Thứ Năm, 27/06/2013 08:53

Sôi động chào mua CTCK Việt

NĐT ngoại coi việc đầu tư vào CTCK nhỏ là cơ hội để tiếp cận lĩnh vực này tại Việt Nam. Tuy nhiên, mua thành công một CTCK là điều không đơn giản.

Hai thương vụ bất thành

Tháng 5/2012, CTCK của Nhật Bản là Arts Securities và Công ty TNHH Vietnam Investment Partners tiếp cận CTCP Chứng khoán Việt Quốc để mua lại công ty này. Mất khoảng nửa năm theo đuổi, khi thương vụ mua lại Chứng khoán Việt Quốc tưởng như sắp kết thúc, thì cũng là lúc phát sinh một số vấn đề, khiến NĐT từ chối mua.

Sau thương vụ mua lại Chứng khoán Việt Quốc bất thành, mục tiêu tiếp theo của hai NĐT nói trên là CTCP Chứng khoán VIT (VIT Securities). Ngày 2/5/2013, website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố thông tin về việc Ủy ban chấp thuận chuyển nhượng 100% vốn từ nhóm cổ đông của VIT Securites. Bên nhận chuyển nhượng là Arts Securities (mua 19,9% vốn điều lệ), Vietnam Investment Partners (mua 75,1% vốn điều lệ) và ông Phạm Đình Quý (mua 5% vốn điều lệ). Với thông tin này, ai cũng nghĩ mọi việc đã được thỏa thuận xong xuôi, VIT Securities về với chủ mới, nhưng một nguồn tin của ĐTCK cho biết, thương vụ này đến nay lại bất thành.

“Có thể do mức giá bán quá rẻ khiến các cổ đông của VIT Securities suy nghĩ lại, vì NĐT mới hiện nay mua các CTCK chủ yếu là nhằm mua giấy phép thành lập công ty”, nguồn tin nói.

Sau khi thương vụ mua bán cổ phần tại VIT Securities không thành công, thông tin mua CTCK đồng loạt được các môi giới chào ra thị trường, tập trung vào các CTCK nhỏ.

“Lâu lắm rồi tôi mới lại thấy chào mua CTCK sôi động như vậy. Lần gần nhất cũng là giai đoạn năm 2009”, một môi giới trong lĩnh vực này cho biết.

NĐT e ngại những CTCK có tình hình tài chính không rõ ràng

Hai lý do chủ yếu

Trên thực tế, câu chuyện của Arts Securities và Vietnam Investment Partners chỉ là một ví dụ trong rất nhiều nỗ lực tìm mua CTCK Việt Nam của các NĐT trong và ngoài nước. Từ nửa cuối năm 2012 đến nay, TTCK đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về cổ đông lớn tại các CTCK, như tại CTCK Việt Quốc, CTCK Hùng Vương, CTCK Châu Á, CTCK Quốc tế Việt Nam, CTCK Vina… Đây là những CTCK công khai thông tin chuyển nhượng cổ phần. Ngoài số công ty này, Đầu tư Chứng khoán cũng ghi nhận một số trường hợp đến thời điểm này đã có tới 2 lần “thay máu” cổ đông, nhưng không thực hiện công bố thông tin. Có thể nói, thị trường chuyển nhượng CTCK đang dần trở nên sôi động. Tuy nhiên, để mua được một CTCK hoàn chỉnh là điều không đơn giản, ngoài câu chuyện “thuận mua, vừa bán”.

Trong một trường hợp mà Đầu tư Chứng khoán ghi nhận, việc mua bán CTCK sau thời gian khá dài tìm hiểu, thương lượng đã bị thất bại do phía bên mua là NĐT nước ngoài chỉ đàm phán khi mua lại được khoảng 80% vốn điều lệ của công ty. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu trên 49% và dưới 100% vốn điều lệ tại CTCK. Do không tìm được tiếng nói chung từ các cổ đông CTCK trong quyết định bán cổ phần, NĐT mới đành chào thua, vì một trong những điều kiện quan trọng để phía NĐT bỏ tiền mua CTCK (bất kể NĐT nội hay ngoại) là phải mua toàn bộ vốn, hay ít nhất là mua chi phối.

Lý do thứ hai dẫn đến sự thất bại trong các thương vụ mua bán CTCK là các NĐT mới, nhất là NĐT ngoại, khá e dè với những vướng mắc tài chính tồn đọng của CTCK trong giai đoạn cũ. Tại nhiều CTCK, cổ đông muốn bán vốn, sẵn sàng đàm phán giá, nhưng do công ty có nhiều khoản tài chính chưa rõ ràng, hoặc đang trong giai đoạn tranh chấp, khiến NĐT ngoại e dè, thận trọng.

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   27/06: Bản tin 20 giờ qua (27/06/2013)

>   04/07: Bản tin 20 giờ qua (04/07/2013)

>   Những thương vụ M&A đáng chú ý qua mùa ĐHĐCĐ thường niên 2013 (03/07/2013)

>   Đề xuất tách UBCK ra khỏi Bộ Tài chính (26/06/2013)

>   NHTW Na Uy liên tục gom bluechips Việt (26/06/2013)

>   Sách “Phân tích Kỹ thuật từ A đến Z” đã được tái bản (10/07/2013)

>   Sau HNX 30 sẽ là các bộ chỉ số chuyên biệt mới (26/06/2013)

>   TS. Quách Mạnh Hào: MBS thay đổi để tạo nên những giá trị mới (26/06/2013)

>   26/06: Bản tin 20 giờ qua (26/06/2013)

>   Chuyên gia nói gì về phiên “rơi tự do” 25/06? (25/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật