Bi hài đại gia bán chó, người nghèo cầm cố ... răng
Khủng hoảng kinh tế phản chiếu rõ trong cửa hiệu cầm đồ và cả cửa hàng mua bán chó. Ngày trước, nghèo quá chị Dậu phải bán cả ổ chó con nhưng giờ đây các đại gia có vẻ như cũng túng đến mức phải mang chó đi cầm cố...
Mùa làm ăn của các tiệm cầm đồ.
|
Chó cảnh trăm triệu cũng đi... ở đợ
Hoàng ở quận Đống Đa, Hà Nội - chủ một cửa hàng chuyên mua bán chó cảnh và kiêm luôn cả dịch vụ khách sạn chó mèo - những tháng gần đây phải tiếp rất nhiều người từng đã giàu nay mang chó đến cầm cố, ký gửi.
Cái thời vàng son mới qua thôi, khi mà tiền còn tiêu như nước sau những thương vụ bạc tỷ từ chứng khoán, vàng và bất động sản, nhiều đại gia mua hẳn những con có giá một vài trăm triệu đồng, thậm chí cả nửa tỷ bạc để làm cảnh mà không hề đắn đo. Bây giờ cũng chó đó, nhưng phải bán hoặc cho đi ở đợ qua thời khốn khó. Lên như... chó mà cũng xuống như chó.
Tôi nhìn chú chó ngao Tây Tạng lông vàng xù lên, cả thân hình đồ sộ một thời từng oai phong đi lại trước căn biệt thự Hồ Tây nhưng giờ rúm ró trong cũi ở cửa hàng Hoàng.
Hoàng bảo: “Chó nó cũng thể hiện tâm thế của chủ. Con chó Ngao này được mua với giá 3 tỷ đồng, nhưng lúc ông chủ bị ngân hàng siết nợ tài sản, không nuôi nổi phải mang qua đây gửi bán. Mua 3 tỷ nhưng giờ bán 3 trăm triệu cũng khó. Bây giờ ít người đi mua chó cảnh đắt tiền lắm, đi cắm, đi bán chó nhiều hơn”.
Chó cưng cũng phải đi ở đợ.
|
Cùng cảnh với chú ngao Tây Tạng, những chú chó Phú Quốc, chó becgie Đức, chó Dorberman, ... cũng được định giá tới một vài trăm triệu đồng. Nhưng sau những ngày tháng được chủ nâng niu thì giờ đây trở về thân phận của kẻ phải đi cầm cố ở đợ.
Tuy không đến nỗi bị đối xử như những chú cẩu sắp bị hóa kiếp ở “xí nghiệp liên hiệp thịt chó Nhật Tân” nhưng xem ra nhìn chó cũng cám cảnh cho chủ. Mỗi chủ một hoàn cảnh, nhưng đều có điểm chung: Đã từng giàu nhờ nhà đất, chứng khoán, vàng và nhiều thứ khác, nhưng lại đang lâm vào cảnh thất bát, nợ nần đến mức phải bán chó hoặc không nuôi nổi chó.
Ở Hà Nội, khách sạn chó mèo của ông Nguyễn Bảo Sinh rất nổi tiếng. Khách sạn chó mèo của ông thuộc hạng 5 sao và rất đông khách cho chó tới đây “lưu trú”.
Nhiều người khó khăn quá đã phải đến đây để cầm cả những kỷ vật như nhẫn cưới, của hồi môn: dây chuyền, lắc vàng. Họ không ra bán cho các tiệm vàng mà đi cầm đồ vì vẫn hy vọng sẽ có ngày lấy lại. |
Nhưng thời gian gần đây, nhiều người mang chó tới để bán hay cầm cố. Ông Sinh cho hay: “Làm nghề này, tôi không thích dùng từ cầm cố chó. Nhiều người khó khăn mang chó quý đến đây, tôi gửi lại họ ít tiền. Nếu bán được chó thì tôi đưa thêm tiền cho họ, nếu không bán được tôi vẫn nuôi, khi nào họ có điều kiện chuộc lại tôi cũng không tính công. Bởi vì nếu mình lợi dụng cảnh khó của người ta mà ép giá mua rẻ thì “dã man”, mua đắt thì không bán được, nên tôi mua giúp, bán giúp”.
Một trong những lý do khiến ông Sinh không thích hai chữ “cầm cố” vì: “chó là thứ có mồm, nó khác với cái xe máy. Nếu không khéo thành ra “ân oán giang hồ”.
Nhưng thời gian gần đây, số người vì khó khăn kinh tế mà mang chó đến nhờ ông nuôi hộ, bán hộ cũng không ít.
Chó được mang tới đây, nếu bèo nhất cũng có giá vài ba chục triệu đồng. Đó là giá khi họ mua, giờ bán thì chắc chắn rẻ hơn, nhưng cũng khó bán. Cho dù đến đây với thân phận ăn nhờ ở đậu chờ bán thì những chú chó cảnh này vẫn được sống trong khách sạn 5 sao và không bị phân biệt đối xử.
“Cắm” cả răng vàng, nhẫn cưới
Trong một cửa hàng cầm đồ ở phố Đặng Dung, tôi nhìn thấy cả những chiếc răng vàng vừa được một người phụ nữ mang tới cắm. Bà Hà- đã ngoài 60, gương mặt lộ vẻ đau buồn khi phải vào cửa hàng cầm đồ để lại hai chiếc răng vàng nhận ba triệu đồng cùng giấy hẹn. Bà bị tai nan giao thông làm mất gần cả hai hàm răng, lúc ấy có điều kiện bà đi đúc răng vàng.
Giờ thì bao nhiêu tài sản nhà cửa bị thằng con nghiện hút bán hết. Còn ít tiền dành dụm bà tham lãi suất cao gửi hụi thì chủ hụi chạy trốn. Giờ thằng con nghiện bị HIV giai đoạn cuối đang nằm nhà trọ chờ chết.
Túng quẫn đến mức không có gì ăn, bà Hà buộc phải đi cầm răng vàng, dù biết rằng khi thiếu răng thì việc nhai sẽ khó khăn hơn. Nhưng với bà “thà khó nhai còn hơn không có gì để nhai”.
Chủ một cửa hàng cầm đồ trên phố Đặng Dung cho hay: Nhiều người khó khăn quá đã phải đến đây để cầm cả những kỷ vật như nhẫn cưới, của hồi môn: dây chuyền, lắc vàng. Họ không ra bán cho các tiệm vàng mà đi cầm đồ vì vẫn hy vọng sẽ có ngày lấy lại.
Tôi nhìn thấy những đôi nhẫn cưới khắc tên của những cặp vợ chồng lồng vào trái tim. Tôi nhìn thấy chiếc dây chuyền vàng còn gắn cả ảnh của một cặp uyên ương nào đó.
Chắc họ chưa từng nghĩ đến một ngày phải đưa những dây chuyền, nhẫn cưới ấy vào tiệm cầm đồ. Nhưng một khi cơn khốn khó ập đến, thì ngay cả những đồ gia bảo như đồ cổ, lư hương cũng phải mang đi cầm cố. Chiếc bát cổ xanh ngọc từ thời Lê được ông Huy - một tay buôn bất động sản vừa phá sản- mang tới cửa hàng cầm đồ trên đường Láng Hạ đặt.
Chủ cửa hàng cầm đồ cũng là người chơi đồ cổ nên “biết của biết người” mới ra giá 10 triệu đồng. Thế cũng may cho ông Huy bởi nếu đem đến những của hàng khác thì cái bát cũ ấy chắc bị định giá chỉ đáng vài xu. Nhưng chiếc lư hương bằng đồng đen đang nằm trong tủ kính của cửa hàng cầm đồ trên phố Láng Thượng kia lại khác, nhìn vào kể cả kẻ “ngoại đạo” cũng biết đây là đồ giá trị.
Vậy nên bà chủ hiệu cầm đồ, dù mới 25 tuổi nhưng đã đưa cho khổ chủ của chiếc lư hương 20 triệu đồng và trong thâm tâm không muốn ông quay lại rút đồ gia bảo này ra.
Chiếc răng hổ nằm trong tủ kính của hiệu cầm đồ Láng Hạ được chủ nhân cắm với giá 1 triệu đồng mà hết hạn vẫn chưa thấy quay lại “nhổ”. Khi tôi hỏi mua, nhân viên gọi điện cho ông chủ rồi ra giá: “4 triệu đồng, răng hổ thật đấy anh, nghề cầm đồ bọn em không được phép nhìn nhầm hàng”.
Thời khó, tuy không nhìn nhầm hàng, nhưng ngoài xe máy, laptop, điện thoại, các cửa hàng cầm đồ tiếp nhận nhiều “món” lạ. Ví da, thắt lưng xịn, kính hàng hiệu, đồng hồ tốt đã trở nên nhẵn mặt trong các tủ kính cầm đồ. Giờ xuất hiện thêm sim số đẹp, quần bò hàng hiệu, giày dép da thật, nồi cơm điện... Nói chung thượng vàng hạ cám, bất cứ đồ nào có giá trị với chủ nhân, các của hàng cầm đồ đều tiếp nhận và luôn “nắm đằng chuôi”.
Nguyễn Tiến Dũng vừa tốt nghiệp Đại học Công nghệ, đã mất nhiều tiền cho các trung tâm giới thiệu việc làm nhưng mãi vẫn thất nghiệp. Dũng sống qua ngày bằng cách mua gạo về nấu với nồi cơm điện ăn cơm muối vừng. Nhưng ngay cả sống đạm bạc như vậy cũng không được lâu, hết cả tiền mua gạo, Dũng cắm nồi cơm điện và chiếc xe cuốc. Rồi lại hết tiền. “Đời sinh viên có cây đàn ghi ta”, Dũng cũng mang đi cầm nốt mặc dù số tiền nhận lại không mua nổi thùng mì tôm. Dũng thở dài: “Đành vậy thôi, phải tồn tại đã”.
“An sinh xã hội có vấn đề”
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cầm đồ là một động thái tín dụng phi chính thống, thiếu sự điều tiết của luật nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người cầm đồ. Nhưng nhìn ở góc độ kinh tế, khi người dân khó khăn thì họ phải tìm kiếm những nguồn vốn rủi ro như vậy.
“Một khi nhiều người dân cầm cố “thượng vàng hạ cám” vào tiệm cầm đồ, thì chứng tỏ dịch vụ cầm đồ đang rất phát đạt. Nhưng hiện tượng người dân phải cầm cố cả răng vàng, nhẫn cưới, sổ hộ khẩu khiến tôi có dự cảm rằng an sinh xã hội đang có vấn đề” - TS Phong nhận định.
TS Nguyễn Minh Phong tâm sự: “Thời tôi ở bên Nga cũng đã chứng kiến người dân đi bán cả Huân chương, nhẫn cưới để tồn tại qua ngày. Nếu điều này đang diễn ra ở Việt Nam, thì nó phản ánh một giai đoạn khó khăn của nền kinh tế và báo động về an sinh xã hội.
Theo tôi trước thực trạng này cần có những quy định liên quan đến cầm đồ, theo hướng đứng về phía người cầm đồ nhiều hơn. Mặt khác cần gia tăng những gói tín dụng về chính sách xã hội cho người dân”.
Phùng Nguyên - Thùy Dung
Tiền Phong
|