Thứ Năm, 13/06/2013 11:15

“Cần hóa giải sự im lặng đáng ngại”

“Nếu muốn niềm tin nhanh chóng được khôi phục, Chính phủ cần phải tích cực minh bạch và công khai hơn nữa trong điều hành để hoá giải không khí im lặng, dò xét và tâm thế ngồi yên chờ đợi - là tâm lý rất đáng ngại hiện tồn tại trong không ít doanh nghiệp”, góc nhìn của ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bình Dương

Xin cho biết ý kiến của ông về sự lựa chọn 4 bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội từ 12 đến 14/4?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những giải trình khá rõ về việc vì sao lại chọn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đăng đàn trả lời chất vấn lần này.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy tiếc khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông không có tên trong danh sách bởi trong bối cảnh hiện nay, có một số trang web và blog hết sức độc hại, đã trở thành vấn đề khá nghiêm trọng.

Bộ Thông tin và Truyền thông phải trả lời rõ cho Quốc hội thấy trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình đối với lĩnh vực này.

Độc hại ở đây không phải là tuyên truyền cổ vũ văn hóa đồi trụy cho giới trẻ như trước, mà họ bịa đặt, tung tin, bình luận xuyên tạc, dựng chuyện nói xấu cá nhân, cố tình gây chia rẽ nội bộ, kích động gây mất đoàn kết trong cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ cấp cao. Chiêu thức thủ đoạn hết sức tinh vi nham hiểm, tôi không hiểu vì sao những trang web và blog nguy hiểm như thế lại có thể ung dung hoạt động lâu nay?

Bộ Thông tin và Truyền thông với trách nhiệm quản lý Nhà nước phải giữ cho bầu không khí công luận luôn trong sạch để mọi người dân đều có thể hít thở an toàn. Trong tình hình hiện nay, tôi cho rằng đoàn kết toàn dân, đoàn kết nội bộ là nhân tố quan trọng nhất.

Là một trong những đại biểu Quốc hội đầu tiên đề cập đến nhóm lợi ích trước Nghị trường, ông thấy vấn đề này đang ảnh hưởng thế nào đến tình hình kinh tế, xã hội đất nước?

Tôi cho rằng, trong bức tranh kinh tế đất nước đang có nhiều mảng tối thì sự hiện diện của nhóm lợi ích càng khiến nó trở nên tối tăm hơn. Tôi cũng đã nói trước Quốc hội, dù kinh tế khó khăn đến đâu, khi hàng hoá chất đầy nhưng người dân không có sức mua, ngân hàng nhiều tiền nhưng doanh nghiệp không dám vay và không muốn vay do cục máu đông nợ xấu và hàng tồn kho vẫn còn quá lớn.

Công nghiệp, xây dựng có phần đình đốn, dịch vụ thưa vắng, cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều rơi vào khó khăn... cũng không đáng lo ngại bằng tình hình hoạt động của các nhóm lợi ích. Sự tồn tại và thao túng của nhóm lợi ích khiến không ít doanh nghiệp lo ngại, ngao ngán. Vì vậy chìm sâu vào không khí im lặng, dò xét với tâm thế ngồi yên chờ đợi, thiếu tin tưởng, thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô Chính phủ đang thực thi.

Theo tôi, nếu muốn niềm tin nhanh chóng được khôi phục, Chính phủ cần phải tích cực minh bạch và công khai hơn nữa trong điều hành để hoá giải không khí đó.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Ông có chia sẻ gì với người đứng đầu ngành nông nghiệp?

Dù trong mấy tháng qua, nông nghiệp có biểu hiện sa sút nhưng vẫn là mặt mạnh, là chỗ dựa cho cả nền kinh tế. Chúng ta hình dung xem, trong tình hình khó khăn này mà lương thực khan hiếm, mất mùa, đói kém thì đất nước và xã hội sẽ rơi vào tình trạng phức tạp như thế nào?

Tôi muốn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến phát triển nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến đời sống của nông dân Việt Nam.

Người nông dân làm ra đủ các loại nông sản, không những nuôi sống toàn dân tộc mà còn dư để xuất khẩu. Những người sản xuất chân chất đó chưa từng gây nên một đồng nào vào khối nợ xấu ngân hàng hay hàng tồn kho. Một lần nữa trong lịch sử dân tộc khi đất nước khó khăn, nông dân lại âm thầm làm chỗ dựa vững chắc cho đất nước, cho cách mạng. Ơn nghĩa đó phải được đền đáp xứng đáng vì đó là đạo lý cao nhất.

Ngoài ra, còn một vấn đề liên quan cả y tế và một số ngành khác, nhưng nếu ngành nông nghiệp quyết liệt sẽ cải thiện được tình hình. Đó là vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyện bức xúc của mọi nhà. Với hàng độc hại nhập lậu thì trước hết phải ngăn chặn từ biên giới, không nên quanh quẩn truy xét trong các chợ đầu mối. Còn với thực phẩm từ trong nước, cần có nhiều giải pháp để thay đổi tập quán nuôi trồng của nông dân Việt Nam, nhất là việc lạm dụng hóa chất.

Đoàn Trần

vneconomy

Các tin tức khác

>   Ai làm sai phải trả tiền bồi thường bạch tuộc (13/06/2013)

>   Hy Lạp đóng cửa đài phát thanh - truyền hình quốc gia (12/06/2013)

>   Bộ trưởng kế hoạch đầu tư: Vì sao “tín nhiệm thấp” không cao? (12/06/2013)

>   Vỡ đập thủy điện, dân tán loạn leo cây (12/06/2013)

>   Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “xin nhận khuyết điểm” (12/06/2013)

>   Liên minh lừa đảo chiếm 500 tỷ tiền thuế (12/06/2013)

>   Khoảng lặng sau kết quả tín nhiệm của Thống đốc (12/06/2013)

>   Sẽ cách chức sếp Vinatex nếu để lỗ 2 năm liên tiếp (12/06/2013)

>   Công an Hải Dương bồi thường 2 tấn bạch tuộc 650 triệu đồng (12/06/2013)

>   Cả tin, đại gia chứng khoán suýt trắng tay (11/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật