Giải cứu doanh nghiệp
Chính phủ luôn thể hiện tinh thần nhiệt tình hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng mỗi lần trình lên Quốc hội các phương án “giải cứu”, là mỗi lần bị các đại biểu Quốc hội luôn cho rằng Chính phủ quá so đo và chi li.
Ủy ban Tài chính Ngân sách còn “phê” Chính phủ các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được Chính phủ liên tục trình Quốc hội xem xét, ban hành trong nhiều năm gần đây
|
Chẳng hạn, trong lần gần đây nhất, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ban hành riêng một Nghị quyết về thuế, để nhanh chóng giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, thì đề nghị này, không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình, bởi vì quy mô của gói hỗ trợ này không nhiều và chưa đến mức cần ban hành một nghị quyết riêng. Vì thế, chỉ cần lồng vào trong sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng là đủ.
Với việc sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó giảm thuế từ mức 25% xuống còn 23%, 20% hay là thấp hơn đã trở thành cuộc tranh cãi không ngừng trong thời gian qua, bởi vì Quốc hội thì muốn giảm sâu hơn nữa, nhưng Chính phủ tính toán chỉ giảm thêm 1%, thì ngân sách cũng có thể giảm đi hàng nghìn tỷ đồng, trong bối cảnh thu ngân sách năm nay quá khó khăn, thì vài nghìn tỷ đồng cũng đã là một gánh nặng rất lớn, sức ép rất lớn cho cân đối ngân sách. Vậy là Chính phủ phải nhận ngay hàng loạt nhận định về sự quá “tính toán” và lắt nhắt.
Những mục tiêu cao cả mà Chính phủ đề ra trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, cũng bị Quốc hội “soi” bằng cái nhìn khá khắt khe. Như việc Chính phủ khi thuyết minh cho động cơ cần ban hành gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, có cho rằng “trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với một loạt các khó khăn. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong toàn nền kinh tế, thì cần thiết phải có những giải pháp tài chính đồng bộ, trong đó có giải pháp về thuế. Gói giải pháp được ban hành lần này dự kiến hỗ trợ tiền thuế khoảng 2.647 tỷ đồng”.
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lập tức nhận định: “Với quy mô gói gọn trong khoảng 2.647 tỷ đồng thì mức độ lan tỏa, tác động của chính sách không lớn, khó có thể đạt được mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong toàn nền kinh tế. Quy mô của gói hỗ trợ chưa tương xứng với mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách”.
Ủy ban Tài chính Ngân sách còn “phê” Chính phủ các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được Chính phủ liên tục trình Quốc hội xem xét, ban hành trong nhiều năm gần đây.
Tuy nhiên, việc tổng kết, đánh giá đầy đủ quá trình thực thi và tác động của việc ban hành chính sách là một trong những căn cứ quan trọng nhằm nâng cao tính thuyết phục, tạo cơ sở cho việc tiếp tục ban hành chính sách, nhưng công việc này làm chưa sâu sắc, chưa làm rõ hiệu quả đạt được và tồn tại, hạn chế của chính sách.
Chính phủ mới chỉ tập trung phân tích về mức giảm thu ngân sách nhà nước và dự kiến kết quả đạt được của chính sách, chưa tập trung làm rõ những mặt trái cả về khía cạnh kinh tế và xã hội trong thực thi chính sách.
Rồi những hàng rào mà Chính phủ xây dựng lên để có thể lọc được đúng đối tượng doanh nghiệp cần hỗ trợ, dưới góc nhìn của không ít đại biểu Quốc hội đó đều chỉ hướng tới mục tiêu... làm khó là chính.
Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh không ngần ngại mà nói thẳng: “Nếu Chính phủ muốn đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hướng tới sự công khai, minh bạch trong chính sách thuế thì phải làm sao đó để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các chính sách thuế ưu đãi. Chứ quy định nào cũng đều đưa ra một cách chặt chẽ và khó như vậy, thì có tác động đến doanh nghiệp hay không thì rõ ràng là rất khó khăn mà chỉ tạo điều kiện cho cơ quan hành thu mà thôi”.
Những nỗi khổ tâm của Chính phủ trong việc giải cứu doanh nghiệp vì thế mà càng vào cao trào của khó khăn, càng khó giãi bày. Song, có lẽ cũng bởi Chính phủ đã tự làm khó mình khi tự đưa mình đến nỗi khổ tâm như vậy.
Vì như sự cho biết của Phó trưởng đoàn Quốc hội Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền: “Cử tri cho rằng, nền kinh tế cũng như cơ thể của con người. Nếu bị hắt hơi, xổ mũi chỉ cần uống tiffi là khỏi ngay. Còn để đến khi đã ốm nặng mới đổ xô vào để cứu thì cũng chậm được phục hồi”. Ông Thuyền không ít lần phải phàn nàn về sự vào cuộc chậm trễ của Chính phủ.
Còn nhớ, vào thời điểm mà nhiều doanh nghiệp đã có dấu hiệu chết lâm sàng cũng là tương đối rõ, thì trước nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn tranh cãi “nẩy lửa” với một đại biểu Quốc hội là một doanh nhân về việc doanh nghiệp có tiếp cận được vốn không.
Trong khi đại biểu thì cho rằng doanh nghiệp đang “chết” hàng loạt vì thiếu vốn, thì Thống đốc khẳng định về tài liệu chứng tỏ danh sách các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn lên đến “hơn 10 cân” và mời đại biểu Quốc hội qua Ngân hàng Nhà nước để lấy danh sách đó về mà tham khảo!
Không biết đó có phải lý do mà trong các cuộc đối thoại với doanh nghiệp sau này, dù Thống đốc cố gắng đưa ra lời kêu gọi “Hãy tin và làm theo lời Thống đốc” và “Doanh nghiệp nên cố gắng trong thời điểm khó khăn hiện tại vì sau giai đoạn khó khăn sẽ có lối ra ổn định, bền vững”... thì doanh nghiệp vẫn theo nhau mà giải thể, phá sản liên tục trong suốt 2 năm qua.
Lê Châu
tbktvn
|