Thứ Năm, 30/05/2013 17:05

“Gỡ nút thắt cho ngân hàng đang thừa thanh khoản”

"Để xử lý được nợ xấu, cần khẩn trương đưa công ty quản lý tài sản (VAMC) vào hoạt động, từ đó khơi thông dòng tiền đưa vốn vào đầu tư các lĩnh vực hiệu quả. Bởi hiện nay tổng cầu suy giảm, hàng tồn kho cũng đang là nút thắt của tín dụng, do đó Chính phủ cần thêm các giải pháp hút cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng", đại biểu QH đoàn Hải Phòng Trần Ngọc Vinh đề nghị.

Trong phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013, sáng ngày 30/5, nhiều đại biểu lo lắng về thực trạng nền kinh tế hiện nay.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, dấu hiệu suy giảm kinh tế đã rõ ràng hơn. Ông đề nghị làm rõ nguyên nhân để tìm giải pháp phù hợp. Đặc biệt, triển khai tái cơ cấu kinh tế còn rất chậm, chưa thành hệ thống, chưa phân bổ được các nguồn lực.

“Phải thể hiện rõ quyết tâm, tạo mọi nguồn lực, đảm bảo kết quả cao, hướng vào mục tiêu tăng trưởng và an sinh xã hội. Đặc biệt, phải có giải pháp để tháo gỡ nút thắt cho ngân hàng đang thừa thanh khoản…”, đại biểu của Đồng Nai nhấn mạnh.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) trong ý kiến phát biểu đã đánh giá: CPI được kiềm chế, lãi suất ngân hàng đã giảm, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, tuy nhiên hiện vẫn nổi lên những lo lắng về sự suy giảm kinh tế.

Nhìn tình hình kinh tế xã hội qua góc độ thống kê, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, nhiều ý kiến băn khoăn về các chỉ tiêu GDP, giảm nghèo, việc làm… Ông Hiến đặt câu hỏi: Tại sao nhiều địa phương báo cáo GDP cao nhưng GDP của cả nước thấp.

"Cho đến giờ này chúng ta không biết lượng tồn kho bất động sản là 20 nghìn hay 40 nghìn căn hộ với tổng số vốn tồn kho khoảng 50 nghìn hay 80 nghìn tỷ đồng, hay nợ công theo số liệu nào? Ý kiến cử tri lo ngại về công tác thống kê là có thực, nguyên nhân có thể do phương pháp thống kê, nhưng cũng có thể do bệnh thành tích.” – ông Hiến nói thêm.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng lo ngại, hàng hóa đầy nhưng có sức mua kém, ngân hàng thừa thanh khoản song hấp thụ vốn còn yếu nên vẫn có tâm lý ngồi yên chờ thời của nhiều doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần thêm các giải pháp để lấy lại niềm tin cho thị trường.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khẳng định, kinh tế năm 2012 đã khó khăn nhưng năm 2013 vẫn còn tiếp tục theo chiều hướng này. Theo báo cáo của Chính phủ năm 2012 đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu không đạt nhưng trong đó chỉ tiêu về tăng trưởng GDP không đạt khiến cho lo lắng về tình hình kinh tế là có cơ sở. Đặc biệt, hiện nay lãi suất đã giảm, mặt bằng lãi suất bằng với thời điểm năm trước khủng hoảng (năm 2007) nhưng hấp thụ vốn kém là do đâu, phải chăng do tổng cầu suy giảm.

“Trong khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, cần tiếp tục các biện pháp giải phóng hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu, nhưng giải quyết nợ xấu mà chỉ ngành Ngân hàng là chưa đủ.” – Đại biểu Vinh nhấn mạnh.

Theo đề xuất cụ thể của đại biểu Vinh: để xử lý được nợ xấu, cần khẩn trương đưa công ty quản lý tài sản (VAMC) vào hoạt động, từ đó khơi thông dòng tiền đưa vốn vào đầu tư các lĩnh vực hiệu quả. Bởi hiện nay tổng cầu suy giảm, hàng tồn kho cũng đang là nút thắt của tín dụng, do đó Chính phủ cần thêm các giải pháp hút cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng.

Đại biểu Trần Du Lịch đồng tình với 6 giải pháp của Chính phủ đưa ra tại kỳ họp này và ông cũng đề xuất thêm 4 giải pháp nữa, trong đó ông nhấn mạnh: có thể phải nâng trần bội chi ngân sách vượt 48% GDP. Trong điều kiện nguồn vốn hấp thụ tín dụng hạn chế, thì đầu tư công phải hỗ trợ. Ông Lịch cũng đồng tình thành quả kéo giảm lãi suất, nhưng đừng để doanh nghiệp nào có thị trường nhưng chết vì không tiếp cận được vốn. Ngoài ra, NHNN cần tiếp tục linh hoạt chính sách tỷ giá.

Còn theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Chính phủ vẫn phải theo mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đặc biệt phải ưu tiên kiềm chế lạm phát, nếu không lạm phát sẽ rình rập tăng trở lại. Nhưng bên cạnh đó cũng phải quan tâm, hài hòa giữa lạm phát và chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): "Không thể phủ nhận kết quả quản lý thị trường vàng"

Khách quan mà nói, theo tôi, thị trường vàng trong 1 thời gian dài đã phát triển tự phát, không được sự quản lý chặt chẽ, không có định hướng cụ thể, và làm tác động lớn đến tỷ giá và dự trữ ngoại tệ của đất nước. Thời gian qua phải thấy rằng, NHNN đã triển khai có hiệu quả Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ. Không thể phủ nhận một số kết quả bước đầu mà NHNN đã đạt được như: hạn chế tình trạng vàng hóa, chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng, chấn chỉnh vai trò thanh toán, vai trò tiền tệ của vàng nhưng vẫn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong việc mua bán, cất trữ vàng. Thị trường vàng ổn định, đã góp phần ổn định tỷ giá, nhờ vậy cung cầu ngoại tệ cân bằng, nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm. Mặc dù mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới còn đáng kể, nhưng NHNN cho biết đã không ảnh hưởng tới tỷ giá, thị trường ngoại tệ, không gây mất ổn định kinh tế vĩ mô như các giai đoạn trước đây.

Tôi hy vọng thời gian tới sẽ kéo dần giá vàng trong nước và thế giới gần nhau. Thống đốc NHNN đang chỉ đạo, điều hành sát sao để thực hiện điều này. Tuy nhiên, cân bằng cung - cầu phải có thời gian nhưng qua các giải pháp vừa qua tôi tin rằng mục tiêu này sẽ thành hiện thực.


Quang Cảnh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   TienPhongBank và MobiFone hợp tác khuyến mãi hè (29/05/2013)

>   Thống đốc: 'Năm nay VAMC dọn 70.000 tỷ đồng nợ xấu' (30/05/2013)

>   'Thu hẹp chênh lệch giá vàng chỉ là mục tiêu tình thế' (30/05/2013)

>   Quản lý thị trường vàng: Những dòng in đậm của Thống đốc (30/05/2013)

>   Hoãn Thông tư 02: Lợi và hại (30/05/2013)

>   Đại gia thủy sản lừa hàng loạt ngân hàng (30/05/2013)

>   Thông tin tín dụng: Điều không thể thiếu khi cho vay (30/05/2013)

>   Giám sát thị trường tài chính vẫn "đèn ai nấy rạng" (30/05/2013)

>   30.000 tỉ đồng ra thị trường, ngóng chờ vay vốn rẻ (30/05/2013)

>   Mua bán nợ xấu: Mấu chốt vẫn là tiền đâu? (30/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật