Chủ Nhật, 02/06/2013 08:20

Tạo nền tảng đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các tổ chức tín dụng yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ. Cơ quan này đang giám sát chặt chẽ việc các tổ chức tín dụng thực hiện các phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt đúng lộ trình và mục tiêu đã đề ra.

Mục tiêu, lộ trình và giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến nhất trí và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1.3.2012 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011- 2015. Thực hiện Đề án, NHNN đã triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp bao gồm thanh tra, giám sát và kiểm toán độc lập theo chỉ định đối với các ngân hàng yếu kém. Qua đó, đã xác định thực trạng tài chính, chất lượng hoạt động, việc chấp hành chính sách pháp luật của ngân hàng, chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân có liên quan.

Theo đó, ngân hàng phải kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý thích hợp đối với những tập thể, cá nhân vi phạm quy chế Nhà nước, gây hậu quả cho ngân hàng và định kỳ báo cáo NHNN về việc triển khai thực hiện; đồng thời phải xây dựng phương án cơ cấu lại để lành mạnh hóa tài chính, cơ cấu quản trị của ngân hàng. Đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật, tùy thuộc mức độ, tính chất của hành vi đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Những tổn thất kinh tế xảy ra cho TCTD do sai phạm hoặc rủi ro phải do chính TCTD có trách nhiệm khắc phục, trước hết là cá nhân người lãnh đạo và cổ đông của TCTD phải chịu trách nhiệm bằng tài sản và vốn góp của mình.

Ưu tiên các biện pháp xử lý về kinh tế

Về nguyên tắc, cá nhân nào vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh. Trong bối cảnh tái cơ cấu, phải bảo đảm giữ ổn định hệ thống các TCTD, vì vậy, các biện pháp xử lý về kinh tế được ưu tiên áp dụng trước để hạn chế tổn thất, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tiền gửi của nhân dân.

Thực tế đến nay, NHNN chưa phải dùng đến giải pháp buộc sáp nhập, hợp nhất. Các trường hợp sáp nhập, hợp nhất thời gian qua đều trên tinh thần tự nguyện giữa các ngân hàng. Theo đó, việc xử lý tài chính cũng như vấn đề nhân sự quản trị, điều hành là những nội dung cơ bản trong phương án sáp nhập, hợp nhất được Đại hội đồng cổ đông của các bên tham gia sáp nhập, hợp nhất thông qua. Ngoài ra, đối với nhân sự lãnh đạo của các ngân hàng (bao gồm cả ngân hàng sau tái cơ cấu), NHNN xem xét chấp thuận trên cơ sở đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Một số trường hợp do rủi ro gặp phải trong kinh doanh, nhân sự lãnh đạo của ngân hàng yếu kém vẫn có thể tiếp tục được đảm nhiệm các chức vụ quản lý ngân hàng để gắn trách nhiệm trong việc xử lý các tồn tại, yếu kém, đảm bảo việc thực hiện tái cơ cấu thành công.

Trên thực tế, qua theo dõi của NHNN, các cá nhân gây tổn thất cho ngân hàng đang được các ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất yêu cầu tiếp tục xử lý các khoản tổn thất thông qua việc tiếp tục xử lý thu hồi nợ, cấn trừ nợ bằng tài sản cá nhân hoặc cấn trừ nợ bằng cổ phiếu...

Một báo cáo mới đây của Cơ quan Thanh tra Giám sát thuộc NHNN cho biết, về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ. Cơ quan này đang giám sát chặt chẽ việc các ngân hàng thương mại thực hiện các phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt đúng lộ trình và mục tiêu đã đề ra.

Cũng báo cáo này cho biết, khả năng chi trả của hệ thống các tổ chức tín dụng đến nay về cơ bản được đảm bảo, bước đầu ổn định hệ thống. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng huy động vốn từ nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng hợp lý để bảo đảm an toàn hoạt động. Đến này 31.3.2013, huy động vốn của hệ thống trên thị trường dân cư là 3.570.208,53 tỷ đồng, tăng 3,92% so với thời điểm 31.12.2012.

Khó khăn trong xử lý sở hữu chéo

Luật Các TCTD năm 2010 không cho phép các TCTD sở hữu cổ phần lẫn nhau; không cho phép các công ty con, công ty liên kết của một TCTD được góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó. Luật Các TCTD cũng đã có quy định về giới hạn sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông tại TCTD. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử, trên thực tế, hiện vẫn còn một số TCTD góp vốn tại nhiều TCTD khác hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau (xảy ra từ trước khi Luật Các TCTD 2010 có hiệu lực), hoặc có một số trường hợp TCTD thông qua các công ty con của mình sở hữu cổ phần của TCTD khác (gọi chung là các TCTD có liên quan) hoặc cổ đông sở hữu cổ phần của TCTD thông qua vốn vay của doanh nghiệp khác… Việc sở hữu chéo gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất... Do đó, cần phải xử lý kiên quyết vấn đề sở hữu chéo theo lộ trình phù hợp và đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015.

Trong quá trình triển khai các biện pháp xử lý vấn đề sở hữu chéo, NHNN gặp phải một số khó khăn. Cơ chế chính sách, pháp luật hiện hành không có quy định về “người hưởng lợi cuối cùng” hay “người sở hữu cuối cùng”, khái niệm “người có liên quan” theo quy định hiện hành chỉ giới hạn trong một số trường hợp cụ thể. Do đó, trong một số trường hợp, về thực chất, cổ đông/nhóm cổ đông của TCTD sở hữu cổ phần tại TCTD vượt giới hạn theo quy định của Luật Các TCTD nhưng về luật pháp, họ không vi phạm. Về thực tiễn triển khai xử lý vấn đề sở hữu chéo, đặc biệt tại các TCTD yếu kém thông qua giải pháp cơ cấu lại cổ đông còn khó khăn hơn nhiều do đây là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian thanh tra để xác định rõ thực trạng tài chính cũng như cơ cấu cổ đông của TCTD…

Để xử lý vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống, NHNN đã và đang tăng cường công tác thanh tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm các quy định tại Luật Các TCTD năm 2010 và các quy định có liên quan đến vấn đề sở hữu chéo của các TCTD; yêu cầu TCTD xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau giữa các TCTD; tạo điều kiện cho các TCTD thoái vốn ở các TCTD và các công ty con, công ty liên kết hoạt động không có hiệu quả; xác định nguồn lực tài chính của các cổ đông khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại TCTD; giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của các đối tượng có sở hữu chéo; phối hợp với Ủy ban chứng khoán theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của các TCTD trên thị trường chứng khoán...

 Đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ 8 phương án cơ cấu lại đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, trong đó 3 ngân hàng đã được hợp nhất với nhau, 1 ngân hàng sẽ được hợp nhất với tổ chức tín dụng khác, 1 ngân hàng đã được sáp nhập, 3 ngân hàng đã được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại. Đối với 1 ngân hàng yếu kém còn lại, NHNN đang thẩm định phương án do ngân hàng này đề xuất và có khả năng phải sử dụng biện pháp can thiệp bắt buộc.

Thành Hưng

Đại biểu nhân dân

Các tin tức khác

>   TS Lê Xuân Nghĩa: Xác suất AMC xử lý nợ xấu thành công ở mức 96% (01/06/2013)

>   Thu nhập đủ trả nợ mới được vay ưu đãi mua nhà (01/06/2013)

>   Lật tẩy đường dây buôn tiền ảo hàng chục triệu USD (01/06/2013)

>   DongABank: Không có quan hệ hợp tác với Liberty Reserve (31/05/2013)

>   “Bệnh” sẽ khỏi khi bốc thuốc đúng (31/05/2013)

>   Ngân hàng tái cơ cấu các khoản đầu tư tài chính (31/05/2013)

>   Khi người Nhật gõ cửa Vietinbank (30/05/2013)

>   Tỷ giá giao dịch trên thị trường có xu hướng tăng (30/05/2013)

>   “Gỡ nút thắt cho ngân hàng đang thừa thanh khoản” (30/05/2013)

>   TienPhongBank và MobiFone hợp tác khuyến mãi hè (29/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật