Thứ Hai, 17/06/2013 06:43

Hai “siêu dự án” rút khỏi Vân Phong

Hai dự án này có tổng vốn đầu tư gần 33.000 tỉ đồng, từng được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt của Khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa.

Dự án cảng trung chuyển Vân Phong thi công dang dở trước khi rút lui

Ông Hoàng Đình Phi, Phó ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong (Khánh Hòa), cho biết đơn vị này vừa có văn bản chính thức gửi Tập đoàn Vinalines, thông báo việc rút giấy phép đầu tư dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong (CVP). Lý do rút giấy phép là chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ dự án như cam kết. Hiện Vinalines đang giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án, nhất là việc thanh lý các tài sản trên đất và các gói thầu liên quan. Sau khi các vấn đề này được giải quyết, Ban Quản lý KKT Vân Phong sẽ ra quyết định thu hồi chính thức.

Năm 2007, dự án CVP được phê duyệt với vốn đầu tư 3.126 tỉ đồng. 2 năm sau, chủ đầu tư là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) công bố điều chỉnh vốn đầu tư lên đến 6.177 tỉ đồng. Tháng 10.2009, CVP chính thức được khởi công. Sau hơn 1 năm thi công, công trình hàng ngàn tỉ này đã ngưng trệ cho tới nay. Theo thống kê, công trình mới đóng được 145/1.729 cọc, trong đó có 115 cọc bê tông và 30 cọc thép. Dự án CVP được chia 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào tháng 10.2011, nhưng đến thời điểm lẽ ra phải hoàn thành thì đại diện Vinalines cho biết khối lượng công việc xây dựng tại CVP chưa được 10%. Ngoài lý do thay đổi thiết kế, việc thiếu vốn là nguyên nhân chính dẫn đến toàn bộ dự án bị tạm ngưng và dự kiến tháng 7.2012 sẽ khởi động trở lại. Thế nhưng, tháng 9.2012, Chính phủ chính thức có quyết định dừng dự án này vì chủ đầu tư không đủ năng lực, vốn yếu.

Dự án “khủng” thứ 2 rút khỏi Vân Phong cách đây vài tuần là dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong, do Công ty CP đầu tư dầu khí Sao Mai - Bến Đình (PVSB, thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia VN) làm chủ đầu tư. Tháng 5.2011, Ban Quản lý KKT Vân Phong cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này với tổng vốn đầu tư khoảng 26.000 tỉ đồng (tương đương 1,4 tỉ USD), thuộc địa phận P.Ninh Hải, TX.Ninh Hòa. Theo kế hoạch, năm 2017 dự án hoàn thành và đi vào sử dụng. Thế nhưng, đến nay thì dự án “tỉ đô” này đã tháo chạy.

Một dự án khác - nhà máy đóng tàu do Tập đoàn STX của Hàn Quốc đầu tư có vốn 500 triệu USD cũng vừa bị tỉnh Khánh Hòa rút phép với lý do... thiếu vốn.

Hầu hết là dự án “mây gió”

KKT Vân Phong có diện tích 150.000 ha, được Chính phủ phê duyệt thành lập năm 2008. Từng được kỳ vọng là đòn bẩy tạo đột phá cho Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ, nhưng hầu hết các dự án mà Khánh Hòa “liệt kê” trong các báo cáo đều chỉ là chuyện “mây gió”. Vì vậy, trong 126 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,5 tỉ USD mà Khánh Hòa “có được”, sau 5 năm tồn tại, Vân Phong cũng chỉ triển khai được 584 triệu USD, bằng 5% tổng mức đăng ký, nhưng phần lớn các dự án này đều có trước khi thành lập KKT và là những dự án “cò con”.

Trong khi đó, so với nhu cầu thực tế, trong giai đoạn từ 2006 -2015 KKT Vân Phong cần khoảng 10.055 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng đã 6 năm trôi qua cũng mới chỉ có 761 tỉ đồng được đầu tư vào đây, chủ yếu là ngân sách, tập trung nhiều cho đền bù giải tỏa, rà phá bom mìn... Để giải quyết vấn đề về vốn, tỉnh Khánh Hòa đã kêu gọi các nhà đầu tư có dự án cùng chung sức với tỉnh để đầu tư xây dựng, tiền đầu tư sẽ được trừ vào tiền thuê đất. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ là tình thế, không thu hút được gì đáng kể.

Hiền Lương

thanh niên

Các tin tức khác

>   Sân bay mất điện, hàng nghìn khách check-in bằng tay (16/06/2013)

>   Bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long (16/06/2013)

>   Giấc mơ trở thành “của nợ” (15/06/2013)

>   TPHCM: Đo nồng độ cồn trước quán nhậu (14/06/2013)

>   Bi hài đại gia bán chó, người nghèo cầm cố ... răng (14/06/2013)

>   Vì sao án kinh tế “treo” nhiều? (14/06/2013)

>   “Việt Nam sẵn sàng đăng cai Olympic” (14/06/2013)

>   Phú Quốc thu hồi dự án du lịch 2 tỉ euro (13/06/2013)

>   Sự cố Thủy điện Ia Krêl: Bộ Xây dựng đã thấy vấn đề (13/06/2013)

>   Xác định nguyên nhân vỡ đập thủy điện khủng khiếp ở Gia Lai (13/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật