Vì sao án kinh tế “treo” nhiều?
9h sáng 14/6, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, “quả thực án kinh tế nhiều và xử treo thì cũng nhiều, tạo ra suy nghĩ là chưa quyết tâm chống tội phạm kinh tế”.
|
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng việc phát hiện và xử lý vụ án về chức vụ tham nhũng và kinh tế chưa tốt, án treo nhiều, gây hoài nghi về tính nghiêm minh của pháp luật, vậy ngành có biện pháp gì để chấn chỉnh?
Đồng tình với đánh giá của đại biểu Hoàng, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, “quả thực án kinh tế nhiều và xử treo thì cũng nhiều, tạo ra suy nghĩ là chưa quyết tâm chống tội phạm kinh tế”.
Con số cụ thể được ông Bình cập nhật đến thời điểm này, tỷ lệ án treo với tội phạm kinh tế và thạm nhũng là 30%, cao hơn các loại khác đang ở mức 21%. “Đúng là có cao hơn”, ông Bình khẳng định.
Tuy nhiên, Viện trưởng cũng giải thích với các vụ án kinh tế, do chính sách hình sự chú trọng là phải thu hồi tài sản chiếm đoạt trái phép, phi pháp, nên khi đã khắc phục hậu quả tịch thu tiền tài sản, hàng hóa thì yêu cầu phạt tù không đặt ra cao. “Cái này thành định hướng khi sửa luật”, ông Bình nói.
Với án tham nhũng, mặc dù cũng thừa nhận là số lượng án treo cao, song ông Bình thể hiện sự thống nhất với khẳng định của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khi trả lời trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tất cả các vụ được xử án treo đã vận dụng pháp luật đúng. “Chúng tôi cũng có kháng nghị 39 trường hợp án treo do cấp dưới xử, tòa chấp nhận 26 trường hợp, còn lại đang xem xét”, ông Bình trả lời.
Trình bày giải pháp, ông Bình khẳng định việc kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng cáo trạng có đề xuất án treo, với án tham nhũng nếu cấp dưới đề xuất xử treo thì phải thỉnh thị cấp trên kiểm tra.
Vẫn theo Viện trưởng, theo quy định của luật thì án tham nhũng có nhiều tình tiết có thể vận dụng xử nhẹ dưới khung. Nhưng, “chúng tôi chỉ đạo hai tình tiết không được vận dụng là có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu. Với tham nhũng thì không có trường hợp tham nhũng rồi phạm tội lại tiếp tục làm lãnh đạo để tham nhũng tiếp nên không vận dụng tình tiết phạm tội lần đầu”.
Một hội nghị với các ngành liên quan để bàn biện pháp giảm án treo với án tham nhũng cũng được Viện trưởng Bình nêu ở phần giải pháp.
Vẫn về án tham nhũng và kinh tế, trả lời chất vấn của đại biểu về tiến độ nhiều vụ chậm trễ, Viện trưởng Bình nêu một trong những nguyên nhân là rất nhiều vụ phải phụ thuôc vào giám định tài chính, công trình xây dựng… mà việc đó thì rất khó khăn. “Đây cũng là loại án phức tạp, thủ đoạn tinh vi, tuy nhiên kéo dài cũng là không nên”, ông Bình đáp.
Được mời nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đề cập nguyên nhân tiến độ án tham nhũng, kinh tế kéo dài, bởi lẽ đối tượng có chức vụ quyền hạn có nhiều thủ đoạn che giấu, xóa chứng cứ. Bên cạnh việc phát hiện chậm nên khó khăn trong thu thập chứng cứ, thì giám định cũng kéo dài và chi phí khá lớn, trong khi một số cơ quan trưng cầu giám định cũng có biểu hiện né tránh.
Liên quan đến hình thức thi hành án tử hình, Viện trưởng Bình cho biết sẽ đề nghị sửa luật theo hướng cho phép hai hình thức song song: vừa xử bắn, vừa tiêm.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng cho hay đã khẩn trương triển khai hình thức tiêm thuốc độc và xây dựng 5 cơ sở để thi hành. Nhưng có điều khó khăn là chưa có thuốc độc để thi hành án vì phải nhập ở nước ngoài. Bộ đã kiến nghị Chính phủ quyết định thay thuốc sản xuất trong nước sẽ có hiệu lực từ ngày 27/6/2013, sau đó sẽ tiến hành ngay việc thi hành bằng tiêm thuốc độc.
Phiên chất vấn ông Bình sẽ kéo dài đến hết 11h30 sáng nay. Buổi chiều, Quốc hội sẽ chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khép lại hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp này.
Nguyễn Lê
Vneconomy
|