Thứ Ba, 25/06/2013 10:56

Hết thời thu hút FDI bằng mọi giá

Có một nghịch lý của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đó là chúng ta mong muốn thu hút và giữ chân được nhiều dự án lớn có thương hiệu quốc tế, song, không ít dự án FDI lại đang gây ra những trì trệ cho sự phát triển của nền kinh tế bất động. Do vậy, cân nhắc về tính hiệu quả trong thu hút các dự án FDI luôn là yếu tố cần coi trọng.

Điểm mặt những dự án lớn bị "khai tử”

25 năm kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, có thể khẳng định, những đóng góp mà các doanh nghiệp FDI mang lại là không nhỏ. Theo nhận định của GS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, nhờ các dòng vốn FDI đã mang về cho Việt Nam gần 100 tỷ USD, và đóng góp vào thu ngân sách hơn 14 tỷ USD trong giai đoạn 2001 – 2011. Đặc biệt, nhiều dự án FDI đã và đang tạo công ăn việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp.

Tuy nhiên, dù khẳng định những lợi nhuận mà việc mở cửa thu hút dòng vốn FDI mang lại, song GS Nguyễn Mại cũng chỉ ra những mặt trái mà các DN nước ngoài lợi dụng sự ưu ái đã và đang gây ra cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là những phi vụ chuyển giá trốn thuế, những nghi án gây ô nhiễm môi trường… Song, điều đáng ngại hơn cả, đó là không ít dự án FDI ngốn hàng trăm ha đất nhưng không khởi động, đắp chiếu nhiều năm đang gây ra nghịch lý: Người dân thì thiếu đất sản xuất, còn đất dự án FDI thì để… mốc.

Nếu điểm những con số các dự án FDI bị rút giấy phép, có thể thấy, con số chưa phải là nhiều, nhưng tránh được những lãng phí thì không hề nhỏ. Tính từ thời điểm năm 2007 đến nay, các nhà quản lý đã buộc rút giấy phép thu hồi không ít dự án có vốn đầu tư nước ngoài trị giá hàng tỷ USD. Đơn cử như dự án thép Cà Ná được Tập đoàn Lion Group của Malaysia liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) xây dựng tại Ninh Thuận. Dự án có vốn đầu tư lên đến 9,8 tỷ USD với quy mô diện tích 1.650ha mặt đất và 330ha mặt nước biển. Song sau gần 3 năm khởi công (từ năm 2008 đến 2011), chủ đầu tư đã bộc lộ không có khả năng tài chính, không đủ năng lực sản xuất… Kết cục, dự án đã bị tước giấy phép đầu tư vào năm 2011.

Tương tự số phận của dự án thép Cà Ná, dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm cũng bị rút phép sau ngày khởi công hơn hai năm (khởi công tháng 7-2008 và bị rút phép tháng 11-2011). Còn hàng loạt các dự án tuy chưa bị "khai tử” song cũng đang có nguy cơ bởi tình trạng rùa bò, chậm trễ gây lãng phí lớn.

"Trải thảm đỏ” hút FDI nhưng không dễ dãi

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây đưa ra con số: Trong số gần 30 dự án FDI có vốn đăng ký hàng tỷ USD được cấp phép từ năm 2007 đến nay, nhiều dự án đã bị rút giấy phép và giải thể trước hạn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dự án lớn sử dụng nhiều đất đã được cấp phép song vẫn chưa triển khai hoặc chỉ khởi công rồi… đắp chiếu.

Trước thực trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện các dự án FDI có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, chậm triển khai và có vướng mắc. Theo đó, đối tượng thuộc diện báo cáo, kiểm tra là các dự án đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư đăng ký từ 100 triệu USD trở lên hoặc diện tích đất sử dụng từ 50 ha trở lên, gồm cả các dự án ngoài và trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao.

Việc rà soát này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ tập trung vào việc sử dụng đất, việc góp vốn của các chủ đầu tư; tình hình huy động vốn, cũng như việc thực hiện các cam kết về tiến độ triển khai dự án… của các DN FDI, và báo cáo tổng hợp của các tỉnh, thành phố phải gửi về Bộ Kế hoạch – Đầu tư trước ngày 30-6 để Bộ tổng hợp và xác định dự án cần kiểm tra.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một thời gian dài chúng ta "trải thảm đỏ” để thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang gây nên những hệ lụy cho nền kinh tế. Thậm chí, không loại trừ Việt Nam sẽ trở thành bãi rác thải của thế giới do quá ưu ái, dung túng cho cả việc sử dụng công nghệ lạc hậu của các DN FDI hiện nay. Vốn FDI là vô cùng cần thiết cho phát triển, song nếu quá dễ dãi để những dự án ngốn hàng ngàn ha đất nhưng lại luôn ở trạng thái "án binh bất động” năm này qua năm khác…không những lãng phí mà còn gây ra tác dụng ngược cho nền kinh tế.

Minh Phương

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Hơn 20 triệu USD vốn FDI vào KCN Đình Vũ (25/06/2013)

>   Doanh nghiệp xăng dầu than lỗ 200 đồng/lít (25/06/2013)

>   FDI tăng mạnh nhờ... Samsung (25/06/2013)

>   Vinaconex – Viettel đòi mở thủ tục phá sản Hafic (25/06/2013)

>   TPHCM chuyển dịch cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu (25/06/2013)

>   Văn bản trừng phạt, phí đè doanh nghiệp (25/06/2013)

>   Roaming với VinaPhone: Gmobile than lỗ nặng! (25/06/2013)

>   Đỏng đảnh nhập siêu (25/06/2013)

>   Rút bớt vốn Nhà nước trong nhiều lĩnh vực (25/06/2013)

>   Các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút hơn 110 tỷ USD (24/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật