Thứ Tư, 19/06/2013 11:30

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ rất nhiều... trên giấy

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết hiện nay hệ thống tổ chức đầu mối triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Trung ương đến địa phương vừa thiếu vừa yếu, nguồn lực dành cho hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa hạn chế vừa dàn trải phân tán, thậm chí chồng chéo.

Vốn và chính sách vẫn dồn về doanh nghiệp nhà nước

Quy mô của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có xu hướng thu hẹp trong thời gian qua, và số lượng lớn DN ngừng hoạt động, đã giải thể trong năm 2012 và những tháng qua đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển DN, đặc biệt là chính sách trợ giúp phát triển DNNVV. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói: “Thời gian qua dường như chúng ta đã để DNNVV phát triển tự phát, hỗ trợ của Nhà nước đến DNNVV chưa được nhiều. Hầu hết, các chính sách, nguồn vốn vẫn đổ dồn vào DN lớn, DNNN”.

Thiếu vốn là căn bệnh kinh niên của các DNNVV

Thứ trưởng Đông cũng chỉ ra bất cập là chủ trương và chính sách hỗ trợ, trợ giúp phát triển DNNVV “được quy định khá đầy đủ” và có tới 5 bộ ngành cùng có chức năng ban hành chính sách hỗ trợ DNNVV thế nhưng “tỷ lệ DNNVV tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ rất thấp”. Về mặt chính sách, chủ trương đã có từ kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm, Nghị định của Chính phủ về trợ giúp DNNVV và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trợ giúp DNNVV.

Các bộ, ngành, các địa phương và các tổ chức quốc tế có nhiều chương trình, dự án trợ giúp DNNVV. DNNVV được tới 8 bộ lo hỗ trợ, đó là Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ và Cục Ứng dụng và Đổi mới công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công nghiệp địa phương, Vụ Thị trường trong nước… (Bộ Công Thương), rồi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội…

Thế nhưng “hoạt động hỗ trợ của các đơn vị này còn rất hạn chế, việc thực hiện chính sách cũng quá lâu”, lãnh đạo Cục Phát triển DN nhận xét. Vì thế, theo như Cục này cho biết: 60% số DN được khảo sát cho biết không có thông tin về những dịch vụ hỗ trợ dành cho mình, 30% DN cho biết không tiếp cận được sự hỗ trợ bởi thủ tục phức tạp…

Đơn cử như Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia được thành lập từ năm 2003 nhưng 5 năm sau mới đi vào hoạt động, hay như sau hơn 10 năm có chủ trương các tỉnh thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV mới có 10 quỹ được thành lập…

Muốn có đầu mối mới

Cục Phát triển DN nên tập trung dài hạn vào chức năng quản lý Nhà nước, nghiên cứu để ban hành chủ trương chính sách, còn triển khai thực tế nên dựa vào các tổ chức xã hội, Hội DN, Hội ngành nghề. Như vậy tránh bộ máy cồng kềnh và lại không làm tăng chi ngân sách. Hiện nay có nhiều quy định đã vô hiệu hóa các hiệp hội ngành nghề.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV

Được hỗ trợ ở lắm chính sách và được nhiều đầu mối cùng lo việc hỗ trợ như vậy nhưng “nỗi sợ hãi lớn nhất của DNNVV là bị Nhà nước bỏ rơi”, ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV phát biểu. Ông Miky Miamoto (chuyên gia JICA) cho rằng: Việt Nam có khá nhiều cơ quan có chức năng liên quan đến hỗ trợ DN nhưng DN cho biết khi có vấn đề cần trợ giúp thì không biết tìm đầu mối nào và sẽ được trợ giúp theo phương thức nào…

“Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là thiếu vai trò đầu mối trong triển khai thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV”, theo Thứ trưởng Đông. Ông cho biết hiện nay hệ thống tổ chức đầu mối triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV từ Trung ương đến địa phương vừa thiếu vừa yếu, nguồn lực dành cho hỗ trợ DNNVV vừa hạn chế vừa dàn trải phân tán, thậm chí chồng chéo.

Hầu hết, các địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ DN và có thì cũng rất ít. Các hoạt động hỗ trợ manh mún, nội dung hỗ trợ chồng chéo, trùng lắp nên làm cho nguồn lực đã thiếu lại bị lãng phí và không giải quyết được các nhu cầu cần trợ giúp thiết thực của DN. “Không có sự giao thoa giữa các bộ trong việc hỗ trợ cho DNNVV khiến DN chỉ tiếp cận được một phần sự hỗ trợ, như vậy không đủ để họ hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Chẳng hạn, được hỗ trợ về nhân lực, về quản trị DN thì thiếu về công nghệ, có công nghệ lại thiếu thị trường. Đây chính là sự rời rạc của chính sách hiện nay”, theo ông Đông.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một ý tưởng mới cho việc nâng cao năng lực thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV. Đó là Đề án tăng cường năng lực tổ chức đầu mối triển khai thực hiện chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV.

Theo đó sẽ hình thành hệ thống các tổ chức đầu mối, ở cấp Trung ương sẽ là một đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có chức năng làm đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV; tổ chức, triển khai thực hiện một số chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ở cấp địa phương sẽ là một đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư lo việc triển khai thực hiện và tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách trên địa bàn. Theo Cục Phát triển DN, thì mô hình này đã được thực hiện thành công ở nhiều nước.

Ủng hộ sáng kiến cần có đầu mối tập trung các chính sách hỗ trợ DNNVV và theo dõi việc thực hiện các chính sách này nhưng nhiều ý kiến chưa đồng tình với mô hình mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang ấp ủ. Một số ý kiến từ Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ quan điểm tập trung thống nhất chính sách hỗ trợ DNNVV nhưng cho rằng: “nội dung hỗ trợ như đề án không mới”. Các quốc gia họ có một đầu mối cấp quốc gia, còn như đề án chỉ là nâng cấp, mở rộng Cục Phát triển DN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mở thêm phòng ở cấp sở và vẫn tồn tại sự phân tán lẻ mẻ ở các bộ chuyên ngành.

“Thêm bộ máy có cồng kềnh không, kinh phí như đề án nêu vẫn chỉ là sự ước đoán thiếu cơ sở vì chưa xác định được hệ thống tổ chức thế nào thì chưa thể tính được kinh phí. Tóm lại DN đang chờ sự hỗ trợ mạnh từ Trung ương nhưng đề án cũng chưa nêu được sẽ có phương thức hỗ trợ DN như thế nào”, lãnh đạo Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) phát biểu. Còn kinh nghiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ là “bộ đã muốn phát triển mạng lưới phát triển khoa học công nghệ nhưng xin biên chế các huyện không đơn giản”.

Để chính sách hỗ trợ đến được với DN đúng là cần tạo được sự đồng bộ, quan tâm cụ thể của lãnh đạo thành phố và địa phương, nếu lãnh đạo địa phương không quan tâm, giao phó cho các sở ban ngành không liên quan là không ổn. Nên thành lập đầu mối ở Trung ương và cấp tỉnh là phòng Phát triển DN chuyên trách ở tỉnh, hình thành như một đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có nguồn thu bù chi và mỗi phòng cần 4 đến 5 người.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh


Tri Nhân

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Những đại gia "tay không làm nên đống nợ" (19/06/2013)

>   Mở thêm quyền xuất khẩu cho doanh nghiệp FDI (19/06/2013)

>   Nghi vấn thất thu nghìn tỷ vì xuất quặng lậu (19/06/2013)

>   Thống nhất các văn bản trong áp dụng quản lý rủi ro (19/06/2013)

>   15 nghìn lao động của Vinacomin sẽ thiếu việc làm (19/06/2013)

>   Doanh nghiệp nghi ngờ hiệu quả sàn giao dịch vận tải (19/06/2013)

>   "Xuất khẩu than sẽ phải giảm mạnh do không có lãi" (18/06/2013)

>   ADB viện trợ 200.000 USD cho dự án hỗ trợ kỹ thuật (18/06/2013)

>   Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chật vật tìm hướng đi (18/06/2013)

>   Xi măng thua lỗ đậm (18/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật