Không có nhiều dư địa để giảm chi
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ủng hộ kế hoạch giảm chi của tân bộ trưởng Bộ tài chính, nhưng ông cho rằng, không có nhiều dư địa để giảm chi và phải cân nhắc giảm liều lượng.
Ông Bùi Quang Tuấn
|
PGS Bùi Quang Tuấn cho biết: Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính mới đây khi cho rằng cần phải thắt chặt chi tiêu. Đây là việc bắt buộc phải làm trong bối cảnh ngân sách của chúng ta bị thâm hụt triền miên, dẫn đến các mất cân đối vĩ mô khác. Muốn thu hẹp thâm hụt ngân sách thì phải tăng thu hoặc giảm chi.
Vấn đề là dư địa tăng thu của ta không còn nhiều. Thu của ta hiện quá lớn, chiếm khoảng 26 - 27% GDP, vào loại cao nhất khu vực, chủ yếu từ thuế, phí và các loại chuyển nhượng. Thuế phí cao thì không khuyến khích sản xuất, tạo ra tăng trưởng thấp. Do vậy, ta bắt buộc phải dựa vào giảm chi ngân sách để làm giảm thâm hụt, đồng thời tạo sức ép để không nên tăng thu, hoặc thậm chí là giảm thu. Vì thu mà dễ quá thì chi ra cũng dễ quá. Ý nghĩa của việc giảm chi ngân sách vì vậy là rất tốt trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.
Ông có lưu ý gì nếu áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” này khi nhiều nước đã phải gánh chịu hậu quả của thất nghiệp và chỉ tiêu tăng trưởng đình trệ?
Trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này thì biện pháp nào cũng có tác dụng phụ. Chúng ta sẽ phải đối mặt với bài toán tạo ra tác động ngược chiều nhau. Tăng chi tiêu, trong đó có chi tiêu chính phủ, là yếu tố tích cực cho tăng trưởng và ngược lại, thu hẹp chi tiêu sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng.
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề duy trì và phục hồi tăng trưởng nhưng phải ổn định kinh tế vĩ mô là hai vấn đề nóng bỏng. Tự ta phải cân nhắc mục tiêu nào quan trọng hơn.
Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đã tạm thực hiện được theo nghĩa lạm phát giảm xuống dưới 2 con số (6-7%), nhưng đứng về mặt tăng trưởng thì lại đang trở nên thấp (khoảng 5% và đang có xu hướng thấp hơn).
Hiện hàng tồn kho rất lớn, đặc biệt với BĐS, DN chết hàng loạt, tăng trưởng tín dụng thấp do nhu cầu vay của DN không còn nữa. Vì vậy, theo tôi, mục tiêu phục hồi tăng trưởng là quan trọng nhất hiện nay. Ta phải phục hồi sản xuất của khu vực DN, đưa ra cách thức giải quyết đầu ra, giải quyết tồn kho cho DN.
Tuy nhiên, ngay cả khi xác định tăng trưởng là mục tiêu quan trọng thì giảm chi cũng cần thiết và phải cân nhắc. Có ý kiến cho rằng, nên nới lỏng chính sách tài khóa để phục hồi tăng trưởng như ở nhiều nước. Nước ta cũng phải có một gói đầu tư nào đó. Nhưng nguy hiểm đi kèm là ở chỗ, nếu không khéo, lạm phát cao có thể quay trở lại vì kênh đầu tư cũng là một kênh tạo lạm phát ở ta hiện nay. Do đó, bài toán ở đây là phải xem giảm chi cái gì, bao nhiêu, liều lượng như thế nào để không ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Đó là nghệ thuật.
Theo ông, ta có thể tập trung cắt giảm chi tiêu ở những hạng mục, lĩnh vực nào?
Dư địa cho ta giảm chi hiện không nhiều. Đối với chi tiêu chính phủ, khả năng cắt giảm được nhiều là khó. Vừa rồi nâng lương cơ bản có thêm 100 ngàn đồng mà đã tranh cãi khủng khiếp. Như vậy, chỉ có thể giảm mua sắm công, ví dụ như không mua mới ô tô hoặc nên mua loại rẻ; giảm chi phí họp hành, đi lại, v.v...
Nhưng giảm theo kênh này theo tôi không đáng kể. Tôi quan tâm nhiều hơn tới kênh chi đầu tư, hiện chiếm khoảng 22 - 25% chi ngân sách, hiện chủ yếu là cho công trình hạ tầng (đường xá, cầu cống, cảng biển,…) và cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội khác.
Mâu thuẫn nảy sinh là muốn kích cầu, giải quyết tồn kho của DN, đặc biệt các DN xây dựng thực hiện dự án công, thì phải tăng chi đầu tư vì chính phủ hiện đang nợ các DN làm các công trình này. Nếu không rót ngân sách thì sao họ làm tiếp được. Nhưng tăng chi đầu tư thì lại đi ngược lại mục tiêu cần phải giảm chi ngân sách. Do đó, cần phải tìm điểm tối ưu để hài hòa mục tiêu tăng trưởng và tiến dần cân đối ngân sách, ổn định vĩ mô.
Để thực hiện cắt giảm chi tiêu, ngay từ bây giờ phải tiến hành các bước gì?
Trước mắt chúng ta phải rà soát ngay các hoạt động có thể tiết kiệm được trong nhóm chi tiêu thường xuyên. Phải tiết kiệm, tránh lãnh phí xa hoa trong chi tiêu mua sắm. Phải rà soát các công trình và dự án đầu tư. Cái nào chưa cần thiết ngay thì có thể dừng lại.
Nên có đánh giá và tham khảo ý kiến chuyên gia về tác động của việc cắt giảm chi. Nên phân biệt rõ, cắt giảm chi để tăng hiệu quả đầu tư thì cắt. Nhưng cắt hạng mục để làm giảm tăng trưởng thì phải cân nhắc. Không thể tập trung cắt giảm chi rồi để ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Đạt được điểm tối ưu này là khó. Bởi ngành nào địa phương nào cũng kêu dự án của mình là quan trọng. Do đó, việc cắt giảm chi tiêu đòi hỏi một nhận thức chung, cùng nhau giải quyết vấn đề chung chứ không khu biệt đó là vấn đề của một ngành, một địa phương nào cả. Bộ Tài chính phải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát để làm việc này.
Cảm ơn ông!
Mỹ Hằng
tiền phong
|