Ai sợ thôn tính doanh nghiệp?
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đưa ra quan điểm: trong bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên có cổ đông chiến lược có uy tín vì nó làm tăng tính an toàn cho các khoản đầu tư tài chính, trong những lúc doanh nghiệp lâm nguy, cổ đông chiến lược có thể nhanh chóng giúp toàn thể cổ đông trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh… Tránh cho việc quản trị doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào vài người…
Đó là câu hỏi được Hiệp hội các NĐT tài chính (VAFI) tìm lời giải trong một phân tích mới đây. Theo VAFI, nền kinh tế trong tình trạng gặp khó khăn, khủng hoảng thì phong trào M & A càng có điều kiện và cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Việc mua bán, hợp nhất, sáp nhập DN… có thể diễn ra theo phương thức tự nguyện hay không tự nguyện. Trong đó hình thức M & A theo phương thức tự nguyện có thể nhằm cấu trúc tình hình tài chính công ty mẹ hoặc loại bỏ khoản đầu tư không hiệu quả hoặc phát triển công ty con; thu hút NĐT chiến lược để huy động vốn, thu hút phương thức quản trị DN, giảm thiểu cạnh tranh hoặc để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Tổng kết từ thực tiễn thì các thương vụ M & A theo phương thức tự nguyện đang ngày càng phát triển và mang tính hội nhập, chiếm trên 90% các thương vụ mua bán hợp nhất sáp nhập DN. Những thương vụ M & A này thường diễn ra suôn sẻ thuận lợi và tất cả các bên đều có lợi, duy chỉ có vài chức danh như Giám đốc điều hành, Phó giám đốc… của DN bị M & A là có thể phải thay đổi. Với những người này nếu có năng lực thì được giữ lại hoặc điều chuyển về công ty mẹ, nếu không đủ năng lực sau M & A thì phải ở vị trí công tác thấp hơn…
Với hình thức M & A theo phương thức không tự nguyện, bên mua thường là đối tác cùng ngành nghề với DN, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản trị hơn nhiều so với đối tượng mua. Việc mua cổ phần được bên mua toan tính để có lợi nhất. Việc mua cổ phần chi phối, từ các cổ đông lớn không đơn giản và bao giờ giá cũng cao hơn so với giá thị trường niêm yết.
Vậy ai có lợi với phương thức mua DN không tự nguyện. Câu trả lời là tất cả cổ đông công ty là người chủ của DN và đa phần cổ đông DN đều vui mừng.
Sự “khó tin” này được VAFI lý giải: Có đối tác chiến lược lớn sẽ tham gia trực tiếp điều hành DN, những khó khăn của DN về vốn, thị trường và nhân sự quản lý sẽ được giải quyết tốt hơn… Cổ phiếu tăng giá liên tục vì có sức cầu lớn từ NĐT chiến lược và từ các nhà đầu cơ. Hầu hết các cổ đông, kể cả cổ đông Nhà nước sẽ tránh khỏi chuyện thua lỗ do đầu tư tài chính, thậm chí có thể thu lời lớn qua thương vụ thôn tính DN từ NĐT chiến lược.
Nguy cơ mất việc, mất hay giảm thu nhập của người lao động là không còn, thậm chí thu nhập của người lao động sẽ tăng lên – đây là một thực tế phổ biến. Các chủ nợ cũng có lợi vì nợ xấu và nguy cơ mất vốn sẽ bị giảm thiểu đi nhiều.
Vậy ai không có lợi trong thương vụ này?! Không khó nhìn ra đó là những vị trí điều hành chủ chốt trong DN bị thôn tính sẽ được sắp xếp theo hướng những nhân sự không đủ năng lực sẽ bị điều chuyển. Tuy nhiên, chưa chắc đã phải là xấu, bởi hồi quy “tái ông mất ngựa” khi một vài vị trí như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc điều hành bị thay thế vì yếu kém năng lực nhưng lại có cơ hội nhận được gói bồi thường lớn từ NĐT chiến lược. Bồi thường ở đây là bồi thường về lương thưởng và giá mua cổ phiếu rất cao…
Như vậy, thay vì dùng mọi thủ đoạn không hợp luật để chống lại, VAFI cho rằng những hành động “fair play” liên quan đến chuyện thôn tính hay nguy cơ thôn tính DN cần biểu dương nhân rộng. Thực tế đã chứng tỏ rằng các Ban quản trị DN đã thu được rất nhiều lợi ích, thu nhiều lợi ích hơn NĐT chứng khoán, kể cả trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng.
VAFI minh chứng sự kiện công ty NawaPlastic của Thái Lan mong muốn trở thành cổ đông lớn của CTCP Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong thông qua con đường chào mua thỏa thuận với các cổ đông nước ngoài với mức giá cao hơn nhiều so với giá niêm yết (nhưng vẫn ở mức giá hợp lý). Ấn tượng nhất là quan điểm của Chủ tịch HĐQT BMP: Ông hoan nghênh sự có mặt của NĐT Thái Lan, Ban lãnh đạo BMP không e ngại bị cổ đông chiến lược nước ngoài chi phối.
Theo quan điểm của VAFI thì trong bất kỳ DN nào cũng nên có cổ đông chiến lược có uy tín vì nó làm tăng tính an toàn cho các khoản đầu tư tài chính, trong những lúc DN lâm nguy, cổ đông chiến lược có thể nhanh chóng giúp toàn thể cổ đông trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh… Tránh cho việc quản trị DN chỉ phụ thuộc vào vài người…
Ngọc Linh
Thời báo ngân hàng
|