Tiền gửi tiết kiệm tăng chậm
Tín dụng tăng trở lại song tăng trưởng huy động vốn trong các ngân hàng lại đang chậm lại. Bởi vậy nhiều ngân hàng đang đắn đo việc có nên tiếp tục giảm lãi suất huy động, nhất là khi giá vàng đang hấp dẫn người dân tích trữ...
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, số dư tiền gửi tiết kiệm từ dân cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong tháng 5 giảm 5% so với tháng 4/2013. Một số ngân hàng phải tăng “chỉ tiêu” huy động vốn khách hàng cá nhân cho nhân viên.
Nhân viên một ngân hàng lớn tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 4/2013 trở về trước, mỗi nhân viên chỉ được giao chỉ tiêu huy động 800 triệu đồng, sang tháng 5 đã được nâng lên đến 1,5 tỷ đồng. “Quá áp lực, nhiều nhân viên ngân hàng phải động viên người thân trong gia đình gửi tiền vào ngân hàng để cho đủ doanh số, khoảng một tháng sau lại rút ra”, nhân viên một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Một lãnh đạo NHNN TP. Hồ Chí Minh xác nhận, tiền gửi tiết kiệm dân cư tại 14 NHTMCP trên địa bàn trong tháng 5/2013 có giảm sau khi một số ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động.
Mặc dù mức lãi suất của các NHTMCP giảm không sâu như các NHTM Nhà nước, nhưng tâm lý người gửi tiền ít nhiều dao động dẫn đến rút tiết kiệm khỏi ngân hàng. Trong khi trong tháng 5 giá vàng trong nước giảm đến 4,22% so với tháng 4/2013, giá USD lại tăng 1,2% cũng tác động đến tâm lý người gửi tiền.
Số liệu dự ước của NHNN TP. Hồ Chí Minh cho thấy, huy động vốn toàn địa bàn đến ngày 23/5 tăng 0,8% so với đầu tháng 5/2013, trong đó tiết kiệm từ dân cư cùng thời điểm chỉ tăng 0,79%. Vị lãnh đạo này phân tích, tăng trưởng huy động vốn gần đây chậm lại so với các tháng đầu năm, còn có nguyên nhân lượng tiền gửi thanh toán giảm mạnh.
Tình trạng tăng trưởng tín dụng miệt mài đuổi theo tăng trưởng huy động vốn đã diễn ra suốt thời gian qua trong các ngân hàng. Tuy nhiên đến tháng 5 tình thế đã thay đổi khi tổng dư nợ tín dụng của TP. Hồ Chí Minh đã tăng đến 1,4% so với tháng 4/2013, điều này cho thấy dấu hiệu phục hồi của tín dụng. Tín dụng tăng trở lại song tăng trưởng huy động vốn trong các ngân hàng lại đang chậm lại.
Bởi vậy nhiều ngân hàng đang đắn đo việc có nên tiếp tục giảm lãi suất huy động, nhất là khi giá vàng đang hấp dẫn người dân tích trữ. Những ngày cuối tháng 5/2013 xoay quanh trong vùng giá 40 triệu đồng/lượng và hứa hẹn tiếp tục ổn định khi các cam kết bình ổn thị trường vàng đang có kết quả.
Lãnh đạo các NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay để chia sẻ với DN, nhưng không nên quá lạm dụng công cụ lãi suất như một hình thức cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau. Nếu tiếp tục coi lãi suất là một đòn bẩy lôi kéo khách hàng vay vốn có thể đến một lúc nào đó “đòn” lãi suất sẽ phản lại ngân hàng, ngân hàng sẽ lại hổng chân vì thiếu hụt thanh khoản.
Phó tổng giám đốc một NHTMCP Nhà nước cho biết, người gửi tiền luôn cần lãi suất cao trong khi người vay tiền lại muốn lãi suất càng thấp càng tốt. Điều đó đang tạo áp lực lớn đến các ngân hàng, bởi chi phí cũng chỉ có thể tiết giảm đến một giới hạn nhất định chứ không thể giảm mãi được.
“Lãi suất là giá của đồng vốn được thiết lập trên cơ sở cung – cầu cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên gửi tiền và đi vay vốn. Nếu chỉ thấy DN kêu lãi suất cho vay cao mà cố đẩy lãi suất tiết kiệm xuống thấp có thể các ngân hàng sẽ không huy động được vốn để cho vay chứ không nói gì đến vốn giá thấp hay giá cao nữa”, vị lãnh đạo trên nói.
Phạm Hà Nguyên
thời báo ngân hàng
|