Thứ Tư, 03/07/2013 14:59

Những thương vụ M&A đáng chú ý qua mùa ĐHĐCĐ thường niên 2013

Sức tiêu thụ giảm mạnh, kinh doanh khó khăn, lãi suất cao.. đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Theo chân những ĐHĐCĐ năm 2013, hoạt cảnh về con đường thoát thân, những thương vụ thâu tóm và những chính sách của các ông chủ mới dần hé lộ.

MKV: Austfeed Viet Nam lên ngôi

Trường hợp của CTCP Dược Thú Y Cai Lậy (HNX: MKV), việc chấp nhận thâu tóm để hoạt động kinh doanh được phát triển hơn đã lộ rõ từ quý 4/2012 khi công ty quyết định phát hành số lượng cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn dành cho đối tác chiến lược.

Cụ thể, cuối năm 2012, MKV phát hành hơn 1.8 triệu cổ phiếu, trong đó, phát hành cho Công ty Austfeed Việt Nam đến 1,059,983 cổ phiếu (chiếm gần 40% vốn MKV). Tới ngày 22/2/2013 Austfeed đã mua hết số cổ phiếu trên, nâng tỷ lệ sở hữu lên 57.19%, trở thành cổ đông lớn nhất và nắm quyền chi phối tại MKV. Austfeed Việt Nam là công ty liên doanh giữa Việt Nam - Australia chuyên sản xuất và phân phối thức ăn gia súc.

Ngoài Austfeed Việt Nam, CTCP Chứng Khoán MB (MBS) cũng gom mua, đến ngày 11/3/2013, MBS bất ngờ nắm giữ 13.69% vốn của MKV trong khi trước đó không nắm giữ cổ phiếu nào.

Tuy nhiên, sau đó dần xuất hiện sự tháo chạy của chủ cũ. Nổi bật và được công bố rộng rãi là việc Chủ tịch HĐQT, bà Thẩm Thị Thúy đã bán hết 54,720 cổ phiếu, tương ứng 4,87% vốn của MKV.

ĐHĐCĐ ngày 18/4 vừa qua là khâu cuối cùng của quá trình thâu tóm này. Các thành viên HĐQT cũ của MKV đồng loạt từ nhiệm, thay vào đó, với tỷ lệ sở hữu hơn 57% vốn của MKV, Công ty Austfeed Việt Nam cử 3 thành viên tham gia HĐQT và nắm giữ những vị trí cấp cao như Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT. MBS với tỷ lệ sở hữu gần 14% cũng cử 1 thành viên tham gia HĐQT.

CTCK đổi chủ hàng loạt

Ở CTCP Chứng khoán An Phát (HNX:APG) là sự tháo chạy của các cổ đông lớn và chuyển giao quyền lực lại cho một nhóm mới muốn hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Vấn đề này tại công ty diễn ra khá rầm rộ cho đến ngày 17/5/2013.

Xuất phát từ nhân vật cấp cao của APG, bà Trần Kim Phương – Chủ tịch HĐQT APG (nắm hơn 12% vốn APG). Bà cùng mẹ và hai con gái thực hiện bán dần toàn bộ hơn 26% vốn cổ phần đang sở hữu.

Ba thành viên trong HĐQT là ông Nguyễn Cương, ông Trịnh Trung Chính và bà Trần Thị Thanh Thuỷ thoái sạch vốn. Ngoài ra, bà Ngô Thị Ngát - Trưởng Ban kiểm soát cũng bán hết số cổ phần của mình tại APG.

Những công ty liên quan như công ty Tân Hoàng Huy nắm 405,000 cp (tỷ lệ 2.99%), CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang nắm 1,215,000 cp (tỷ lệ 8.98%) cũng rút sạch vốn tại APG.

Việc tháo chạy của các thành viên tại APG, đồng nghĩa với việc thu gom cổ phiếu của các nhân vật bên ngoài. Đến ngày 3/5/2013, nhân vật mới xuất hiện - ông Tống Trường Sơn nắm giữ hơn 2.7 triệu cp với tỷ lệ hơn 20% vốn APG. Còn ông Nguyễn Hồ Hưng trở thành cổ đông lớn từ ngày 24/4/2013 khi nắm giữ gần 700 ngàn cp APG, tương ứng hơn 5% vốn. Được biết, trước đó ông Sơn và ông Hưng không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của APG.

Tới ngày 17/5/2013, APG chính thức đổi chủ, HĐQT được thay mới toàn bộ. Cụ thể, ông Nguyễn Hồ Hưng được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Trần Thiên Hà giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT bao gồm bà Phùng Thị Minh Phúc, ông Nguyễn Anh Dũng và ông Đinh Quốc Thắng.Trong đó, ông Trần Thiên Hà từng là Tổng giám đốc công ty.

Ngoài APG, CTCP Chứng khoán VIT đã “thay máu” 100% số cổ đông đang sở hữu. Ba cổ đông cũ là CTCP Tập đoàn VIT (chiếm 63.02% vốn), bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (chiếm 36,55% vốn) và ông Nguyễn Trí Quang (chiếm 0.43% vốn) bán cổ phần cho 3 NĐT mới là: CTCK Arts Securities Co Ltd (Nhật Bản, mua 19.9% vốn), Công ty TNHH Việt Nam Investment Partners (mua 75.1% vốn), ông Phạm Đình Quý (mua 5% vốn).

Tại Chứng khoán Hùng Vương, bà Nguyễn Thị Lan Anh bán toàn bộ số cổ phần đang sở hữu, chiếm 14.94% vốn điều lệ cho ông Tong Chin Hen. Với việc mua này, ông Tong Chin Hen đã nâng số cổ phần nắm giữ lên hơn 2.28 triệu cổ phần (45,51% vốn điều lệ).

Trường hợp còn lại là Chứng khoán Châu Á, cổ đông lớn là Công ty TNHH Dịch vụ Kinh doanh giải pháp đã bán toàn bộ 21.86% vốn điều lệ cho CTCP Thương mại và Dịch vụ Hoàn Lộc Việt.

HAX: Cổ đông cá nhân bùng lên

Bên cạnh việc các tổ chức đứng ra mua-bán cũng xuất hiện việc cổ đông cá nhân chấp nhận mua thêm cổ phần, giành quyền kiểm soát. Đó là trường hợp của CTCP Dịch vụ Ô Tô Hàng Xanh (HOSE: HAX) với nhân vật chính là Ông Đỗ Tiến Dũng.

Ông Dũng tại một cuộc họp

 Nhận định tình hình công ty không được tốt, ban lãnh đạo công ty chưa làm hết sức mình để vực dậy trong công, tình hình thua lỗ liên tục xảy ra trong thời gian dài, ông Dũng và gia đình đã lên phương án tham gia vào ban điều hành công ty.

Để bắt đầu cho kế hoạch này, ngày 12/03/2013, ông Đỗ Tiến Dũng mua thành công gần 2 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông và cũng là cổ đông cá nhân lớn nhất của HAX với tỷ lệ nắm giữ 17.8% vốn. Trước đó, những thành viên trong gia đình ông đã nắm giữ 12.03% vốn của HAX.

Tính đến thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2013, ông Dũng đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu lên đến gần 32% vốn tại HAX theo phát biểu của Ban kiểm soát và Tổ thư ký trước Đại hội. Với tổng tỷ lệ nắm giữ này, ông Dũng chính thức tham gia HĐQT và kiêm thêm chức danh Tổng giám. Ngoài ông Dũng, một thành viên trong nhóm cũng trúng cử vào HĐQT là ông Vũ Quang Huy.

Ông Dũng là người đã có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực Ô tô, ông đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Ô tô Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Ô tô PTM (HNX: PTM).

BMPNTP: Cổ đông ngoại ngoài mong đợi

Là trường hợp của hai công ty nhựa lớn là Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP). Với sự xuất hiện đầy bất ngờ bằng cách gom mua cổ phiếu trên sàn của cổ đông lớn Thái Lan là The Nawaplastic Indutries (Saraburi) đồng thời ở cả hai doanh nghiệp trong năm 2012, và đến kỳ ĐHĐCĐ năm 2013 này, họ đã lần lượt đưa người vào HĐQT và BKS.

Saraburi cử ông Suchai Asvathavornvanit làm Thành viên HĐQT tại BMP, cử ông Sakchai Patiparnpreechavud vào HĐQT và ông Praween Wirotpan vào BKS của NTP.

Saraburi hiện đã nâng tỷ lệ nắm hữu tại NTP và BMP lên lần lượt 20.4% và 23.84%. Mặc dù nắm lượng cổ phần tương đối cao nhưng Saraburi chưa thể nắm quyền chi phối bởi tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước (SCIC) vẫn dẫn đầu. SCIC lần lượt nắm giữ 37.1% và 29.6% tại NTP và BMP. Ngoài SCIC và Saraburi, NTP còn có một cổ đông lớn nữa là Red River Holding (7.08%), còn BMP có Franklin Templeton Investment Funds – Templeton Frontier Markets Fund (8.73%).

Tuy nhiên, dường như Saraburi chưa dừng lại ở đó. Trong một phát biểu trả lời phỏng vấn Bangkok Post hồi tháng 4/2012 ông Kanet Khaochan, Giám đốc điều hành Saraburi cho biết sẽ xem xét nâng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty lên đến 49% (đây là mức sở hữu tối đa đối với nhà đầu tư ngoại).

Duy Hoàng

Infonet

Các tin tức khác

>   VTF: 09/07 GDKHQ nhận cổ tức 12% bằng tiền và cổ phiếu tỷ lệ 3:1 (26/06/2013)

>   Ai sợ thôn tính doanh nghiệp? (26/06/2013)

>   SEL và SINCO sẽ sáp nhập vào SJE (26/06/2013)

>   Hợp nhất SBS-PNS: Hai thuận lợi và hai “trục trặc” lớn nhất (26/06/2013)

>   Tăng sức mạnh cho doanh nghiệp niêm yết (25/06/2013)

>   DHM: Dự kiến phát hành 8 triệu cp giá 10,000 đồng/cp (24/06/2013)

>   DHM: Thông qua hồ sơ phát hành cổ phiếu (24/06/2013)

>   VCSC: Sự kỳ vọng của DN quyết định số phận thương vụ M&A (24/06/2013)

>   Vận tải Hóa dầu VP: Chào bán 6.5 triệu cp giá 10,000 đồng/cp (22/06/2013)

>   HVX: Phát hành hơn 21 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (21/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật