Nghi vấn thất thu nghìn tỷ vì xuất quặng lậu
Trước số liệu điều tra của các doanh nghiệp ngành thép về lượng lớn quặng sắt xuất lậu sang Trung Quốc, nhiều cơ quan chức năng thừa nhận, không thể thống kê được số liệu chính xác về lượng khoáng sản xuất lậu.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho rằng, do tính chất phức tạp, nên rất khó có được số liệu chính xác về lượng khoáng sản xuất lậu.
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Nguyễn Mạnh Quân
|
“Buôn lậu có nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp. Ở nhiều vùng biên giới, đồng bào nghèo lấy việc mua bán quặng làm nguồn sống, trong khi thu mua quặng ở bên kia biên giới lại dễ dàng, loại quặng nào cũng mua. Lực lượng chức năng bắt được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu thôi”, ông Quân nói.
Trên thực tế, không chỉ người dân buôn lậu, mà các doanh nghiệp khai thác quặng cũng muốn xuất lậu. Ông Quân cho biết, năm 2008, khi đi kiểm tra tồn kho khoáng sản, có doanh nghiệp nói rằng, chủ trương cấm xuất khẩu khoáng sản của Nhà nước là đúng, nhưng do không tìm được đầu ra ở trong nước, nên họ đành phải xuất lậu.
Biện hộ cho lý do “xuất lậu là do cơ chế”, ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Phát triển số 1 (có trụ sở tại Hải Dương) cho biết, thuế xuất khẩu 40% quá cao, nhưng doanh nghiệp vẫn cắn răng chịu để được xuất. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khai khoáng là không thể tìm được đầu ra ở trong nước.
“Doanh nghiệp sẵn sàng trải thảm đỏ cho doanh nghiệp trong nước tới mua quặng, nhưng gõ cửa các lò cao ở Yên Bái thì được hẹn 2 năm nữa, còn Công ty Gang thép Thái Nguyên bảo đến làm gì”, ông Ngọc cho biết.
Cũng với lý do “lo bị ép giá, lò cao trong nước không tiêu thụ hết quặng”, các doanh nghiệp khai thác quặng và nhiều Sở Công thương địa phương cũng bày tỏ mong muốn “được tiếp tục xuất khẩu quặng sắt”, dù than phiền thuế xuất khẩu cao làm tăng chi phí.
Là doanh nghiệp duy nhất mua quặng khối lượng lớn hiện nay, đại diện của Tập đoàn Hoà Phát (HOSE: HPG) cho hay, kể từ năm 2008, HPG đã mua quặng của các doanh nghiệp trong nước để đáp ứng nhu cầu khoảng 60.000 - 70.000 tấn quặng/tháng, bởi bản thân HPG chỉ đáp ứng được 30% lượng quặng này. Với việc chuẩn bị đưa lò cao thứ 2 vào hoạt động, nhu cầu quặng sắt của HPG sẽ lên tới 150.000 tấn/tháng.
Đại diện của HPG cho biết, Tập đoàn chấp nhận mua quặng theo mức giá biến động tại Phòng Thành (Trung Quốc) nhân với tỷ lệ phần trăm do các điều kiện liên quan. HPG đưa ra các điều kiện mua hàng để bên bán chọn và trả trước tiền hàng, nên đang mua được khá nhiều hàng trong nước. Có loại quặng HPG mua với giá 2 triệu đồng/tấn, cao gấp đôi mức giá mà doanh nghiệp khai báo khi xuất khẩu, mà các doanh nghiệp này có vẻ vẫn chưa hài lòng.
Đại diện HPG cũng nếu đích danh những doanh nghiệp chỉ thích xuất khẩu, như Công ty Phát triển số 1, Công ty Dương Hiếu. Trong giao dịch, Công ty Phát triển số 1 yêu cầu chốt giá quốc tế theo Phòng Thành, đàm phán lâu, nhưng chỉ bán thử 5.000 tấn quặng. Dù chốt giá, hợp đồng đã ký, nhưng bên bán vẫn chưa có lịch giao hàng chính thức. Trong khi đó, Công ty Dương Hiếu bán quặng Quý Xa, nhưng lại chưa đồng ý với mức 1,34 triệu đồng/tấn mà HPG đang mua quặng cùng loại và cùng xuất xứ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty Thép Hoà Phát (thuộc HPG) cho hay, có doanh nghiệp khi bị cơ quan chức năng kiểm tra dọc đường đã lấy hợp đồng mua bán với HPG để hợp pháp hoá, trong khi thực tế chuyến hàng đó không hề tới HPG.
Bình luận về việc không mặn mà bán quặng tại thị trường nội địa, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, cũng có lý do HPG là công ty niêm yết, nên việc mua bán phải đầy đủ hoá đơn chứng từ, trong khi không phải doanh nghiệp khai thác quặng nào cũng có đủ hoá đơn, chứng từ khi bán hàng. Đó là chưa kể, một số doanh nghiệp khai thác quặng thừa nhận có sự móc nối với cơ quan giám sát nhằm tránh thuế.
Thực tế bán hàng của các doanh nghiệp khai thác quặng này cũng cho thấy, nghi vấn về hàng ngàn tỷ đồng thuế thất thu từ việc xuất quặng sắt lậu với số lượng lớn là có cơ sở nhất định.
Thanh Hương
Đầu tư
|