Đấu thầu thuốc nên có một luật riêng
Có Luật sẽ khắc phục tình trạng 'giá thuốc là máy bay trực thăng không có chỗ đỗ', 'mua thuốc cũng như mua xi măng, sắt thép'...
Liên quan đến Luật đấu thầu sửa đổi, có 2 ý kiến phát biểu tại Hội trường về đấu thầu thuốc và ủng hộ phương án nên xây dựng một luật riêng về lĩnh vực này. Hai ý kiến này thực sự có tính gợi mở, các doanh nghiệp, nhà chuyên môn quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) khi góp ý cho dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi cho rằng, phải tách thành một luật đấu thầu riêng đối với một số dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng đến dân sinh, đặc biệt trong lĩnh vực y tế (đấu thầu thuốc và thiết bị y tế).
Theo quan sát của Đại biểu: 10-15 năm qua, diễn đàn Quốc hội chưa bao giờ ngừng về vấn đề giá thuốc. Nhiều đại biểu Quốc hội các khóa trước và khóa này nói rằng giá thuốc là máy bay trực thăng không có chỗ đỗ. “Tôi nghĩ nhận xét này bây giờ vẫn đúng. Do đó, chúng ta phải có chế tài, cơ chế kiểm soát giá thuốc. Như bây giờ Bộ Y tế bảo Bộ Tài chính, Bộ Tài chính lại bảo Bộ Y tế, cuối cùng người dân vẫn chịu giá thuốc cao”, đại biểu nói.
Nhìn lại các lần phát biểu của đại diện Bộ Y tế trước Quốc hội, nhiều lần Bộ này báo cáo là hiện nay mua thuốc cũng giống như mua xi măng, sắt thép và các loại hàng hóa khác, trong khi thuốc là một mặt hàng rất đặc biệt.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho rằng, mặc dù, trong dự thảo luật đấu thầu cũng có một chương về các loại dịch vụ nhưng chưa đủ. Nếu được tách thành một luật riêng thì rõ ràng hơn.
Năm 2012, ước tính quỹ bảo hiểm y tế chi trả 25.000 tỷ tiền thuốc cho các bệnh viện. Về hình thức đấu thầu, đại biểu Tiên cho rằng “muôn hình vạn trạng, 63 tỉnh có khoảng 700 đến hàng nghìn Hội đồng đấu thầu thuốc. Có tỉnh đấu thầu tập trung nhưng có tỉnh lại giao cho bệnh viện, mỗi bệnh viện lại đấu thầu một kiểu.
Bảo hiểm Xã hội thí điểm thực hiện một số biện pháp có thể tiết kiệm được khoảng 20% giá thuốc. Có nghĩa, theo đại biểu Tiên, nếu chúng ta đấu thầu theo một cơ chế pháp lý rất chặt chẽ thì giá thuốc sẽ giảm khoảng 20%. Một năm chi 25.000 tỷ thì có thể tiết kiệm được 5.000 tỷ. “Tôi không hiểu 5.000 tỷ này có đủ sức để Quốc hội chúng ta làm luật riêng về đấu thầu thuốc hay không?” – đại biểu Nguyễn Văn Tiên nói.
Theo đại biểu, hiện nay, 70% dân số có bảo hiểm và 70 - 80% bệnh nhân tại các bệnh viện có bảo hiểm y tế. Chính sách của Đảng, Nhà nước là chăm sóc người dân theo cơ chế tài chính là bảo hiểm y tế toàn dân. Do đó, chúng ta phải tìm mọi cách để cho quỹ bảo hiểm y tế chi trả giá thuốc cho chính xác, cho đúng để cho bảo hiểm y tế hấp dẫn hơn. “Nếu chi tiêu như hiện nay chúng tôi thấy không yên tâm. Cách làm này sẽ tác động rất lớn đến định hướng bảo hiểm y tế của chúng ta. Nếu ban hành được Luật, kiểm soát được đấu thầu thuốc, giá thuốc thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Đa số những người vào bệnh viện phải trả tiền thuốc cao, họ mong muốn giá thuốc về đúng với thực tế”.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cũng đề nghị Quốc hội giao cho Bộ Y tế hoặc một bộ nào đấy chuẩn bị dự án luật này. “Nếu Bộ Y tế từ chối, ngại không muốn làm thì chúng tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Viện công tác lập pháp cùng với một số đại biểu Quốc hội sẽ xây dựng dự án luật này trình Quốc hội” – đại biểu nói.
Cùng chung những bức xúc về cách đấu thầu thuốc hiện nay, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi hết sức chia sẻ ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tiên nhưng trong sự chờ đợi, trong niềm mơ ước của toàn ngành về việc có một Luật đấu thầu riêng cho ngành dược”.
Phạm vi điều chỉnh của đề án luật với dự án đầu tư phát triển sử dụng đối với 30% vốn nhà nước trở lên hoặc từ 500 tỷ đồng vốn nhà nước trở lên. Theo đại biểu Phong Lan, trong lĩnh vực thuốc, việc mua thuốc do ngân sách nhà nước, do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và do nguồn thu viện phí, trong đó nguồn từ ngân sách nhà nước luôn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số chi phí. Hai nguồn còn lại về bản chất vẫn là do người bệnh đóng góp.
Đại biểu Phong Lan dẫn chứng, các nước phát triển đã có hình thức đàm phán giá thuốc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đứng ra làm trung gian giữa bên mua là bệnh viện và bên bán là doanh nghiệp để đàm phán giá với doanh nghiệp. Như vậy, hình thức này phù hợp với các loại thuốc rất phức tạp trong ngành dược và đồng thời tiết kiệm được rất nhiều chi phí, dự kiến là luật sửa đổi về Luật dược sẽ có hình thức đàm phán giá thuốc này. Đặc biệt đối với những thuốc có nguy cơ độc quyền và ít có nhà cung ứng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phong Lan, trong dự án Luật đấu thầu lần này chưa có quy định hình thức mua sắm và đàm phán giá. Do đó, đại biểu Phong Lan đề nghị được giữ lại hình thức mua sắm trực tiếp vì nó đã phát huy hiệu quả đối với việc cung ứng thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung “chỉ định thầu” đối với thuốc để phục vụ các nhu cầu cấp bách cho dịch bệnh cấp cứu, mua thuốc phục vụ cho nhu cầu đặc thù của bệnh viện. Chỉ định thầu để bảo đảm tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như thuận lợi cho việc thực hiện.
Đấu thầu thuốc có tính đặc thù, khi xây dựng kế hoạch có số lượng và khi phê duyệt trúng thầu cũng phải có số lượng. Tuy nhiên, số lượng thực tế phụ thuộc nhu cầu khám chữa bệnh, nên đối với thuốc từ trước đến nay hình thức hợp đồng là hợp đồng nguyên tắc. Tức là hợp đồng kết hợp giữa hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá. “Cho nên đề án luật cũng cần xem xét, bổ sung hình thức hợp đồng phù hợp với ngành dược” – đại biểu Phong Lan nói.
Đại biểu Phong Lan cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất là chúng ta tìm mẫu số chung để Luật đấu thầu có thể áp dụng cho tất cả các ngành nghề. Cho nên rất cần thiết có một luật riêng dành cho những mặt hàng đặc thù như thuốc trong ngành dược. “Đấu thầu không phải là con đường duy nhất để có thể tiếp cận những mặt hàng chất lượng với giá cả hợp lý. Trong thực tế áp dụng đấu thầu, đôi khi các doanh nghiệp, các bên chào thầu trong ngành dược đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong một vài trường hợp đã không đạt được mục tiêu là thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý. Chúng tôi mong sẽ có những sửa đổi, đặc biệt sẽ có những luật riêng cho vấn đề này”./.
Vũ Hạnh
VOV
|