Để thua lỗ, sếp Petro Vietnam cũng sẽ bị cách chức
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo nghị định điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).
Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng Petro Vietnam thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, dẫn đầu trong khối doanh nghiệp nhà nước.
|
Theo đó, Petro Vietnam sẽ là hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, với các chức năng chính là tiến hành các hoạt động dầu khí và ký kết các hợp đồng dầu khí với tổ chức, cá nhân; tiến hành các hoạt động dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí; tổ chức quản lý, giám sát công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí trên cơ sở hợp đồng với các nhà thầu dầu khí, với công ty con và với các tổ chức, cá nhân khác...
Ngoài ra, Petro Vietnam cũng được hoạt động trong một số ngành, nghề kinh doanh khác, như khảo sát, thiết kế, tư vấn đầu tư, xây dựng, khai thác, sửa chữa các công trình, phương tiện phục vụ dân dụng; sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng; hoạt động tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm…
Mục tiêu hoạt động của Petro Vietnam là phải kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại Petro Vietnam và vốn của tập đoàn đầu tư tại doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao, trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, dẫn đầu trong nền kinh tế.
Với kỳ vọng như vậy, Chính phủ đặt nhiều trọng trách lên đội ngũ lãnh đạo của Petro Vietnam, trong đó quy định rõ quyền lời và trách nhiệm cụ thể cho từng vị trí.
Đối với vị trí Tổng giám đốc Petro Vietnam, Bộ Công Thương sẽ quyết định miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng hoặc thay thế trước thời hạn với Tổng giám nếu để Tập đoàn lỗ hai năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do chủ sở hữu nhà nước giao trong hai năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được, trừ các trường hợp lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Trong trường hợp để Petro Vietnam lâm vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản theo quy định của Pháp luật về phá sản; không hoàn thành các nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu do Hội đồng thành viên giao; vi phạm nhiều lần và có hệ thống nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, quy chế quản lý nội bộ của tập đoàn cũng sẽ bị miễn nhiệm.
Đặc biệt, đối với vị trí Chủ tịch và các thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Petro Vietnam, nếu để tập đoàn lỗ, để mất vốn nhà nước hoặc quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không đảm bảo tiền lương và các chế độ khác theo quy định cho người lao động trong tập đoàn…nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm.
Riêng với vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Vietnam, nếu để tập đoàn lỗ hai năm liên tiếp cũng sẽ bị hạ lương hoặc bị cách chức, đồng thời phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Pháp luật.
Trường hợp Petro Vietnam lâm vào tình trạng phá sản mà Tổng giám đốc không nộp đơn yêu cầu phá sản thì bị miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Nếu Tổng giám đốc Petro Vietnam không nộp đơn mà Hội đồng thành viên không yêu cầu Tổng giám đốc nộp đơn phá sản thì Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thành viên Petro Vietnam sẽ bị miễn nhiệm.
Trường hợp Petro Vietnam thuộc diện tổ chức, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu mà không tiến hành các thủ tục tổ chức lại, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, các thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Petro Vietnam bị miễn nhiệm.
Bảo Anh
Vneconomy
|