Thiết bị điện, điện tử và linh kiện CNTT thuộc nhóm ngành tăng trưởng nhanh nhất
Sáng 19/6, ông Phạm Văn Đông- Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM, dẫn đầu đoàn khảo sát đến làm việc tại Sở Công Thương TP.HCM, tìm hiểu tình hình quy hoạch và đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu và sản phẩm công nghiệp phụ trợ trên địa bàn TP.HCM.
Sản xuất thiết bị điện, điện tử và linh kiện CNTT thuộc nhóm ngành tăng trưởng nhanh nhất TP.HCM
|
Theo báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, sự chuyển dịch của 4 ngành công nghiệp trọng điểm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, duy trì tốc độ phát triển toàn ngành. Các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố đều đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp khá. Năm 2012, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 8,2% so với năm 2011, cao hơn mức tăng toàn ngành là tăng 5,4%; trong đó các nhóm ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử và linh kiện công nghệ thông tin thuộc nhóm ngành tăng trưởng nhanh nhất TP.HCM. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất công nghiệp. Bên cạnh việc cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, đúng định hướng nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu phát triển. Sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp TP.HCM trong giai đoạn trước đã tạo áp lực quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường…của TP.HCM. Công nghiệp hỗ trợ thiếu đầu tư hoặc đầu tư rời rạc, chậm phát triển, phụ thuộc từ bên ngoài. Theo ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính- Sở Công thương TP.HCM: “Tuy khó khăn và thách thức, tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu vẫn đạt mức sản lượng năm sau cao hơn năm trước, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, cơ cấu ngành có sự chuyển hướng tích cực, đúng định hướng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 8, lần thứ 9 đã đề ra. Tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu được giữ vững và có xu hướng tăng dần từ 50,7 % năm 2000 lên 53,5% năm 2005, đạt mức cao nhất là 57,4% vào năm 2010, hiện nay xuống mức thấp hơn một chút là 57,3%, tức là trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm hơn một nửa”.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Đông cho rằng: “Từ sự nhận dạng đó để chúng ta thấy được rằng nó đáp ứng được yêu cầu hiện nay chưa, hiện nay các nhà đầu tư, doanh nghiệp than cái gì? cần cái gì? còn bây giờ cái mà nhân dân thành phố này cần để công nghiệp phát triển là gì? Mình chưa làm được thì nên đề xuất cho Thành ủy, UBND TP.HCM giải pháp để cho công nghiệp thành phố phát triển đúng hướng”.
Sau khi triển khai chương trình kích cầu quyết định số 33 của UBND TP.HCM, tính đến năm 2013 ngành công nghiệp đã có 59 dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất được hỗ trợ 50% lãi vay từ ngân sách thành phố cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, tổng số vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, bình quân một dự án có 65-70 tỷ đồng./.
Nguyễn Thế Anh
VOH
|