theo Tổng cục Hải quan, trong bốn tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may với tổng giá trị gần 5 tỉ đô la Mỹ, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ là nước nhập khẩu nhiều nhất hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch trên 2,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.
Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da, giày của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2013 lên đến 4,32 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, trị giá vải nhập khẩu là 2,39 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,1%, nguyên phụ liệu đạt trên 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,4%.
Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với kim ngạch 1,55 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.
Dệt may hưởng lợi bao nhiêu từ TPP?
Mỹ là thị trường dệt may lớn nhất của Việt Nam trong TPP. Hiện ở thị trường này, Trung Quốc có thị phần lớn nhất. Đứng thứ hai là Việt Nam, tiếp đến là những nước như Thái Lan, Bangladesh. Dù Việt Nam đứng vị trí thứ hai, nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may lại thấp hơn Trung Quốc 5 lần, và không cao hơn nhiều so với những nước đứng thứ 3, 4 nên vị trí này của Việt Nam không bền vững.
Cơ hội lớn nhất dành cho may mặc Việt Nam trong TPP là giảm thuế xuống còn 0%. Hầu hết mặt hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ có thuế suất bình quân 17,3% (dao động từ 0% đến 32%). Hiện xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 7%/năm, nếu TPP thuận lợi cho dệt may Việt Nam thì mức tăng trưởng có thể đạt 12-13%/năm. Đến năm 2025, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 30 tỉ đô la Mỹ (trong năm 2012 là hơn 7 tỉ đô la Mỹ). Nhưng đó là nếu giả định đàm phán TPP thuận lợi cho may mặc Việt Nam.
Tại sao đến năm 2015, nếu thuận lợi, xuất khẩu may mặc Việt Nam sang Mỹ chỉ đến 30 tỉ đô la Mỹ? Lý do là, xuất khẩu may mặc sang Mỹ còn tuỳ nhu cầu thị trường, và áp lực cạnh tranh. Hiện mỗi năm Mỹ nhập khẩu 100 tỉ đô la Mỹ hàng dệt may. Với mức tăng trưởng của thị trường dệt may Mỹ 2-3%/năm, thì đến năm 2025 dù thuận lợi, quy mô thị trường Mỹ cũng chỉ 120 tỉ đô la Mỹ.
Quy mô của thị trường Mỹ không tăng cao, nên hạn chế khả năng tăng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường này. Trong khi TPP và các hiệp định thương mại có sự tham gia của Mỹ ngày mở rộng ra (tức với ngày càng nhiều nước khác tham gia) thì cơ hội cho Việt Nam cũng không còn nhiều, nên đây cũng là thách thức.
Trần Việt, Trưởng ban quan hệ quốc tế, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)
|
Nguyệt Thương
TBKTSG
|