Vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng: Ngân hàng giúp doanh nghiệp... lừa ngân hàng
Sau khi Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Đắc Nông vào cuộc, biết không thể tiếp tục cho vay đáo hạn như những năm trước, Giám đốc VDB chi nhánh Đắc Lắc - Đắc Nông đã giúp sức cho các nữ giám đốc doanh nghiệp ở Đắc Nông chiếm đoạt của Sở giao dịch TPHCM thuộc Ngân hàng TMCP Phương Đông và chi nhánh Ngân hàng Nam Á tại Hà Nội.
* Vụ lừa đảo hơn 1.000 tỉ đồng: “Rót” vốn ưu đãi cho doanh nghiệp lừa
* Nhân viên ngân hàng NamABank, OCB, VDB nhận hối lộ, chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng
Chi nhánh Ngân hàng Phát triển VN Đắc Lắc - Đắc Nông
|
Phần lớn số tiền này, các nữ giám đốc doanh nghiệp dùng để trả nợ quá hạn cho VDB Đắc Lắc - Đắc Nông.
Trong nhiều năm, các Cty Minh Nhật, Nhật Tân, Phát Long, Thủy Ngân và HTX Sông Cầu đều làm ăn thua lỗ, giá trị tài sản không đủ thanh toán nợ cho VDB Đắc Lắc - Đắc Nông. Nhưng bất ngờ là cuối năm 2010, Cty Minh Nhật bỗng dưng có 150 tỉ đồng, Cty Nhật Tân cũng có 50 tỉ đồng từ Sở giao dịch TPHCM của Ngân hàng Phương Đông chuyển về trả cho VDB Đắc Lắc - Đắc Nông. Sau đó, các Cty Minh Nhật, Nhật Tân, Thủy Ngân và HTX Sông Cầu còn trả thêm cho VDB Đắc Lắc - Đắc Nông hơn 500 tỉ đồng. Kết quả điều tra cho thấy, chính Giám đốc VDB Đắc Lắc - Đắc Nông Vũ Việt Hùng là đồng phạm, giúp sức cho Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân... lừa tiền của Ngân hàng Phương Đông và Ngân hàng Nam Á.
Cuối năm 2010, thông qua một số “cò” tín dụng tại nhiều địa phương, các “con nợ” quá hạn của VDB Đắc Lắc - Đắc Nông là Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Vân, Đặng Thị Ngân đã liên hệ vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Vũ Việt Hùng đã ký khống vào các hợp đồng tiền gửi tại VDB Đắc Lắc - Đắc Nông, ký khống các thông báo hạn mức cho vay để các đối tượng trên làm cơ sở vay vốn ngân hàng thương mại.
Sau khi Nguyễn Thị Vân vay 50 tỉ của Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội, số tiền này được chuyển vào tài khoản HTX Sông Cầu tại VDB Đắc Lắc - Đắc Nông để làm vốn đối ứng nhằm vay tiếp. Vân cam kết không sử dụng tiền mà để Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội phong tỏa tài khoản này, khi hết hạn hợp đồng sẽ chuyển trả về nơi cho vay. Vũ Việt Hùng cũng đã ký cam kết, đồng ý cho Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội phong tỏa tài khoản tiền gửi của Vân tại VDB Đắc Lắc - Đắc Nông.
Nhưng khi có tiền chuyển về, Vân đã ký ủy nhiệm chi, Hùng chuyển đến tài khoản của VDB Đắc Lắc - Đắc Nông để thu nợ quá hạn trước đó của HTX Sông Cầu. Lúc này Trương Đình Hải - Giám đốc Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội - mới biết Nguyễn Thị Vân và các giám đốc khác ở Đắc Nông có nợ quá hạn tại VDB Đắc Lắc - Đắc Nông, mục đích vay vốn là để trả nợ cho VDB Đắc Lắc - Đắc Nông. Hải đã không cho các giám đốc khác vay vốn như đã thỏa thuận, đồng thời yêu cầu VDB Đắc Lắc - Đắc Nông phải chuyển trả ngay 50 tỉ đồng mà Nguyễn Thị Vân đã vay, nhưng không được.
Sau khi lộ thủ đoạn tại Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội, Nguyễn Thị Vân, Trần Thị Xuân, Cao Bạch Mai, Nguyễn Thị Kim Loan, Đặng Thị Ngân lại tìm đến Sở giao dịch TPHCM của Ngân hàng Phương Đông để tiếp tục lừa đảo. Vẫn với các thủ đoạn trên, được Vũ Việt Hùng giúp sức, các đối tượng này đã vay được 530 tỉ đồng của Ngân hàng Phương Đông để chiếm đoạt và trả nợ quá hạn cho VDB Đắc Lắc - Đắc Nông.
Theo Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Đắc Nông, các đối tượng đã chiếm đoạt trên 1.058 tỉ đồng (trong đó VDB Đắc Lắc - Đắc Nông hơn 478 tỉ đồng, Sở giao dịch TPHCM của Ngân hàng Phương Đông 530 tỉ đồng, Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội 50 tỉ đồng). Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu hồi, phong tỏa được hơn 719 tỉ đồng để giảm thiểu thiệt hại.
Đặng Trung Kiên
Lao Động
|