Thứ Sáu, 28/06/2013 21:53

Phải có cơ chế bán khống trước khi ra đời thị trường phái sinh

Theo lộ trình, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải xây dựng Nghị định về chứng khoán phái sinh trình Chính phủ vào cuối năm nay. Quá trình chuẩn bị và các văn bản thông tư hướng dẫn chi tiết để vận hành sẽ đưa ra vào đầu năm 2014. Dự kiến, năm 2015-2016 các sản phẩm có thể đưa vào triển khai thực hiện.

Trong đó, một vấn đề quan trọng để triển khai thị trường phái sinh là hoàn thiện khung pháp lý về bán khống. TS. Nguyễn Sơn cho biết thêm: “Có thị trường phái sinh mà không có cơ chế bán khống là không thể thực hiện được”.

Cũng theo phát biểu của ông Sơn tại hội thảo “Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam” diễn ra sáng 28/06 tại TPHCM, TTCK phái sinh sẽ được phát triển trên nền tảng tài sản cơ sở là các chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK. Chứng khoán phái sinh chuẩn hóa sẽ là các hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai được giao dịch trên sàn chứng khoán phái sinh tập trung.

Các tài sản cở sở có thể là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư hoặc chỉ số chứng khoán. Việc lựa chọn các tài sản cở sở theo ông Sơn là rất quan trọng. Tài sản cơ sở phải có mức độ biến động giá nhất định bởi nguồn gốc căn bản khi hình thành thị trường chứng khoán phái sinh là do những biến động khôn lường của giá cả hàng hóa, tiền tệ hay chứng khoán.

Về cơ chế thanh toán, ông Sơn cho biết cần phải một trung tâm thanh toán bù trừ đóng vai trò là một đối tác trung tâm (CCP) bên cạnh hệ thống đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán như hiện nay của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD). CCP sẽ đóng vai trò trung gian trong mua bán và là người chịu rủi ro cuối cùng và trực thuộc VSD.

Hiện hệ thống CCP này cũng đang được UBCK triển khai.

Về mô hình thanh toán, sẽ có hai hình thức là bằng tiền mặt và vật chất. Với phái sinh chỉ số thì thanh toán bằng tiền mặt, còn trái phiếu và cổ phiếu thì thanh toán vật chất hoặc tiền mặt. Ông Sơn chia sẻ, vấn đề này đang còn bàn luận và chưa có quyết định.

Ông Sơn cũng đưa ra một vấn đề khác, đó là khả năng thao túng khi thanh toán bằng bằng tiền mặt hay vật chất rất cần được xem xét.

Sản phẩm phái sinh phải được xây dựng trên các chứng khoán sẵn tính thanh khoản

Ông Phạm Ngọc Bích – Giám đốc khối khách hàng tổ chức CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, đa số cổ phiếu trên TTCK Việt Nam có thanh khoản kém, chỉ tầm 20 cổ phiếu có vốn hóa thị trường và thanh khoản cao. Ngoài ra, mặc dù vốn hóa thị trường của nhiều cổ phiếu cao nhưng tỷ lệ cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng trên giá trị vốn hóa của nhiều cổ phiếu lại rất thấp (dưới 5%). Hơn nữa, nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế room đầu tư cũng góp phần hạn chế cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Ông Bích nhìn nhận, TTCK Việt Nam vẫn chưa cho phép giao dịch cổ phiếu trong ngày và chưa có phương tiện cho vay và vay chứng khoán để cho phép các thành viên, market makers và nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể mua bán khống dễ dàng trong việc quản lý rủi ro trạng thái trên TTCK.

Hiện mức biến động giá các cổ phiếu niêm yết khá cao so với các nước trong khu vực do các chính sách vĩ mô chưa ổn định.

Vì những vấn đề đó, ông Bích cho rằng các sản phẩm phái sinh phải được xây dựng trên các chứng khoán đã có sẵn thanh khoản cao và phải thu hút nhiều người tham gia. Đặc biệt pháp chế không nên hạn chế sự tham gia của các thành viên thị trường quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài, vì các thành phần này có nhiều kinh nghiệm và vốn để đem lại thanh khoản và tính tích cực cho TTCK phái sinh.

Ông Bích cũng đưa kiến nghị có thể triển khai chứng khoán phái sinh đối với 1 chứng khoán có thanh khoản cao nhất trước.

Có thể bắt đầu từ hợp đồng tương lai

Trên quan điểm của mình, TS. Quách Mạnh Hào cho biết, mặc dù phái sinh là công cụ rào chắn rủi ro nhưng sau khi sử dụng có thể thấy đây là một công cụ mang tính chất đầu cơ. Về bản chất là công cụ phòng tránh rủi ro nhưng về lâu dài lại tạo ra các trạng thái rủi ro mà nếu không được quản lý hiệu quả sẽ dẫn đến rủi ro lớn cho người sử dụng và cả hệ thống.

Về hình thành thị trường phái sinh, ông cho rằng có 3 nhân tố quan trọng là tính thanh khoản, pháp lý và công nghệ. Trong đó, pháp lý là vấn đề nóng đang được trao đổi ở thị trường Việt Nam.

Thông lệ là điểm cực kỳ quan trọng, để phát triển thị trường phái sinh cần làm cho người tham gia thị trường biết cách hành xử thông thường đối với thị trường bởi luật pháp và pháp lý về thị trường phái sinh khá mới.

Yếu tố thanh khoản là rất quan trọng, nếu có thanh khoản sẽ giúp cho hàng hóa trên thị trường không bị chi phối bởi bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào.

Ông cũng đề xuất bước đi cho thị trường phái sinh:

Bán khống là vấn đề cần thiết, là điểm đầu tiên cần phát triển. Bán khống sẽ làm dần hình thành khung pháp lý, hình thành thông lệ cho nhà đầu tư về rủi ro phát sinh trong tương lai.

Bắt đầu bằng việc nghiên cứu công cụ phái sinh về mặt chỉ số. Có thể bắt đầu từ hợp đồng tương lai cho đến quyền chọn. Ông cho rằng chỉ số chứng khoán tại Việt Nam mang tính minh bạch ở mức độ chấp nhận được.

Về hoàn thiện thị trường, ông Hào kỳ vọng 5-7 năm mới có thể bắt đầu ổn định.

Thị trường phái sinh rất cần đến các nhà đầu cơ

Theo TS. Vũ Đình Ánh, thị trường chứng khoán phái sinh nên phát triển luôn, không cần đợi đến khi thị trường chứng khoán hoàn thiện. Ngoài ra, thị trường phái sinh rất cần đến các nhà đầu cơ, thị trường phái sinh phục vụ cho các nhà đầu cơ, nhà đầu cơ ôm sẽ rủi ro cho nhà đầu tư.

Ủng hộ hoàn toàn việc thành lập thị trường phái sinh, ông Ánh cho rằng thị trường phái sinh thật ra đang tồn tại nhưng không chính thức và công khai. Thị trường phái sinh rất phức tạp và rủi ro, vì vậy cần thành lập một khung pháp lý vững chắc và phù hợp.

Duy Hoàng ghi

infonet

Các tin tức khác

>   TS. Nguyễn Sơn: 4 vấn đề chính yếu trong xây dựng đề án chứng khoán phái sinh (28/06/2013)

>   Bàn về mô hình thị trường phái sinh ở Việt Nam (01/06/2013)

>   TTCK phái sinh, phải hiểu thấu vấn đề (23/04/2013)

>   Chứng khoán phái sinh vướng chính sách (17/04/2013)

>   Sắp công bố dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh (08/03/2013)

>   Lại ngóng… sản phẩm phái sinh (30/01/2013)

>   Lộ trình cho chứng khoán phái sinh tại Việt Nam (19/01/2013)

>   Thị trường chưa “mặn mà” với sản phẩm phái sinh (28/08/2012)

>   “Hi vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có công cụ phái sinh” (29/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật