Đăng ký lại doanh nghiệp FDI: Tắc vì thiếu đồng thuận
Không đạt được sự nhất trí là một trong những lý do chính khiến nhiều liên doanh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không thể đăng ký lại theo quy định của Điều 170, Luật Doanh nghiệp.
Tính đến ngày 31/5/2013, còn 2.916 doanh nghiệp FDI chưa làm thủ tục đăng ký lại.
|
Trong số 41 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã hết thời hạn hoạt động (tính đến ngày 31/5/2013), nhưng chưa thực hiện các thủ tục đăng ký lại, việc không tìm được sự đồng thuận giữa các bên liên doanh là một trong những lý do chính dẫn đến bế tắc.
Phải nhắc lại, các DN này được thành lập trước ngày 1/7/2006 (thời điểm Luật DN 2005 có hiệu lực), hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987. Theo Điều 13 của Luật này, những vấn đề lớn của công ty liên doanh, như phương hướng hoạt động, kế hoạch kinh doanh và nhân sự chủ chốt…, phải được HĐQT quyết định theo nguyên tắc nhất trí, nghĩa là phải được các bên đồng ý, bất kể tỷ lệ sở hữu trong liên doanh là bao nhiêu.
Mặc dù về sau, nguyên tắc này đã bộc lộ nhiều nhược điểm, nhất là sự không phù hợp với thông lệ quốc tế trong quản trị DN, song vào thời điểm đó, để bảo vệ cổ đông thiểu số trong liên doanh, thường là phía Việt Nam, nguyên tắc nhất trí đã phát huy tác dụng nhất định.
“Ngay khi Điều 170, Luật DN có hiệu lực, chúng tôi đã có buổi làm việc với khách hàng để bàn thảo về việc thực thi”, ông Nguyễn Hưng Quang, Luật sư điều hành Công ty Luật NHQuang và Cộng cho biết.
Trước hết, theo ông Quang, các công ty phải có được sự nhất trí của cả hai bên về việc đăng ký lại. Thông thường, phía thiểu số trong liên doanh không muốn thay đổi, vì họ sẽ không còn tiếng nói ngang bằng với bên đa số như trước.
Thứ hai, cơ chế quản lý doanh nghiệp sẽ thay đổi theo hướng không công nhận vai trò của các phó tổng giám đốc, vốn được phân định vai trò của cả bên Việt Nam và bên nước ngoài, trong ban điều hành. Vai trò của HĐQT trong công ty liên doanh cũng sẽ phải thay thành hội đồng thành viên, nếu công ty tiếp tục mô hình TNHH…
“Để thống nhất được sự thay đổi, phía bên nước ngoài phải làm thủ tục để được công ty mẹ ở nước ngoài thông qua. Hành trình này rất phức tạp trong nội bộ DN”, ông Quang cho biết.
Rõ ràng, phức tạp trong hoạt động đăng ký lại không hẳn nằm ở thủ tục hành chính như nhiều người lo ngại. Bởi, theo Điều 7 và Điều 8, Nghị định 101/2006/NĐ-CP, doanh nghiệp chỉ cần nộp văn bản đăng ký lại theo mẫu, dự thảo điều lệ doanh nghiệp phù hợp với Luật DN, bản sao Giấy phép đầu tư và các giấy phép điều chỉnh để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau 15 ngày. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm bất kỳ giấy tờ nào khác.
Thực tế, Hiệp hội DN Nhật Bản trong một lần góp ý cho việc thực thi điều luật này cũng đã than phiền về trường hợp một hội viên đã trình hồ sơ xin đăng ký lại, nhưng bị từ chối, vì không có đủ chữ ký của phía Việt Nam trong liên doanh.
Cũng phải nói thêm, khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam theo thời hạn đã được quy định trong giấy phép đầu tư, công ty mẹ ở nước ngoài đã có những chiến lược, quyết sách cũng như đàm phán về ưu đãi, sự chuẩn bị về nhân sự, dòng tiền phù hợp với thời gian được phép hoạt động. Mọi thay đổi của công ty con ở Việt Nam, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cả chiến lược kinh doanh của công ty mẹ ở nước ngoài.
Chính vì vậy, ông Lê Nết, Luật sư Công ty Luật LCT cũng cho biết, nhiều DN FDI không muốn thực hiện quy định này vì e ngại sẽ mất đi nhiều lợi thế kinh doanh mà họ đã cất công đàm phán được trước đó.
“Trong giấy phép đầu tư được cấp cho các DN trước năm 2006, nội dung các ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng ghi rất rõ. Nhưng giấy chứng nhận đầu tư mà họ nhận lại khi thực hiện đăng ký lại không có nội dung này. Cho dù về nguyên tắc, các ưu đãi không thay đổi, song điều này khiến nhiều nhà đầu tư không thực sự an tâm”, ông Nết nói.
Khánh An
Đầu tư
|