TS Lê Xuân Nghĩa: Xác suất AMC xử lý nợ xấu thành công ở mức 96%
TS Lê Xuân Nghĩa nhận định, xác suất AMC xử lý nợ xấu thành công ở mức 96%, AMC sẽ mua trước đối với nợ nhóm 4 và nợ có tài sản đảm bảo.
Tại buổi hội thảo “Nợ xấu, lãi suất và tác động đối với TTCK Việt Nam” do CTCK Vietcombank (VCBS) tổ chức chiều ngày 31/05, TS Nghĩa cũng chia sẻ thêm, AMC sẽ bắt tay chính thức hoạt động vào ngày 09/07/2013, hiện AMC đang tiến hành hoàn tất các quy chế lao động và quy chế tài chính. Việc mua nợ của AMC cũng không tiến hành một cách ồ ạt mà phải phân biệt chất lượng nợ, AMC sẽ mua trước nợ nhóm 4 và nợ có tài sản đảm bảo.
Ông Nghĩa cho biết thời gian hoạt động của AMC dự kiến trong khoảng 4-5 năm. Theo ý kiến ông Nghĩa đưa ra, thời gian hoạt động của AMC được kéo dài như vậy vì sợ thị trường bất động sản sẽ sụp đổ nếu không có biện pháp giải cứu. Sau đó, AMC sẽ chuyển thành ngân hàng đầu tư (Investment Banking). Hiện các NHTM cũng đang được yêu cầu tách chức năng đầu tư ra khỏi hoạt động kinh doanh chính, hạn chế sử dụng tiền huy động của dân chúng để đầu tư do tính rủi ro khá cao.
Ngoài ra, ông Nghĩa cho rằng, để xử lý nợ xấu, có thêm một phương án bên cạnh AMC là NHNN sẽ bơm thẳng tiền cho NHTM vay trong khoảng 3 năm, thời gian ân hạn 1 năm. Đồng thời, NHTM xử lý nợ xấu đến đâu thì NHNN sẽ giải ngân đến đó. Tuy nhiên, cách này không dễ áp dụng do sẽ gặp sự phản kháng mạnh mẽ của những cổ đông lớn hoặc người có liên quan đến TCTD vì ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
TS Lê Xuân Nghĩa (bên phải) tại buổi Hội thảo
|
Tại sao mua nợ xấu bằng giá sổ sách
Giải thích về việc AMC sẽ mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt, TS Nghĩa cho biết phần lớn nợ xấu tại các TCTD đều dính dáng đến bất động sản. Đồng thời, các bất động sản này đều thuộc về các cổ đông lớn hoặc những người có liên quan.
Vì quyền lợi riêng, cổ đông lớn hoặc những người có liên quan có thể chưa chịu xử lý các khoản nợ xấu bất động sản này ngay lập tức. Việc mua theo giá trị sổ sách sẽ được thực hiện nhanh và không phải đắn đo nhiều về các mức giá thị trường khác nhau. Và AMC cũng sẽ có các biện pháp kỹ thuật để hạ chế gian lận trong việc định giá sổ sách các khoản nợ trên của TCTD.
Bên cạnh đó, các khoản nợ này sẽ được hạch toán ra ngoại bảng, xử lý bằng trái phiếu đặc biệt (tài sản tài chính). TCTD sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ đã bán cho AMC 20% trong năm đầu tiên, năm thứ 2 tiếp tục trích lập 20% và sau 5 năm sẽ chiết khấu hết toàn bộ khoản nợ.
Như vậy, thông qua biện pháp kỹ thuật trích lập dự phòng rủi ro, đánh thẳng vào lợi nhuận ngân hàng bằng cách bắt các NHTM phải giảm lợi nhuận, thậm chí trừ vào vốn tự có để xử lý nợ xấu. Nếu không muốn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, ngân hàng buộc phải đẩy mạnh tín dụng ra thị trường để tăng thêm lợi nhuận bù đắp cho phần trích lập trên. Và trái phiếu đặc biệt là phương tiện để đảm bảo thanh khoản, gây sức ép để ngân hàng đẩy vốn ra.
Về việc trích lập dự phòng rủi ro, nhiều TCTD có thể tìm cách lách, cho rằng đó chưa phải là nợ xấu và không trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng khi AMC mua nợ từ TCTD và nhận về trái phiếu đặc biệt, TCTD buộc phải trích lập 20% dự phòng rủi ro tín dụng. Nhờ vậy có thể hạn chế được hành vi gian dối, trốn trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD.
TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận việc mua nợ theo giá sổ sách giúp xử lý nhanh nợ xấu của các TCTD, buộc các TCTD bơm vốn vào nền kinh tế.
TCTD và doanh nghiệp được lợi gì từ việc bán nợ cho AMC
Khi TCTD bán nợ cho AMC, tài sản thế chấp của doanh nghiệp nằm ở AMC thì sẽ không còn tài sản gì để vay vốn tiếp từ ngân hàng. Để hỗ trợ doanh nghiệp khi kẹt vốn và không thể vay ngân hàng do không còn tài sản đảm bảo, AMC giúp biến nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp, tái cơ cấu nợ/giãn nợ, tài trợ trực tiếp (tài trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp) hoặc bảo lãnh cho vay đối với doanh nghiệp.
Về phía các ngân hàng, đối với các khoản nợ ghi nhận vào nhóm 4 và nhóm 5, TCTD sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro theo tỷ lệ lần lượt là 50% và 100%. Tuy nhiên, nếu bán nợ cho AMC, trong năm đầu tiên, TCTD chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro theo tỷ lệ 20%.
Tuy nhiên, TS Nghĩa cho biết thêm, chưa thể khẳng định được chắn chắn việc trích lập dự phòng rủi ro theo phương án nào nhiều hơn. Theo cách tính toán của các ngân hàng, khoản trích lập còn phụ thuộc vào giá trị tài sản đảm bảo (TSĐB). Nếu giá trị TSĐB càng lớn thì phần trích lập dự phòng rủi ro sẽ thấp hơn, nhưng giá trị TSĐB tại các TCTD chỉ được định giá một lần và không được định giá lại trong khi giá trị đã thay đổi nhiều. Đồng thời, các TCTD cũng có nhiều cách để làm tăng giá trị TSĐB để giảm dự phòng trong khi doanh nghiệp cũng được lợi nhận được khoản tiền vay lớn hơn.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ không cần một bộ phận chuyên biệt để thực hiện công tác mua bán tài sản trên thị trường nợ mà công việc này đã có AMC đứng ra đảm nhận.
Và lợi ích dễ nhận thấy nhất là ngân hàng sẽ giảm nợ xấu, bảng cân đối tài sản sẽ sạch hơn và TCTD tăng khả năng cung cấp vốn cho doanh nghiệp.
Minh Hằng (Vietstock)
infonet
|