Thứ Tư, 26/06/2013 06:55

Nông nghiệp mòn mỏi với chính sách

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá lương thực tháng 6.2013 tiếp tục giảm 0,62%, thực phẩm giảm 0,03%. Như vậy, đã bốn tháng liên tiếp, chỉ số giá của hai nhóm hàng thiết yếu này giảm. Giá lương thực, thực phẩm giảm trong khi người sản xuất ở nông thôn đang thua lỗ, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng phản ánh các chính sách hỗ trợ sản xuất, kích thích tiêu dùng, khai thông đầu ra cho lĩnh vực này chưa hiệu quả.

Ngày càng có nhiều trại gà bỏ trống nhưng người chăn nuôi không nhận được các chính sách hỗ trợ

Đã hai tháng nay, khu trại gà công nghiệp có công suất 60.000 con của gia đình ông Nguyễn Khánh ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, phải bỏ không. 12 công nhân nuôi gà bây giờ chỉ còn được chủ trại giữ lại tám người. Công việc chính của họ là nhặt cỏ dại, vệ sinh chuồng trại. Dẫn chúng tôi đi thăm từng trại gà được lắp đặt các thiết bị ngoại nhập, tiên tiến hiện nay, ông Khánh cho biết: “Cách nay hơn hai năm, tôi vay 10 tỉ đồng từ ngân hàng đầu tư, vốn liếng chưa thu lại được thì công ty Japfa (thuê gia công) làm ăn thua lỗ nên cắt ngang hợp đồng. Bỏ lại toàn bộ chuồng trại cho gia đình tôi phải gánh. Gà không nuôi, giờ gia đình tôi mỗi tháng phải trả cả nợ gốc lẫn lãi hơn 100 triệu đồng, xoay xở đủ đường rồi…”..

Quá chậm

Cách nay hơn một tháng, trước tình trạng giá gà ở mức quá thấp, nông dân, doanh nghiệp bị thua lỗ, hiệp hội Chăn nuôi gia cầm các tỉnh miền Đông gửi văn bản kiến nghị năm vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách giám sát dịch bệnh, bảo hiểm giá cả, điều chỉnh thuế VAT thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ lãi suất, ngăn chặn thịt nhập để cứu ngành chăn nuôi. Hiệp hội này, thống kê khu vực có 1.500 trại gà, vốn đầu tư vay từ ngân hàng khoảng 3.000 tỉ đồng, nếu Nhà nước không kịp thời có chính sách hỗ trợ thì chỉ trong thời gian ngắn, chuồng trại sẽ bỏ hoang. Nông dân thành con nợ khó đòi. Tuy nhiên, cho đến ngày 25.6, ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch hội nói rằng: “Người chăn nuôi vẫn chưa nhận được bất kỳ chính sách hỗ trợ nào nên chuồng trại ngày một bỏ không nhiều hơn”.

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7.1.2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đến nay hầu như chưa đi vào đời sống người dân, doanh nghiệp. Dẫn chứng về giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 22%, ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan nói: “Lẽ ra phải thực hiện ngay trong năm nay chứ để qua đầu năm sau thì liệu doanh nghiệp có còn cầm cự đến lúc đó mà hưởng nữa hay là phá sản hết rồi”.

Là phó chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ông Phạm Đức Bình, tổng giám đốc công ty Thanh Bình cũng nói: “Ngành chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các chính sách hỗ trợ như khai thông thị trường, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất… lại đến rất chậm chạp. Tôi có cảm giác như Nhà nước không muốn để lương thực, thực phẩm tăng giá vì sợ làm CPI tăng thì phải. Nếu đúng như vậy thì nông dân không còn cửa sống”.

Về tín dụng, ông Nguyễn Khánh, chủ trại gà ở Trảng Bom, Đồng Nai cho biết, mặc dù đang bỏ hoang chuồng trại, nhưng các khoản vay đáo hạn, trả lãi vẫn phải thực hiện mà không được ngân hàng cho giãn nợ. Tương tự, hàng ngàn người nuôi cá tra, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mặc dù trước đó được ngân hàng Nhà nước công bố gói hỗ trợ 20.000 tỉ đồng, nhưng đến nay cũng chỉ có số ít tiếp cận được.

Cần liều thuốc mạnh

Mục tiêu kích thích tiêu dùng bằng biện pháp giãn, miễn thuế VAT, theo các doanh nghiệp, đến nay cũng không được thực hiện rốt ráo. “Chỉ số CPI lương thực, thực phẩm giảm thể hiện sức mua kiệt quệ với lĩnh vực này. Đầu ra bế tắc thì cả nông dân, doanh nghiệp đều chết, vậy mà chúng ta chỉ áp dụng giãn thuế chứ không giảm hẳn để tạo ra liều thuốc kích thích mạnh”, ông Mười đặt vấn đề.

TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng có hai hạn chế khi thực hiện nghị quyết 02. Thứ nhất là có rất nhiều nội dung triển khai, ban hành các chính sách trong nghị quyết này diễn ra quá chậm. Thứ hai là các chính sách chưa có nhiều thay đổi rõ rệt, mang tính đột phá để hỗ trợ tức thì đến cuộc sống. Trong khi đó, theo TS Sơn, khó khăn mà doanh nghiệp, nông dân đang phải gồng mình chống đỡ lại đến dồn dập, từ hai phía: từ bất lợi mới nảy sinh do khí hậu, dịch bệnh, suy giảm kinh tế thế giới và bất ổn vĩ mô ở trong nước; từ những sai sót kéo dài chậm sửa chữa trong nước như chưa tạo ra các mối liên kết trong quan hệ giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp; phát triển thị trường, bảo vệ sản xuất trước rủi ro, hay vấn đề chế biến sau thu hoạch… “Chính sách vừa yếu, vừa chậm, cộng thêm nhiều rủi ro đến từ thị trường… nên rõ ràng nông dân đang chịu rất nhiều khó khăn, thiệt thòi”, ông Sơn nói.

Theo TS Sơn, với tình hình khó khăn hiện nay, cần liều thuốc mạnh. Đối với thị trường đầu ra cho lúa gạo, sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản, ông Sơn cho rằng doanh nghiệp, bộ ngành phải kết nối được đầu ra, tìm kiếm thị trường nhập khẩu để giải quyết nhanh, dứt điểm hàng triệu tấn gạo, cá tra còn tồn kho. Chính sách về tỷ giá cũng phải thay đổi để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. “Ba năm nay giá cả hàng hoá nông sản thế giới hầu như không tăng trong khi các chi phí sản xuất lại biến động mạnh, nếu chúng ta cứ duy trì tỷ giá ổn định thì hàng hoá sẽ rất khó cạnh tranh”, ông Sơn nói.

Hoàng Bảy

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Giải cứu doanh nghiệp (26/06/2013)

>   'Công nghiệp phụ trợ Việt Nam có nhiều tiềm năng' (25/06/2013)

>   TKV: Tăng thuế, lượng than xuất khẩu sẽ giảm (25/06/2013)

>   Gia công phần mềm vẫn tăng trưởng (25/06/2013)

>   Chấm dứt hàng loạt giấy phép xuất nhập khẩu LPG (25/06/2013)

>   Đầu tư 15.700 tỷ đồng cho hệ thống truyền tải điện (25/06/2013)

>   Xuất lậu quặng sắt, thất thu 1.700 tỉ đồng/năm (25/06/2013)

>   6 tháng đầu năm, giải ngân vốn ODA đạt 2,2 tỷ USD (25/06/2013)

>   Hết thời thu hút FDI bằng mọi giá (25/06/2013)

>   Hơn 20 triệu USD vốn FDI vào KCN Đình Vũ (25/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật