Thông tin tín dụng: Điều không thể thiếu khi cho vay
CIC cung cấp nhanh về biến động hoạt động của các ngân hàng chẳng hạn như biến động về vốn, tín dụng... Như vậy, với sự hoạt động theo Thông tư 03/2013/TT-NHNN CIC sẽ cung cấp rất nhiều thông tin mới, nhanh chóng, chính xác đáp ứng được nhu cầu quản lý hoạt động ngân hàng nói chung.
CIC - nơi quản lý TTTD vào, ra
Từ ngày 1/7/2013, Thông tư 03/2013/TT-NHNN (TT03) chính thức có hiệu lực thay thế cho Quyết định 51/2007/TT-NHNN.
Quy định mới này sẽ tăng thêm vai trò đầu mối thông tin tín dụng (TTTD) hơn cho Trung tâm TTTD (CIC), với chủ trương tất cả nguồn ra và vào của TTTD do CIC đảm nhiệm. TT03 được xây dựng với nhiều điểm mới so với QĐ 51, trong đó TT03 quy định 6 đối tượng được khai thác TTTD. Đặc biệt điểm mới nhất của TT 03 lần này quy định thông tin tiêu cực về khách hàng chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm TTTD trong 5 năm và nợ được xử lý bằng dự phòng rủi ro phải được bảo mật và chỉ cung cấp cho NHNN khi có yêu cầu.
Đặc biệt, TT03 quy định quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay (QĐ51 không nêu), trong đó khách hàng vay có quyền khai thác miễn phí TTTD về bản thân 1 lần/năm, có quyền khiếu nại khi TTTD về mình sai sót… TT03 cũng quy định cho CIC quyền được quyết định thu phí dịch vụ cho CIC trên nguyên tắc bảo đảm đủ bù chi phí hoạt động.
Theo ông Phạm Công Uẩn – Giám đốc CIC, hiện mỗi năm yêu cầu cung cấp thông tin theo nhu cầu thực tế của các TCTD tăng trưởng khoảng 30-40%. Tính đến năm 2012, CIC đã cung cấp được khoảng hơn 3 triệu báo cáo tín dụng, giúp các TCTD chấm điểm tín dụng khách hàng, hay sử dụng thông tin trong cho vay.
Đối với các sản phẩm cung cấp cho NHNN, hiện CIC đã cung cấp nhiều sản phẩm cho các đơn vị, vụ, cục của NHNN, mang lại kết quả thực sự trong việc giám sát, quản lý các TCTD hiệu quả. Riêng về phía các chi nhánh NHNN các địa phương, CIC cũng có báo cáo sử dụng trong địa bàn chi nhánh NHNN quản lý. Hiện nay, CIC có đủ nguồn kinh phí để thu thập và mua thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Theo ông Uẩn, nguồn thông tin về một khách hàng vay vốn rất phân tán và không đầy đủ. Ngay như một tổng công ty cũng không hiểu hết về các thành viên của họ nên CIC cũng rất khó khăn trong việc thu thập đầy đủ thông tin về tổng công ty này. CIC đã phải qua rất nhiều kênh thông tin để xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ về đơn vị này, chẳng hạn về các đơn vị thành viên, cơ cấu vận hành… Từ đó CIC mới cung cấp được các báo cáo tín dụng khá đầy đủ, chi tiết như vậy về khách hàng vay vốn cho các TCTD.
Đặc biệt, CIC cung cấp nhanh về biến động hoạt động của các ngân hàng chẳng hạn như biến động về vốn, tín dụng... Như vậy, với sự hoạt động theo TT03 CIC sẽ cung cấp rất nhiều thông tin mới, nhanh chóng, chính xác đáp ứng được nhu cầu quản lý hoạt động ngân hàng nói chung.
Bước “đệm” phân loại nợ theo chuẩn mới
Thông tin Thông tư 02/2013/TT-NHNN (TT02) về phân loại nợ và mức trích lập vừa được lùi thời điểm áp dụng thêm 1 năm, không chỉ giúp cho việc khơi thông dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế, mà sẽ giúp CIC có thời gian chuẩn bị về công nghệ kỹ hơn, cũng như có thời gian tiếp cận xử lý thông tin, dữ liệu theo TT02 một cách chính xác và đầy đủ hơn.
Ông Phạm Công Uẩn cho biết, thời gian qua, khi chưa có quyết định lùi thời điểm áp dụng TT02, nhiều ngân hàng đã đến CIC tìm hiểu thông tin về khách hàng của mình để xếp hạng tín dụng theo quy định mới. Qua CIC họ mới có thể nắm đầy đủ thông tin về khách hàng của mình, biết được các ngân hàng khác xếp hạng tín dụng khách hàng của mình ở mức nào (vì một khách hàng có thể vay vốn ở nhiều ngân hàng). Có trường hợp một DN được xếp hạng là khách hàng loại A của ngân hàng này nhưng đối với ngân hàng khác chỉ ở mức khách hàng loại C.
TT02 cũng yêu cầu các TCTD thường xuyên cung cấp và cập nhật thông tin khách hàng của mình với CIC ít nhất mỗi quý một lần, qua đó, ngân hàng mới có thể biết chính xác tình trạng khách hàng của mình và thực trạng nợ xấu của ngân hàng mình.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Công Uẩn, việc lùi TT02 sẽ giúp các ngân hàng tự xem xét lại hoạt động của mình theo TT02 theo mức độ nào và từ đó có bước “đệm” thực hiện phân loại khách hàng và cách xử lý khách hàng theo chuẩn mới, không gây ra tình huống ngỡ ngàng, lúng túng khi triển khai và xác định được kế hoạch kinh doanh của mình trong tình hình mới. Các TCTD phải tự xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của mình theo tiêu chuẩn mới và có thể so sánh sự đánh giá của mình với sự đánh giá của CIC.
Đối với khách hàng vay, TTTD từ CIC sẽ giúp phân loại khách hàng tốt hay xấu và họ tự biết mình là loại khách hàng nào, họ có quyền tiếp cận tín dụng một cách công bằng. Song song đó, việc minh bạch tình trạng tín dụng của khách hàng sẽ giúp các ngân hàng cho khách hàng vay dựa trên rủi ro, khách hàng rủi ro cao thì lãi suất vay cao và ngược lại.
Hiện CIC đã thu thập được 24,5 triệu hồ sơ khách hàng vay, trong đó 500 nghìn hồ sơ của khách hàng là DN, còn lại 24 triệu hồ sơ là khách hàng cá nhân vay và 1 triệu hồ sơ của chủ thẻ tín dụng. Ngoài thông tin về tín dụng còn có thông tin về nhận dạng, tài sản đảm bảo tiền vay, thẻ tín dụng, thông tin ngoài ngành khác… Hiện nay thông tin về khách hàng được lưu trữ 5 năm. |
Quang Anh
thời báo ngân hàng
|