Thứ Tư, 12/06/2013 20:00

Bộ trưởng kế hoạch đầu tư: Vì sao “tín nhiệm thấp” không cao?

76 sân golf bị loại bỏ có lẽ cũng phản ánh một kết quả khác quan trọng không kém: tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp“ đối với ông Bùi Quang Vinh chỉ chiếm có hơn 9% - khá thấp so với một số bộ trưởng khác.

Trong số nhiều bộ trưởng báo cáo kết quả thực hiện “lời hứa” từ kỳ họp trước cho Quốc hội vào kỳ họp lần này, bộ trưởng Bùi Quang Vinh nên được chấm điểm tích cực hơn mặt bằng chung. Đó cũng là tỷ lệ phiếu tín nhiệm mà ông Vinh nhận được từ cuộc bỏ phiếu vừa qua của gần 500 đại biểu quốc hội.

76 sân golf đã bị loại bỏ trong thời gian một năm qua, theo báo cáo của Bộ kế hoạch và đầu tư gửi đến cho các đại biểu quốc hội vào kỳ họp lần thứ 5. 15,600 hécta đất các loại được thu hồi từ các dự án sân golf treo - đáp ứng mục tiêu giữ bằng được đất trồng lúa của Bộ chính trị và Chính phủ.

Còn trước đây, tình hình không lạc quan chút nào…

Mầm mống khủng hoảng

Vào tháng 11/2009, trong phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã cắt giảm đến gần phân nửa số dự án sân golf chưa thành hình thành khối gì. Động tác tích cực này đã có hiệu quả tức thì: diện tích đất trồng lúa bị dự án sân golf chiếm dụng từ mức 28% đã giảm ngay xuống còn 2%.

Với nhiều người dân sinh sống tại các dự án nằm trong diện bị cắt giảm, quyết định của Thủ tướng thật hợp tình, giúp họ tránh được một cận cảnh mất đất để trở thành vô kế sinh nhai. Còn chính quyền địa phương tại những nơi này cũng có lý do để vừa tiếc nuối nhưng cũng lại đỡ lo xa: trong khi không biết ăn nói với đối tác đầu tư ra sao về chuyện dự án sân golf bị hủy bỏ, vô hình trung chính quyền cũng loại bỏ được nguồn cơn của những cuộc khiếu kiện đông người có thể xảy ra từ phía người dân bị mất đất.

Năm 2009 có thể được xem là mốc chốt chặn ấn tượng đối với trào lưu phát triển sân golf vô tội vạ từ nhiều năm trước. Cho đến thời điểm đó, số dự án đã được cấp phép và đang xin cấp phép, đã hoàn công lẫn số còn đang nguyên đất ruộng đã vọt lên đến 150-160, gấp 4 lần so với toàn bộ sân golf của nước Pháp, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/50-1/40 khối các quốc gia phát triển trên thế giới.

“Biệt thự golf” là một cụm danh từ nghe có vẻ lạ lẫm đối với chức năng đầu tư sân golf. Thế nhưng nếu nhìn vào thực chất của hoạt động kinh doanh sân golf trong nhiều năm qua, hiển nhiên là nhà đầu tư đã gắn mục tiêu kinh doanh bất động sản (BĐS) với dịch vụ chơi golf, nếu không muốn nói BĐS mới là động lực chính cho gần 80% dự án đầu tư sân golf trong những năm gần đây.

Trong những báo cáo trước đây, chính Bộ KHĐT cũng đã xác nhận về hiệu quả khá thấp của rất nhiều dự án sân golf. Nhìn tổng quát, thường xuyên có đến 60-70% dự án sân golf chịu lỗ. Nhưng liệu có phải tình trạng lỗ lã đó là do hành vi “chuyển giá” của nhà đầu tư nước ngoài, hay như dân gian thường gọi nôm na là “lời thật lỗ giả”?

Trong thực tế, cũng đã xảy ra tình huống trên. Nhưng khác hẳn nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác, cảnh sắc hoang vắng của phần lớn sân golf ở Việt Nam đã là một bằng chứng hùng hồn về chuyện sân golf không có khách thì lấy đâu ra lời lãi. Đó cũng là hệ quả tất yếu của cái gọi là “phong trào bầy đàn” của các nhà đầu tư và chính quyền một số địa phương với óc tưởng tượng sân golf là con gà đẻ trứng vàng cho họ.

Chỉ có khoảng 65% diện tích đất dự án được dùng làm sân golf, còn 35% còn lại để xây khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự - đó là chiến thuật mà chủ đầu tư dùng để lách trong việc kinh doanh.

Còn nhớ trong các hồ sơ dự án sân golf đều mô tả hào nhoáng về tương lai sẽ tạo nhiều công ăn việc làm cho nông dân, với mức lương cao hơn hẳn thu nhập từ nông nghiệp… Nhưng thực tế, tỷ lệ sử dụng lao động tại chỗ quá thấp, có dự án giải tỏa 1,000 dân mà chỉ sử dụng lại có 30 người.

Đó cũng là một sự thật hiển nhiên mà nhiều chính quyền địa phương không thể không biết, hoặc biết nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ trong nhiều năm qua. Hậu quả của tâm thế “không nghe, không biết, không thấy” như vậy là chỉ sau hai năm từ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020, lại có hàng loạt dự án sân golf mới phát sinh, tạo nên hiệu ứng “quy hoạch phá vỡ quy hoạch”.

Sửa sai

Giờ đây, hẳn nhà đầu tư dự án sân golf phải hết sức cân nhắc, cho dù dự án của họ có được hợp thức hóa chăng nữa. Trong bối cảnh nền kinh tế trên thế giới lẫn trong nước chịu suy thoái chưa biết đến bao giờ, cùng tiền lệ nhiều năm trước khi suy thoái cũng vẫn vắng hoe khách chơi golf, họ phải tính tới khả năng sẽ còn nhiều hơn nữa những sân golf trở thành chùa Bà Đanh, và số biệt thự, căn hộ cao cấp trong sân golf của họ nếu muốn tiêu thụ được thì có lẽ phải chuyển sang đối tượng… thu nhập thấp.

Hiện thời, với mức giá 12-13 triệu đồng/m2, loại nhà thu nhập thấp ở Hà Nội đã từ chối khả năng của người mua. Còn với những biệt thự golf lên đến vài ba trăm ngàn USD, có lẽ phải dùng đến một hình ảnh liên tưởng rất hay của một bài báo: “Khi dân cày nhìn golf”.

Nếu những dự án sân golf vẫn được thông qua một cách dễ dãi, xác suất tiêu thụ các sản phẩm BĐS của chúng cũng không thể khả quan, nếu không muốn khẳng định là vô vọng trong bối cảnh khó khăn kinh tế hiện nay và cả những năm sắp tới. Còn nếu vì lý do eo hẹp kinh tế hoặc chưa tìm thấy đầu ra mà chủ đầu tư ngưng trệ tiến độ triển khai dự án, đất đã được thu hồi sẽ giống như nhiều trường hợp dự án sân golf khác trước đây - trở nên hoang hóa và lãng phí đến xót xa.

Một năm trước, Bộ kế hoạch và đầu tư đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về quản lý, kiểm tra, giám sát quy hoạch sân golf. Trong đó, dự án sân golf chỉ được xây dựng tại vùng đất cát ven biển, đất đồi núi trọc, đất hoang hóa, tuyệt đối không sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị. Ngoài ra, đất đã cấp cho xây dựng sân golf không được dùng để xây nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.

Với con số 76 sân golf bị loại bỏ, dư luận người dân đã có thể nhìn thấy một hành động tương đối tích cực từ phía cơ quan chủ quản của các dự án sân golf, cũng là một hành động mang tính “sửa sai” khi nhiều năm trước đã diễn ra tình trạng cấp phép tràn lan.

Có lẽ kết quả trên cũng phản ánh một kết quả khác quan trọng không kém: tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp“ đối với ông Bùi Quang Vinh chỉ chiếm có hơn 9% - khá thấp so với một số bộ trưởng khác.

Việt Thắng (Vietstock)

Infonet

Các tin tức khác

>   DN bất động sản: Đừng chỉ trông chờ "phao cứu sinh" (12/06/2013)

>   Cần ưu tiên mua nợ xấu có bảo đảm bằng bất động sản (12/06/2013)

>   Bộ trưởng Xây dựng: 'Giá nhà nhiều nơi rẻ bằng năm 2006' (12/06/2013)

>   Phân loại nhà giá thấp, nhìn từ thực tế (12/06/2013)

>   Công trình xây dựng cơ bản được khấu trừ 2% thuế GTGT (11/06/2013)

>   Danh mục các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc (11/06/2013)

>   Siêu dự án Deawoo Cleve: Đại gia kiệt sức (11/06/2013)

>   Đổi tên dự án để bán nhà (11/06/2013)

>   Nội dung đối thoại trực tuyến về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (11/06/2013)

>   Nhà băng chưa rõ khách hàng nào 'thu nhập thấp' (11/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật