Giấc mơ trở thành “của nợ”
Không phải đến bây giờ mới xảy ra chuyện chiếc máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc sản xuất trở thành… “của nợ” đối với bà con nông dân, nhất là lúc cần thu hoạch mùa màng mà máy cứ “ì ra một đống” không thèm hoạt động.
Từ câu chuyện này mới thấy ngành cơ khí VN vì sao lại thua trên sân nhà một cách đau đớn như vậy.
Các doanh nghiệp sản xuất trong ngành cơ khí từ nhiều năm qua, dù đã kiến nghị rất nhiều lần, đã không thể lý giải nổi vì sao thuế nhập khẩu của các chi tiết, bộ phận nhập khẩu luôn cao hơn so với nhập trọn bộ, nguyên chiếc từ nước ngoài. Chính điều này đã “đập tan” mọi nhiệt huyết đầu tư, mọi nỗ lực phấn đấu của doanh nghiệp khi chính sách thuế dường như chỉ khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị của nước ngoài về kinh doanh. Điều đó cũng lý giải vì sao số doanh nghiệp cơ khí chế tạo có đầu tư máy móc thiết bị cao cấp, có nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng, có thể sản xuất được sản phẩm cơ khí kỹ thuật chất lượng cao dần hiếm hoi.
Các doanh nghiệp gần như phải tự lực cánh sinh, không dễ nhận được các khoản hỗ trợ từ cơ quan chủ quản, từ cấp địa phương đến trung ương. Ngay cả tại TP.HCM, dù có chính sách hỗ trợ cho ngành cơ khí, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được. Đặc biệt, với ngành công nghiệp phụ trợ, các chính sách cần thiết, cụ thể cho ngành này phát triển như là một động lực thúc đẩy cho doanh nghiệp cơ khí phát triển theo, gần như không có.
Trong khi để đầu tư vào ngành cơ khí đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn lớn, khấu hao nhiều, quản lý kỹ thuật khó khăn khiến giá thành sản phẩm cao. Nhưng giá bán lại buộc phải cạnh tranh với hàng nhập không thuế dẫn đến lợi nhuận rất thấp, thời gian thu hồi vốn chậm nên rất ít doanh nghiệp dám mạo hiểm đầu tư.
Thử hỏi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có điều kiện tích lũy vốn để đầu tư vì lợi nhuận của ngành cơ khí chế tạo quá ít thì làm sao đủ sức để đầu tư và tái đầu tư vào khâu thiết kế, chế tạo mẫu mới? Và giữa việc chọn đầu tư đầy gian khó, nhiều rủi ro, lắm bấp bênh với việc trở thành nhà nhập khẩu chỉ mua thiết bị về bán là “có ăn” ngay, tôi tin sẽ rất nhiều doanh nghiệp chọn cách nhập khẩu để tồn tại trong thời buổi khó khăn này.
Để cứu ngành cơ khí, ngoài việc đề xuất mức thuế nhập khẩu 10-20% đối với các sản phẩm cơ khí chế tạo các loại khuôn mẫu, máy móc, thiết bị công nghiệp trong nước đã sản xuất đạt chất lượng tương đương hàng nhập khẩu, có chất lượng cao hoặc tốt hơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (hiện đang có thuế suất 0%), tôi nghĩ Chính phủ cũng nên miễn giảm thuế nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng đặc chủng trong nước chưa sản xuất được nhằm hỗ trợ ngành chế tạo máy trong nước.
Nếu không, e rằng khó có thể đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển ngành cơ khí VN theo hướng thiết bị, máy móc nội địa phục vụ nông nghiệp sẽ đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Đỗ Phước Tống (phó chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM)
Trần Vũ Nghi ghi
Tuổi trẻ
|