Tìm vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thời gian gần đây, do khó khăn chung của nền kinh tế nên nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào thua lỗ, dừng hoạt động hoặc phá sản. Vì vậy, việc tìm vốn cho khu vực này duy trì hoạt động là cấp bách.
Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, cả nước có 312.642 doanh nghiệp vừa và nhỏ ( DNVVN), chiếm 97% số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp (DN) này có vốn đạt gần 2 triệu tỉ đồng và giải quyết công ăn việc làm cho hầu hết lao động.
Sản xuất gỗ dán tại một làng nghề của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội
|
Để có thể hỗ trợ khu vực DNVVN, vừa qua Chính phủ đã chính thức ký quyết định Thành lập Quỹ hỗ trợ DNVVN với nguồn vốn từ ngân sách cấp 2.000 tỉ đồng. Quỹ này sẽ ủy thác để ngân hàng (NH) cho DN vay với số tiền tối đa 70% tổng số vốn của một dự án, phương án kinh doanh.
Hiệp hội, địa phương hỗ trợ
Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Cao Sĩ Kiêm cho biết quỹ này sẽ tập trung vào các DN có dự án khả thi. NH sẽ phải chịu trách nhiệm về rủi ro cho vay, đồng thời xem xét điều kiện cho vay của dự án, nguồn vốn, khả năng thanh toán của DN... Tuy nhiên, tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm cho rằng hiện nay nguồn vốn đã có, nhưng điều quan trọng nhất là nhiều DN không đáp ứng được đủ tiêu chí để NH cho vay. Vì vậy, mấu chốt nằm ở chỗ các hiệp hội ngành nghề, các địa phương phải đứng ra làm đầu mối làm việc với NH, cung cấp cho NH danh sách các DN làm ăn tốt, có hiệu quả, có tiềm lực. Từ đó có cơ chế đứng ra bảo lãnh để NH cho DN vay bằng hình thức tín chấp. Như vậy DN mới có thể vay được vốn dùng để phát triển sản xuất kinh doanh. “Cần phải sớm đưa quỹ vào hoạt động để giải quyết khó khăn cấp bách hiện nay cho khu vực DN đang chịu nhiều tác động suy giảm kinh tế”, TS Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khuyên các DNVVN phải có mối quan hệ mật thiết và cung cấp đầy đủ các thông tin cho NH để được vay vốn. DN cần phải đánh giá, theo dõi sát thị trường, diễn biến lạm phát để chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Đối với các NH, khi các DN gặp khó khăn phải chủ động, tích cực rà soát phối hợp để có biện pháp hỗ trợ hoặc cho vay kịp thời.
Doanh nghiệp cần thay đổi
Bên cạnh sự trợ giúp của hiệp hội, địa phương, để được vay vốn tự thân DN phải thay đổi, hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Từng có nhiều năm gắn bó với cộng đồng DNVVN, dưới cương vị Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Hà Nội, Chủ tịch HĐQT NHCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Đỗ Quang Hiển đánh giá DNVVN vô cùng năng động, sản xuất kinh doanh đủ các mặt hàng lớn, nhỏ và có mô hình tổ chức gọn, nhẹ, linh hoạt, giải quyết trực tiếp việc làm cho hàng triệu lao động… nhưng điểm hạn chế lớn nhất là DN hoạt động một cách tự phát, chạy theo nhu cầu ngắn hạn của đời sống kinh tế, thiếu một định hướng, tầm nhìn lâu dài. Vì lẽ đó, DN cũng hoạt động thiếu bài bản, đặc biệt về quản trị tài chính. “Hiện nay, đa số DN không có hệ thống báo cáo tài chính, sổ sách minh bạch công khai và đây là rào cản lớn nhất, khó khăn nhất để các NH giải ngân nguồn vốn. Vì vậy, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, DN cần có một bộ phận chuyên lo sổ sách, hóa đơn chứng từ, làm báo cáo tài chính. Bởi với bất kỳ một NH nào khi cho vay, yếu tố tiên quyết đều phải nhìn vào hệ thống báo cáo tài chính về tổng tài sản, lợi nhuận, doanh thu và dòng tiền”, ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, khi DN có hệ thống quản trị tốt, báo cáo tài chính minh bạch… NH sẽ xem xét vào năng lực kinh doanh, khả năng trả nợ của DN để quyết định cho vay theo hình thức tín chấp. “Rủi ro cho vay tín chấp là vô cùng lớn, nhưng nếu cả hai bên cùng làm việc với nhau một cách thận trọng, thiện chí, tôi tin chắc đây sẽ là cánh cửa quan trọng giúp DN khắc phục được sự bế tắc vốn trong suốt những năm qua”, ông Hiển chia sẻ.
Ngân hàng ồ ạt cho vay DNVVN
Từ tháng 5.2013, VietinBank dành 5.000 tỉ cho vay ưu đãi DNVVN với lãi suất giảm tới 3 điểm % so với lãi suất cho vay thông thường, nhằm hỗ trợ tín dụng cho các DN đón đầu cơ hội tăng trưởng của năm 2013 và bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Cũng từ tháng 5 đến 31.12.2013, SeABank triển khai gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỉ đồng tài trợ vốn lưu động với lãi suất từ là 9,9%/năm. Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng dành 1.000 tỉ đồng ưu đãi với lãi suất từ 10,15 - 11,5%/năm.
|
Anh Vũ
Thanh Niên
|