4 năm, thu hồi hơn 15.000 tỷ đồng
Hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng phải xem là chiếm đoạt tài sản công, tư lợi cá nhân là tham nhũng.
Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi. Sau 7 năm thực hiện, sắc luật này đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đời sống, xã hội, đem lại hiệu quả bước đầu. Trong giai đoạn 2006 - 2010, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách nhà nước 15.037 tỷ đồng. Từ năm 2006 đến tháng 7/2012, hệ thống kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng.
Song thực tế triển khai cho thấy, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng lãng phí diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các dự án sử dụng ngân sách. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong năm 2010, cả nước có 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,78% số dự án thực hiện trong kỳ; số dự án phải điều chỉnh chiếm 15,14%; số dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư là 221 dự án, chiếm 0,63%. Kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm 2012 cũng cho thấy, đa số các dự án đầu tư được kiểm toán đều có sai phạm nhất định trong công tác đấu thầu, thẩm định, phê duyệt dự án, nghiệm thu khống, nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá, quyết toán thừa cho nhà thầu.
Do đó, góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi lần này, nội dung về đầu tư dự án từ vốn ngân sách, các công trình, dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ được nhiều đại biểu tập trung.
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nêu: Hiện các dự án bất động sản, các nhà máy, bến cảng, các trường đại học, cao đẳng và nhiều lĩnh vực khác đang phát triển theo phong trào, quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội, cung cầu nguồn nhân lực, gây lãng phí rất lớn. Trong khi đó, việc tư vấn, cấp phép đăng ký cho thành lập mới các cơ sở giáo dục đào tạo, bệnh viện, cấp phép đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, cấp phép mở mã ngành, mã nghề… chưa được điều chỉnh, dẫn đến có hiện tượng vì lợi ích nhóm nên không theo quy hoạch, gây lãng phí.
Để tăng cường hiệu lực của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, một số đại biểu đề nghị, cần xác định cụ thể hơn, rõ hơn mức độ như thế nào được coi là lãng phí, ở mức độ bao nhiêu thì xử lý trách nhiệm thế nào và cần quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tránh tình trạng quy trách nhiệm tập thể một cách chung chung, khó xử lý.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) cũng cho rằng, cần có một chương riêng quy định về xử lý vi phạm. Trong đó có chế tài cụ thể từ mức độ giải trình, bồi thường thiệt hại, bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính cho đến việc truy cứu trách nhiệm. Với hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng, phải xem là chiếm đoạt tài sản công, tham nhũng và phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu chế tài chỉ theo hướng đặt ra, nhưng chưa chỉ ra được hành vi cụ thể, mức độ sai phạm, không làm rõ trách nhiệm thẩm quyền và xử lý, nhất là xử lý đối với tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí thì hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.
Hoàng Duy
đầu tư chứng khoán
|