Khoán kinh phí đi xe công "chết yểu", vì sao?
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Xung quanh sự kiện này, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn ông Phùng Quốc Hiển.
Ông Phùng Quốc Hiển
|
Hiện tại, các cơ quan, tổ chức đang sử dụng bao nhiêu xe ô tô công, thưa ông?
Tính đến cuối năm 2012, tổng số ô tô công là 34.565 chiếc, với tổng nguyên giá 18.251 tỷ đồng.
Riêng năm 2012, số ô tô công tăng 2.391 chiếc, với tổng giá trị 2.756 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do thay thế số xe đã sử dụng vượt quá thời gian quy định (trên 10 năm) và bố trí cho một số chức danh có tiêu chuẩn, mới được bổ nhiệm nhưng chưa có ô tô phục vụ công tác do phải tạm dừng mua sắm trong năm 2011 theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Hơn 7 năm trước, Bộ Tài chính đã có đề án khoán kinh phí đi lại bằng ô tô công. Vì sao đề án này không thể triển khai?
Nói đúng ra, đây mới là đề xuất của Bộ Tài chính. Đề xuất mang tính đột phá này đã nhiều lần gửi xin ý kiến tham gia đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, nhưng cuối cùng không ban hành được vì nhiều lý do.
Theo dự thảo của đề án trên, từ cấp thứ trưởng trở xuống không còn xe riêng đưa đón hàng ngày. Việc đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại của những chức danh có tiêu chuẩn được thực hiện theo phương thức thuê phương tiện đi lại của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hoặc khoán kinh phí trực tiếp để họ tự lo phương tiện đi lại.
Ý tưởng này rất hay, vì triệt để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong đi lại của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng lại không thành hiện thực, do vướng mắc trong việc tính toán mức khoán cụ thể với từng trường hợp.
Cụ thể, chức danh có xe đưa đón hàng ngày, người thì ở xa nơi làm việc, người thì ở gần nơi làm việc; đi lại ở mỗi địa phương lại có sự khác nhau rất lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM, nếu khoán kinh phí đi lại, thì phải tính cả khấu hao xe, tiền mua bảo hiểm, sửa chữa, đăng kiểm, tiền xăng xe, lương lái xe…, nhưng tính thế nào vào kinh phí khoán đối với từng trường hợp cụ thể lại không đơn giản.
Nhưng trên thực tế, cũng có người tình nguyện nhận khoán kinh phí đi lại hàng ngày?
Trước đây, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Trần Quốc Thuận tự nhận khoán kinh phí, còn gần đây, do chưa bố trí được xe ô tô đưa đón, một số chức danh của một số cơ quan bên Quốc hội cũng phải nhận khoán kinh phí. Những ngày bình thường thì không sao, nhưng khi gặp trời mưa, tắc đường hay phải đến cơ quan sớm để làm việc, hội thảo, hay đi công tác…, thì rất phức tạp, có khi còn lỡ cả công việc.
Phải nói thật rằng, nhận khoán kinh phí đi lại, mỗi tháng có thêm thu nhập nhờ tiết kiệm việc đi lại, thì ai cũng muốn, nhưng với tình trạng giao thông hiện nay, đặc biệt là tình trạng tai nạn giao thông tăng không ngừng, thì dù có muốn nhận khoán kinh phí đi lại, nhiều người cũng rất ngại.
Cách xác định định mức khoán không phù hợp cũng khiến nhiều người không muốn đi tiên phong, thưa ông?
Nói chung, hầu như tất cả các định mức hiện hành đều lạc hậu, thậm chí có định mức chưa ban hành đã lạc hậu do giá cả thị trường tăng mạnh. Ví dụ, định mức công tác phí, định mức chi tiêu hội nghị, hội thảo… chưa ban hành, thì giá cả hàng hóa, dịch vụ ngoài thị trường tăng, nên để hoàn thành nhiệm vụ, hoặc là cán bộ, công chức phải bỏ tiền túi ra, hoặc là người ta phải “biến báo” để cân đối thu - chi.
Đối với tiêu chuẩn định mức ô tô dành cho chức danh có tiêu chuẩn cũng vậy. Cụ thể, Thủ tướng quy định, cấp thứ trưởng và tương đương được sử dụng ô tô đưa đón hàng ngày và đi công tác có giá trị tối đa 700 triệu đồng. Nhưng ngay sau khi định mức này được công bố, thì Bộ Tài chính lại tăng thuế nhập khẩu xe, áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, giá xăng tăng liên tục, thì ai muốn nhận khoán kinh phí cũng ngại, bởi mức nhận khoán không đủ trang trải đi lại hàng ngày (kể cả trường hợp tự lo phương tiện hoặc thuê phương tiện đi lại của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ).
Mạnh Bôn
đầu tư
|