Thứ Ba, 11/06/2013 21:45

Nâng giá bán điện cho ngành thép, xi măng cần có lộ trình

Bộ Công Thương đang có dự thảo điều chỉnh khung và bậc thang tính toán giá điện.

Bộ Công Thương vừa công bố Dự thảo lần thứ 3 Quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định này sẽ được thực hiện từ ngày 1/7 tới và giá bán lẻ điện sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất sẽ đồng loạt tăng bình quân 5%. Trong đó, giá điện cho sản xuất, có mức cao nhất là 2.306 đồng/kWh, tăng 281 đồng.

Theo dự thảo Quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương đề xuất, giá bán lẻ điện là giá bán điện được đưa ra theo các cấp điện áp (110kV, từ 22kV đến dưới 110kV, từ 6kV đến dưới 22kV và dưới 6kV) áp dụng cho các nhóm khách hàng gồm sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp và sinh hoạt. Với giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, Bộ Công Thương có sự thay đổi về khung và bậc thang tính toán giá điện. Đối với giá điện cho sản xuất tùy thời điểm sử dụng sẽ tăng từ 2-7%; giá bán lẻ điện cho kinh doanh được giảm 5% trong giờ bình thường, giảm 3% vào giờ thấp điểm và 8% vào giờ cao điểm cho các cấp điện áp.

Điều đáng quan tâm là Bộ Công Thương đã đề xuất áp giá điện riêng cho ngành sản xuất sắt thép, xi măng, không cho hưởng giá chung với các ngành sản xuất khác. Giá điện cho sản xuất sắt thép, xi măng sẽ cao hơn từ 2% đến 16%. Cụ thể, giá điện cho hai ngành này vào giờ bình thường và thấp điểm sẽ thấp hơn giá điện bình quân nhưng vào giờ cao điểm được tính bằng 160% đến 187% giá điện bình quân, tùy theo cấp điện áp.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, sắt thép, xi măng là hai ngành công nghiệp quan trọng, không thể có sự phân biệt đối xử giữa các ngành sản xuất với nhau, tăng giá điện ngành này mà ngành khác không tăng – đó là không công bằng giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, xi măng phải hoạt động cầm chừng, tồn kho sản phẩm lớn, không nên tăng giá điện.

“Trong lúc này, Nhà nước, Bộ Công Thương tìm mọi cách để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn là chính, bây giờ nâng giá điện riêng đối với ngành thép, xi măng. Nâng vào lúc này không hợp lý, như vậy sẽ tạo thêm khó khăn, sẽ tạo thêm cho doanh nghiệp thép có nguy cơ bị phá sản sớm hơn” – ông Nghi nhấn mạnh.

Việc tách riêng giá điện cho sản xuất sắt thép, xi măng đã được Bộ Công Thương cân nhắc từ nhiều năm nay; một số chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, tăng giá điện đối với hai ngành này là cần thiết, bởi phần lớn đang sử dụng công nghệ, thiết bị sản xuất rất lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng. Việc tăng giá điện nhằm thúc đẩy đổi mới, đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến tiết kiệm điện năng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, Nhà nước giảm bớt việc bù lỗ giá điện cho hai ngành này.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, điện cho sản xuất hiện nay chiếm khoảng 70%, điện cho sinh hoạt chỉ chiếm 30%. Việc tăng giá điện cho sản xuất, doanh nghiệp đóng cửa nhiều, điện sẽ bán cho ai ?. Ngoài ra, giá điện tăng cũng sẽ tạo sức ép đối với giá cả các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, y tế, giáo dục thời gian tới, ảnh hưởng lớn tới mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, ngành điện và Bộ Công Thương nên ra một lộ trình điều chỉnh giá điện cho một số lĩnh vực, như sắt thép, xi măng để họ có một khoảng thời gian điều chỉnh, thích nghi với mức giá mới, chính sách giá mới thì hợp lý hơn, để người ta điều chỉnh hoạt động sản xuất một cách hợp lý hơn. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc gây sức ép một cách đột ngột sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp đóng cửa rất sớm, điều ấy cũng gây ra tác động không mong muốn là sẽ giảm mức tăng sản xuất, giảm công ăn việc làm-đó là điều cần phải cân nhắc’’./.

Hữu Tiến

VOV

Các tin tức khác

>   'Ông lớn' xăng dầu bị truy thu hàng trăm tỷ đồng thuế (11/06/2013)

>   "Bốc hơi" gần 40.000 kg nhôm thỏi (11/06/2013)

>   Tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng đường (11/06/2013)

>   Không thể kiểm tra hết 500 cây xăng được! (11/06/2013)

>   Nhiều tập đoàn nước ngoài quan tâm dự án sân bay (11/06/2013)

>   Coca Cola và chiến lược 20 năm vẫn lỗ (11/06/2013)

>   Bộ Thương mại Mỹ gặp doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam (11/06/2013)

>   Nhà nước “bỏ quên” cổ tức ngàn tỉ (11/06/2013)

>   Dẹp “loạn” thương quyền taxi (11/06/2013)

>   Xem xét tăng tiếp giá bán than cho ngành điện (11/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật