Hạ lãi suất cho vay: Tùy thuộc vào khả năng từng ngân hàng
Lãnh đạo một số NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, lãi suất giảm là có thật. Bởi các ngân hàng cũng rất lo lắng khi tốc độ giải ngân hiện nay rất chậm, nguy cơ ứ đọng vốn cao, lo sợ lỗ trong năm 2013.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất tùy thuộc vào cơ cấu nguồn vốn, năng lực hoạt động của từng ngân hàng. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất còn tùy thuộc vào mức độ rủi ro của từng món vay nên khó có thể giảm một cách đồng đều được.
Làn sóng hạ lãi suất cho vay ngày càng lan rộng sau khi nhận được sự hỗ trợ khá tích cực từ phía NHNN khi cơ quan này đã hạ thêm 1% các mức lãi suất điều hành. Theo đó, không chỉ các NHTM Nhà nước lớn, mà ngay cả các NHTMCP bậc trung cũng đang hạ thấp dần lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lãi suất cho vay hạ thấp đến đâu còn tùy thuộc vào cơ cấu nguồn vốn, khả năng quản trị của từng ngân hàng. Bên cạnh đó, tín dụng có tăng được hay không còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Vấn đề hiện nay không phải là lãi suất mà là khả năng hấp thụ vốn của DN
|
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế:
Lãi suất cho vay không phải là câu chuyện duy nhất
Việc hạ lãi suất điều hành của NHNN trong tháng 5 vừa qua là hướng đi đúng đắn vì nó sẽ trở thành đòn bẩy cho DN phục hồi.
Bởi khi các mức lãi suất chủ chốt hạ thêm 1%, có nghĩa các NHTM sẽ được vay vốn của NHNN với lãi suất rẻ hơn nên sẽ cho vay ra nền kinh tế ở mức thấp hơn để hỗ trợ DN phục hồi.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay không phải là lãi suất mà do khả năng hấp thụ vốn của DN rất yếu. Thực tế lãi suất từ năm 2012 đến nay đã 8 lần giảm xuống, song các ngân hàng vẫn vắng khách vay vốn. Một phần do các DN không dám vay vốn để kinh doanh. Nhiều DN đã co cụm không dám mở rộng đầu tư mới, thậm chí thu hẹp sản xuất, còn người tiêu dùng tằn tiện trong chi tiêu…
Điều đó cho thấy, nền kinh tế đang rơi vào tình trạng đình trệ trong sản xuất, kinh doanh. Con số 54.000 DN đóng cửa và giải thể trong năm 2012 cao bất thường và đáng báo động, chứ không đơn giản chỉ là hoạt động đào thải của thị trường. Vậy mới thấy, trước thời điểm tháng 5/2013, các gói giải pháp hỗ trợ DN chưa đủ và chưa được thực hiện một cách đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho DN. Trên thực tế, có những giải pháp đúng nhưng việc triển khai còn chậm, như chính sách giãn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN chẳng hạn.
TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội:
Chính sách tiền tệ dư địa không còn lớn
Khả năng kéo lãi suất cho vay giảm xuống hiện không nhiều so với kỳ vọng của cộng đồng DN (dưới 10%/năm). Bởi muốn hạ lãi suất cho vay, thì lãi suất huy động cũng phải hạ tương ứng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát cả năm 2013 là 6,5 - 7% thì lãi suất huy động khó có thể hạ thêm.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là trong bối cảnh hiện nay, tác dụng của công cụ lãi suất không lớn. Thực tế hiện nhiều DN hoàn toàn có thể vay vốn ở mức 8 - 9%/năm nhưng họ không có nhu cầu vay. Nguyên nhân do DN yếu đi nhiều, khả năng hấp thụ vốn không có.
Bởi vậy, nếu chúng ta chỉ trông chờ chính sách lãi suất về tiền tệ là không đủ. Bây giờ, chính sách tiền tệ dư địa không còn lớn nữa và tôi nghĩ rằng trong bối cảnh hiện nay muốn vực dậy nền kinh tế để ngăn chặn tình trạng DN tiếp tục thua lỗ giải thể phá sản thì chúng ta phải dùng đến chính sách tài khoá.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, ngân hàng:
Bước đi thích hợp
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, việc NHNN không kéo ngay trần lãi suất huy động từ 7,5%/năm xuống 7%/năm hay thấp hơn nữa là bước đi thích hợp để giữ cho hệ thống ngân hàng có tính thanh khoản tốt, đặc biệt là những ngân hàng yếu luôn cần dòng vốn huy động.
Ví dụ, 4 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ lạm phát là 2,4% so với cuối năm trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn là 6,61%, một tỷ lệ tương đối cao. Nếu lạm phát vẫn cao, mà lãi suất chủ chốt hạ xuống 1%, đương nhiên người gửi tiền lo ngại lãi suất huy động cũng sẽ được kéo xuống. Họ có thể lấy tiền ra, đi tìm những ngân hàng có lãi suất cao để gửi, hoặc đầu tư vào các kênh khác.
Do đó, tôi cho rằng việc kéo lãi suất chủ chốt xuống tạo điều kiện cho các NHTM cho vay ra với lãi suất thấp hơn cũng như giảm lãi suất các khoản vay cũ để giúp DN tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, đây là việc khó với các NHTM nhỏ, tính thanh khoản kém hơn. Thực tế, vốn đã cho vay ra rồi, bây giờ giảm lãi suất xuống, ngân hàng sẽ chịu thiệt. Do đó, việc chịu lỗ để kéo lãi suất cho vay xuống tùy thuộc vào cách quản lý dòng tiền, tùy vào chính sách kinh doanh của mỗi ngân hàng.
Theo đó, những NHTM yếu, vốn dĩ thường phải huy động với lãi suất cao hơn, nợ xấu lại cao hơn do năng lực quản trị yếu hơn nên sẽ khó có thể giảm mạnh lãi suất đầu ra như các ngân hàng lớn.
Với kỳ vọng lạm phát năm 2013 là 6,5-7% thì lãi suất huy động khó hạ thêm
|
Lãnh đạo một số ngân hàng:
Khó giảm thêm
Lãnh đạo một số NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, lãi suất giảm là có thật. Bởi các ngân hàng cũng rất lo lắng khi tốc độ giải ngân hiện nay rất chậm, nguy cơ ứ đọng vốn cao, lo sợ lỗ trong năm 2013.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất tùy thuộc vào cơ cấu nguồn vốn, năng lực hoạt động của từng ngân hàng. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất còn tùy thuộc vào mức độ rủi ro của từng món vay nên khó có thể giảm một cách đồng đều được.
Bên cạnh đó, nếu không cẩn trọng, cứ đẩy vốn ra ồ ạt như trước đây, nguy cơ “dính” nợ xấu là rất lớn bởi hiện sức khỏe của DN là khá yếu, triển vọng kinh tế cũng chưa mấy khả quan. Bởi vậy, một mặt các ngân hàng cũng rất thận trọng trong việc “chọn mặt gửi tiền”, mặt khác lãi suất cũng khó giảm vì mức độ rủi ro hiện là khá cao.
Vũ Hoàng thực hiện
thời báo ngân hàng
|