Hoãn Thông tư 02: Lợi và hại
Việc hoãn thực hiện một số quy định pháp lý không phải là một chủ đề mới, và thường gây tổn thương đến niềm tin thị trường. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh Thông tư 02 đang mang đến hy vọng về một cuộc cải cách trong việc phân loại nợ, kiểm soát rủi ro và giải quyết nợ xấu ngân hàng.
* NHNN hoãn thi hành Thông tư 02 qua 01/06/2014
Kết quả kinh doanh năm 2013 của các ngân hàng sẽ khả quan hơn?
Các ngân hàng đã tổ chức đại hội cổ đông năm 2013 và hầu hết đều đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng so với các năm gần đây.
Việc hội đồng quản trị của các ngân hàng đồng loạt đề xuất kế hoạch thận trọng là điều có thể hiểu được, khi hoạt động ngân hàng trong năm 2013 hứa hẹn vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động cho vay vẫn chưa có nhiều cải thiện. Ngay cả khi lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm thì việc gia tăng dư nợ cho vay cũng không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.
Mặt bằng lãi suất cho vay giảm trong thời gian qua cũng khiến cho nguồn doanh thu chính của các ngân hàng sụt giảm. Trong khi đó, nợ xấu được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn.
Thông tin “tích cực” nhất đối với các ngân hàng trong thời gian qua có lẽ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định hoãn áp dụng Thông tư 02 thêm một năm sang ngày 01/06/2014.
Với tài sản có được yêu cầu trích lập dự phòng tăng lên và thực hiện phân loại nợ chặt chẽ hơn so với Quyết định 493, việc áp dụng Thông tư 02 được dự báo sẽ đẩy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng tăng cao so với hiện nay.
Hiệu quả ít nhưng “tác dụng phụ” thì nhiều?
Một điều chắc chắn là việc hoãn Thông tư 02 sẽ giúp lợi nhuận của nhóm ngân hàng năm 2013 không bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của yếu tố pháp lý, kế toán. Tuy nhiên, các “tác dụng phụ” có vẻ nhưng không phải là ít.
Đánh giá đúng thực trạng nợ xấu tiếp tục là câu hỏi khó trả lời. Trong khi NHNN đang trong quá trình đẩy mạnh giải quyết nợ xấu, thì việc không thể xác định đúng và đủ nợ xấu sẽ khiến quá trình xử lý nợ xấu càng thêm khó khăn. Với việc hoãn áp dụng Thông tư 02, các khoản nợ xấu sẽ tiếp tục được “trì hoãn” cho đến khi nền kinh tế “hồng hào” trở lại.
Khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng. Hoãn Thông tư 02 cũng có thể khiến các ngân hàng nới lỏng việc kiểm soát chất lượng trở lại, trước áp lực tăng trưởng. Trong kịch bản này, nợ xấu hoàn toàn có khả năng vẫn tiếp tục đứng ở mức cao, hoặc tăng mạnh ở giai đoạn sau đó.
Niềm tin của thị trường bị tổn thương. Việc hoãn thực hiện một số quy định pháp lý không phải là một chủ đề mới, và thường gây tổn thương đến niềm tin thị trường. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh Thông tư 02 đang mang đến hy vọng về một cuộc cải cách trong việc phân loại nợ, kiểm soát rủi ro và giải quyết nợ xấu ngân hàng.
Duy Nam (Vietstock)
INFONET
|